Chìa khóa cho sự thành công của Việt Nam trong phòng, chống thiên tai trong tình hình mới

GD&TĐ - Tình hình thiên tai năm 2021 được dự báo không khốc liệt như năm 2020, tuy nhiên diễn biến lại rất bất thường.

Thời tiết cực đoan không dự báo trước được ngày càng tăng nên công tác chuẩn bị ứng phó với các tình huống xấu phải được lên kế hoạch một cách chặt chẽ.

 Hơn trăm người chết và mất tích do thiên tai

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính riêng từ ngày 19/9-đến 18/10/2021, trên cả nước, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lốc, sét, mưa đá làm 27 người chết và mất tích; 7 người bị thương; 19,8 nghìn ha lúa và 15,3 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 83,4 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; 97 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 905 ngôi nhà bị ngập hư hại, thiệt hại ước tính 778 tỷ đồng, giảm 71,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng năm nay, thiên tai làm 104 người chết và mất tích, 128 người bị thương; 108,6 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; 676 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 13,7 nghìn ngôi nhà bị ngập hư hại; 105,8 nghìn ha lúa và 60,2 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 2,1 nghìn tỷ đồng, giảm 78,9% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2020, mưa lũ đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Trung
Năm 2020, mưa lũ đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Trung

Trước đó, trả lời trên báo chí, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai cho hay mùa mưa bão năm nay sẽ tương đương và mưa lũ có thể phức tạp hơn năm 2020. Lũ trên các hệ thống sông chính sẽ ở mức báo động từ 2 đến báo động 3. Lũ quét sạt lở đất, ngập lụt sẽ đến sớm hơn so với những năm trước đây.

Ngoài ra, theo Vụ Quản lý đê điều, qua công tác đánh giá hiện trạng đê điều trước mùa bão, lũ năm 2021, các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt đang còn nhiều tồn tại. Cụ thể, có 200 trọng điểm xung yếu phải xây dựng phương án bảo vệ trong mưa lũ, 316km đê còn thiếu cao trình, nguy cơ bị tràn khi gặp lũ thiết kế. Cùng với đó, có 174km đê thường xuyên xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ, 386 cống cũ, hư hỏng và 233km kè hư hỏng, xung yếu. Bởi vậy, các địa phương cần lên phương án kịp thời để đối phó với các tình huống xấu.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ nay cho tới hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 05-07 cơn bão/áp thấp  nhiệt đới, trong đó có khoảng 02-04 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Tháng 10 và 11/2021 cũng là cao điểm mùa mưa bão tại khu vực Trung Bộ với lượng mưa được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%.

Về tình hình nguồn nước và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp (dưới báo động 1) và xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10/2021; đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 2-báo động 3, một số trạm trên báo động 3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long.

Chìa khóa thành công cho công tác phòng chống thiên tai

Theo ông Trần Quang Hoài, ngay từ đầu năm, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương triển khai nhanh chóng, hiệu quả các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020.

Ngoài ra, đơn vị này cũng thường xuyên theo dõi, cập nhật về dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai trong nước và khu vực để tham mưu kịp thời lãnh đạo Bộ, Ban chỉ đạo, bảo đảm chủ động ứng phó hiệu quả với thiên tai.

Trong năm 2020, số lượng người thương vong do thiên tai quá nhiều. Trong số bốn vụ sạt lở đất thì đã có ba vụ được đưa vào diện cảnh báo đặc biệt nghiêm trọng. Bởi vậy trong năm 2021 cần rút kinh nghiệm, phải chỉ đạo quyết liệt hơn, cần thiết sẽ gắn trách nhiệm trong công tác phòng chống thiên tai cho lãnh đạo địa phương để giảm thiểu các thiệt hại về người, về của.

Trước việc thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường và có chiều hướng cực đoan hơn, theo GS-TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT) việc nâng cao khả năng chuẩn bị sẵn sàng và tăng cường năng lực cải thiện công tác lập kế hoạch ở cấp tỉnh và địa phương sẽ là chìa khóa cho sự thành công của Việt Nam trong phòng, chống thiên tai.

Một vấn đề cũng được đặc biệt lưu ý là việc cảnh báo sớm, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân có thể chủ động trong công tác phòng chống cần được đặc biệt quan tâm. Với phương châm chiến lược cảnh báo sớm, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân chủ động phòng ngừa; tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn và công tác khắc phục hậu quả thiên tai hết sức kịp thời, Việt Nam đã thực hiện rất tốt công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và còn nhiều điều kiện khó khăn như hiện nay.

Theo ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, tác động của thiên tai gần đây, kết hợp với dịch Covid-19 đã cho thấy rằng các gia đình và các cộng đồng dễ bị tổn thương có khả năng bị tác động cao hơn và phục hồi chậm hơn. Nếu không được giải quyết kịp thời, những mối nguy này có thể gây ra tác động lâu dài và dẫn đến bất bình đẳng hiện có và có thể ảnh hưởng đến cả các thế hệ tương lai. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc nâng cao khả năng chuẩn bị sẵn sàng và tăng cường năng lực cải thiện công tác lập kế hoạch ở cấp tỉnh và địa phương sẽ là chìa khóa cho sự thành công của Việt Nam trong phòng, chống thiên tai.

Tại Hội nghị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã chỉ rõ: Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần tập trung cho công tác giám sát, dự báo thiên tai, bảo đảm công tác dự báo đủ độ tin cậy và ngày càng chính xác hơn; triệt để thực hiện phương châm 4 tại chỗ và phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn bộ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tập trung đầu tư nâng cao năng lực phòng chống thiên tai đủ mạnh, cả về bộ máy, con người và trang thiết bị.

Cùng với đó là việc chú trọng lồng ghép nội dung, chương trình phòng, chống thiên tai trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành, các địa phương; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư, củng cố các công trình, cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; huy động hiệu quả nguồn lực xã hội trong giảm nhẹ, khắc phục hậu quả, khôi phục và ổn định sản xuất, đời sống nhân dân sau thiên tai…Tất cả sẽ tạo nên sức mạnh tổng thể trong phòng chống thiên tai của Việt Nam.

----

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ