Lai Châu: Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

GD&TĐ - Trước những tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan, người dân Lai Châu đã dần chủ động thích ứng và “thuận thiên” là cách tốt nhất để ứng phó.

Đồng thời, tỉnh Lai Châu đã tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nỗi đau thiên tai…

Tác động tiêu cực của Biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể thường xuyên gây ra những đợt thiên tai cực đoan như mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất hạn hán, rét đậm, rét hại và gây thiệt hại to lớn đến tài sản và tính mạng của chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu.

Với đặc thù của những tỉnh miền núi Tây Bắc, Mùa mưa của Lai Châu thường bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 9 hàng năm. Thời điểm đầu mùa mưa thường xảy ra gió lốc, mưa đá, mưa cực đoan gây tốc mái, hư hỏng nhà cửa, dập nát hoa màu, cây cối. Từ giữa đến cuối mùa mưa là các tháng cao điểm thường có mưa to đến rất to gây lũ quét, sạt lở đất đá… Ngoài ra, Lai Châu là tỉnh có địa hình rộng, chia cắt, độ dốc lớn, thiên tai lại xảy ra hầu khắp các địa bàn toàn tỉnh với sức tàn phá lớn.

“Cơn thịnh nộ” của thiên tai khiến cho nhiều nhà dân tại Lai Châu bị hư hỏng.
“Cơn thịnh nộ” của thiên tai khiến cho nhiều nhà dân tại Lai Châu bị hư hỏng.

Theo ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu, hình thái thời tiết cực đoan không ngừng gia tăng đã khiến cho Lai Châu bị thiệt hại nặng về người và của. Thiên tai gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Giao thông bị hư hỏng, tắc nghẽn, nhiều công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt bị thiệt hại…

Con số thiệt hại do mưa lũ năm 2018 là điều mà người dân Lai Châu muốn vùi quên, nhưng nỗi đau mất người, sót của vẫn còn hiện hữu. Theo đó, thiên tai đã khiến 25 người chết, 14 người mất tích, 24 người bị thương. 134 nhà sập hoàn toàn, hơn 500 ngôi nhà bị hư hỏng và 1.187 nhà nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai cao… Tài sản của người dân cuốn trôi theo “cơn thịnh nộ” của thiên tai.

Nhớ lại, trận mưa lũ lịch sử vào đầu tháng 8/2018, tại huyện Sìn Hồ đã cướp đi sinh mạng 12 người và 6 người mất tích dưới hàng nghìn khối đất đá. Đến nay, công tác tìm kiếm những người mất tích đã tạm dừng. Họ sẽ mãi nằm yên trong đống đất đá và nỗi đau của người thân.

Vào năm 2019, thiên tai đã khiến 5 người chết, 2 người mất tích và 1 người bị thương. Gần 1.200 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại. Hàng trăm héc-ta lúa, rau màu bị cuốn trôi, vùi lấp. Hàng chục công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị hư hỏng. 37 điểm trường, 2 trạm y tế, 2 công trình thủy điện bị ảnh hưởng, thiệt hại.

Năm 2020, thiên tai đã khiến 5 người chết, 19 người bị thương. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm này ước tính trên 320 tỷ đồng.

Thấp thỏm, lo âu, đó là tâm lý chung của tất cả người dân sống trong vùng ảnh hưởng của thiên tai. Nhiều người dân không thể mường tượng ra cảnh mình phải sống cảnh “màn trời chiếu đất” chỉ sau một đêm mưa lớn, một cơn gió mạnh... Những mất mát từ thiên tai để lại sẽ là nỗi đau khó có thể nguôi ngoai!

Chủ động phòng tránh

Thống kê cho thấy, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai song so với nhiều tỉnh trong cả nước, Lai Châu vẫn có mức độ thiệt hại do thiên tai thấp. Có được điều đó là do địa phương đã chủ động trong công tác phòng chống thiên tai. Việc tổ chức phòng, tránh kịp thời nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, khắc phục hậu quả tác động của thiên tai trong thời gian ngắn nhất.

Để chủ động phòng, chống và khắc phục sớm hậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, kế hoạch PCTT&TKCN hàng năm của UBND tỉnh Lai Châu bámsát với tình hình thực tế của từng ngành, địa phương, có tính đến yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu. Chú trọng nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tổ chức kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy PCTT&TKCN ở các cấp, các ngành theo quy định tại Luật Phòng, chống thiên tai và các Nghị định hướng dẫn thi hành. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ huy để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN. Đảm bảo kịp thời triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

Quán triệt công tác chỉ đạo thực hiện mục tiêu: Phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả với phương châm ""4 tại chỗ"". Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các lực lượng, chỉ đạo kịp thời, đồng bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác PCTT&TKCN.

Công tác diễn tập PCTT&TKCN trước mỗi mùa mưa lũ với các tình huống thiên tai giả định đã được chính quyền địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm, thực hiện. Có kế hoạch dự phòng vật tư, phương tiện, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết khác.

Tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm và ưu tiên đối với công tác di dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Ngoài bố trí kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, nước sinh hoạt... còn có nhiều chính sách để hỗ trợ người dân sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

 “Thuận thiên” để ứng phó

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về ảnh hưởng của BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp, nâng cao ý thức, hành động tìm biện pháp phòng tránh và cách thích ứng phù hợp.

Từ đó, nhiều địa phương đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và bố trí lịch thời vụ gieo trồng hợp lý nhằm thích ứng với BĐKH và điều kiện từng vùng sinh thái. Đồng thời, tích cực thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, áp dụng các biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc…

Ông Ngọ Doãn Bình, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Uyên cho biết: “Để giảm thiểu thiệt hại, ngành nông nghiệp huyện Tân Uyên đã triển khai thực hiện việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với BĐKH, đặc điểm sinh thái của vùng và địa phương. Hướng dẫn người dân thay đổi khung thời vụ gieo trồng để tránh những đợt rét đậm, rét hại khi gieo cấy và mưa lũ khi thu hoạch. Áp dụng quy trình sản xuất phù hợp, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại”.

Bên cạnh đó, huyện Tân Uyên cũng tăng cường thực hiện việc thanh thải các lòng suối trên địa bàn huyện, đầu tư xây dựng kè suối nhằm bảo vệ khu dân cư và diện tích sản xuất của người dân 2 bên các dòng suối. Xây dựng phương án và tổ chức di chuyển dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai.

Cũng theo ông Ngọ Doãn Bình, một trong những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó với BĐKH là tăng cường công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Diện tích rừng tăng sẽ góp phần giảm nhẹ tác động của BĐKH, đồng thời giữ được nước, phòng chống lũ quét, đảm bảo cuộc sống người dân.

Chúng tôi được bà Trần Thị Thu Hiền, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sìn Hồ cho ví dụ về giải pháp mà huyện đã chủ động thích ứng với BĐKH. Như hồitháng 4 năm 2019, nắng nóng và khô hạn diễn ra trong một thời gian dài đã làm ảnh hưởng đến 102ha ngô xuân hè, khiến ngô bị héo lá và có nguy cơ chết và gần 1.000ha lúa trà sớm và trà chính vụ phải gieo trồng muộn…”

Trước tình hình đó, huyện đã tiến hành rà soát nhu cầu của nhân dân, lập kế hoạch hỗ trợ giống mới ngắn ngày, chất lượng để bổ sung, thay thế diện tích bị ảnh hưởng có thể khắc phục. Mặt khác, hỗ trợ và sử dụng phân bón để nhân dân tiến hành thâm canh cao cho cây lương thực chủ yếu như lúa, ngô nhằm tăng năng suất, chất lượng bù lại diện tích, năng suất, sản lượng đã bị ảnh hưởng do đó tổng sản lượng lương thực trong năm vẫn đạt và vượt kế hoạch giao.

Dưới những tác động khôn lường của thời tiết cực đoan do BĐKH gây ra, người dân Lai Châu đã dần chủ động thích ứng theo hướng “thuận thiên”. Dẫu vậy, với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, thì việc để tất cả người dân thay đổi theo tư duy chủ động ứng phó với BĐKH vẫn là bài toán nan giải…

----

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ