Cuộc tọa đàm nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và BHXH Việt Nam trong việc phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong sinh viên; giúp sinh viên hiểu và áp dụng hiệu quả các quy định của chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về các chính sách, pháp luật liên quan và một số giảng viên, sinh viên trong trường đã được thụ hưởng quyền lợi về BHYT, BHXH cùng đối thoại để tìm hiểu nội dung, giải đáp các vấn đề, tình huống khúc mắc về các loại bảo hiểm nói trên.
Về BHXH, sinh viên tham dự được cung cấp những kiến thức, những nội dung cơ bản của chính sách BHXH về quyền lợi, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động, mức đóng, mức hưởng và các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất … Về BHTN, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết để đảm bảo quyền lợi của mình trong trường hợp không may mất việc làm.
Theo quy định, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, sinh viên đóng 70% còn lại. Số tiền mà một sinh viên đóng BHYT hiện tại là 43.785 đồng/tháng, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ là 18.765 đồng/tháng.
Sinh viên có thể lựa chọn phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng cho cơ sở giáo dục, nhà trường sinh viên đang theo học. Về mức chi trả, nếu đi khám chữa bệnh đúng tuyến, sinh viên được chi trả các mức 80% - 95% - 100%, tùy từng mã thẻ.
Nếu khám trái tuyến, mức chi trả là 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương, 100% chi phí điều trị nội, ngoại trú tại các bệnh viện tuyến huyện; được chi trả 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh đến ngày 31/12/2020.
Từ năm 2021, sinh viên được chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước. Trường hợp đi khám chữa bệnh không xuất trình đầy đủ thủ tục, được quỹ BHYT thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH trong phạm vi và mức hưởng theo quy định. Trường hợp tham gia 5 năm liên tục trở lên sẽ được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, tỷ lệ sinh viên của trường tham gia BHYT trong năm học 2018-2019 đạt 98%, trong đó sinh viên năm thứ nhất đạt 98,4%, sinh viên năm thứ hai và ba đạt 98%, sinh viên năm cuối đạt 97,4%. Việc tuyên truyền giáo dục về chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BHTN luôn được nhà trường quan tâm sát sao.
Một cuộc tọa đàm tương tự đã được tổ chức cùng thời gian này năm 2017. Dự kiến, tháng 12/2018, trường sẽ tiếp tục tổ chức tọa đàm lần thứ 3 để có nhiều sinh viên được tiếp cận và quán triệt các chính sách, pháp luật nói trên. Việc sinh viên tham gia BHYT là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của sinh viên và là điều kiện để xét tốt nghiệp.