Vẫn còn hành vi vi phạm Luật đê điều gây mất an toàn cho hệ thống đê điều và dân sinh
Thời gian qua, tình trạng xuống cấp một số công trình trên đê là lý do chính gây mất an toàn đê điều trong mùa mưa bão. Nguyên nhân một phần từ việc thiếu ý thức chấp hành các quy định của Luật đê điều của một số cá nhân, tổ chức tại cơ sở.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức trong đầu tư, thường xuyên duy tu bảo dưỡng hệ thống các công trình đê điều cũng như chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định cũng Ngoài ra, trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, nhu cầu đất đai, vật liệu xây dựng ngày càng cao nên tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn xảy ra phổ biến, gia tăng về mức độ và quy mô các vi phạm.
Tình trạng vi phạm phổ biến là xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều và trên bãi sông; đổ thải, san lấp lấn chiếm lòng sông, bãi sông; khai thác, tập kết cát sỏi trái phép ở bãi sông, lòng sông; xe quá tải trọng lưu thông trên đê. Trong đó, nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, thoát lũ, nhất là trong thời điểm mùa mưa, bão.
Qua thống kê của các địa phương, từ năm 2011 đến hết tháng 4-2021, tại 19 tỉnh, thành phố có đê cấp 3 đến cấp đặc biệt xảy ra 10.969 vụ vi phạm, trong đó đã giải tỏa xử lý được 3.433 vụ, còn tồn đọng 7.536 vụ (chiếm 68,7%). Trong đó, năm 2019 xảy ra 368 vụ, xử lý 145 vụ, tồn đọng 223 vụ; năm 2020 xảy ra 326 vụ, xử lý 165 vụ, tồn đọng 161 vụ. Riêng bốn tháng đầu năm 2021 xảy ra 91 vụ vi phạm, xử lý 47 vụ, còn tồn đọng 44 vụ.
Tuy nhiên, Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của hệ thống công trình đê điều, thời gian gần đây cũng có nhiều địa phương đã tổ chức triển khai các giải pháp bảo vệ, đảm bảo sự an toàn sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp trước khi mùa mưa bão về. Như tại Hà Nội, thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn; chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vi phạm tồn đọng, đặc biệt là các vụ vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, công trình thủy lợi, thoát lũ.
Đặc biệt, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đê điều, thủy lợi, đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật…”
Cần sự chung sức của chính quyền và nhân dân
Trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, cùng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặt ra không ít thách thức đối với công tác quản lý, bảo vệ hệ thống đê điều. Thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có những văn bản, chỉ thị kịp thời trong công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, ổn định đời sống dân sinh.
Gần nhất là Chỉ thị số 42-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Cần quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, thay đổi tư duy phát triển, bảo đảm phát triển bền vững.
Để giảm thiểu tổn thất, các tỉnh, thành phố phải xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ đê điều là nhiệm vụ trọng tâm. Muốn thực hiện được điều đó cần có sự chung tay, chung sức của các cấp, các ngành và người dân. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền đến người dân, nâng cao ý thức bảo vệ đê điều, không lấn chiếm hành lang đê để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của bản thân cũng như những người xung quanh.
Các địa phương cần tổ chức các đợt ra quân xử lý dứt điểm các vụ vi phạm, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính về đê điều và phòng chống lụt bão.
Đặc biệt khi phát hiện các hành vi vi phạm công trình đê, kè, thủy lợi..., người dân cần báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền liên quan để có biện pháp xử lý kịp thời.
Cùng với việc kiểm tra giám sát, cần nghiên cứu, nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ đê điều như mô hình “Tuyến đê kiểu mẫu”,”Hạt Quản lý đê điển hình”…
Song song với việc bảo vệ các công trình đê điều, chính quyền các địa phương cần có kế hoạch trọng tâm để xây dựng và phát triển kinh tế. Mỗi địa phương cần có nguồn kinh phí củng cố, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, thủy lợi, hạ tầng giao thông đa mục tiêu để việc phát triển kinh tế được bền vững hơn.
----
Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.