Nâng cao hiểu biết về quyền con người
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường thực hiện Đề án 1309/QĐ-TTg của Chính phủ về việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với gần 200 điểm cầu, tại 63 tỉnh thành. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, đại diện các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cùng các chuyên gia, giáo viên trên cả nước.
Theo đó, các đại biểu thảo luận về một số nội dung, phương thức tổ chức thực hiện và định hướng triển khai nội dung giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Thứ trưởng cho hay, Bộ GD&ĐT đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người cho học sinh phổ thông. Qua đó, nhằm giúp học sinh nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; tự bảo vệ quyền của mình và bảo vệ quyền của người khác khi có sự vi phạm.
Hiện nay, đối với cấp tiểu học, nội dung về quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục môn Đạo đức. Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng giáo dục quyền con người vẫn cần được tiếp tục tích hợp, lồng ghép vào chương trình giáo dục trong các môn học và hoạt động giáo dục như: Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Tiếng Việt, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm…
Toàn cảnh hội thảo. |
Nhấn mạnh, việc lồng ghép, tích hợp giáo dục quyền con người là cần thiết, Thứ trưởng phân tích, mặc dù nội dung về quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông của một số môn học nhưng các nội dung này chưa có tính hệ thống và tính xuyên suốt, đầy đủ các giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực quyền con người.
Bên cạnh đó, các tài liệu và học liệu giảng dạy, học tập về quyền con người ở các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là tài liệu hướng dẫn lồng ghép còn thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.
Xuất phát từ lý do trên, Bộ GD&ĐT biên soạn khung nội dung quyền con người và đề xuất định hướng thực hiện khung nội dung quyền con người trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của học sinh về quyền con người, quyền công dân.
Qua đó, góp phần giúp học sinh biết bảo vệ quyền của mình và bảo vệ quyền của người khác khi có sự vi phạm. Đây phương thức hiệu quả, góp phần tăng cường thực hành quyền ở trường học, ngăn ngừa bạo lực học đường và các tình trạng phân biệt đối xử, xâm hại nhân phẩm con người.
Tích hợp hiệu quả vào các hoạt động giáo dục
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài báo cáo tại hội thảo. |
Báo cáo tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài - cho hay, Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Có thể thấy, nội dung quyền con người, quyền trẻ em có tầm quan trọng đặc biệt khi được tích hợp một cách hiệu quả vào các môn học và hoạt động giáo dục. Qua đó, nhằm thực hiện mục tiêu hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của chương trình giáo dục phổ thông nói chung và chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học nói riêng.
Ông Thái Văn Tài trao đổi, có thể xây dựng kế hoạch tổ chức nội dung giáo dục quyền con người trong Kế hoạch giáo dục nhà trường với các hình thức chủ động, linh hoạt.
Theo đó, giáo viên có thể tổ chức theo giờ học riêng, với từng chủ đề hoặc lồng ghép vào các hoạt động văn nghệ, câu lạc bộ sinh hoạt, hội thi… Việc xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai tùy thuộc vào mục tiêu, nội dung và yêu cầu cần đạt của bài học, mạch kiến thức. Nội dung giáo dục về quyền con người, quyền trẻ em được thực hiện theo một trong ba mức độ: toàn phần, bộ phận, liên hệ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất phương pháp dạy học tích hợp, lồng ghép nội dung quyền con người; yêu cầu sư phạm đối với giáo viên và xây dựng, biên soạn nội dung quyền con người vào sách giáo khoa…