Còn nhiều thách thức
Vừa qua, trong khuôn khổ hợp tác với Tập đoàn Y tế Kitahara (Nhật Bản), từ ngày 4/11 - 6/11, Trường Đại học Y Dược (ĐHQGHN) tổ chức chương trình tập huấn dành cho giảng viên Bộ môn Y học cấp cứu ngoại viện. Các buổi tập huấn được điều phối và giảng dạy bởi những chuyên gia uy tín đến từ Nhật Bản, nhằm đào tạo lực lượng giảng viên nòng cốt, góp phần mở rộng chương trình đào tạo Cấp cứu ngoại viện tại Việt Nam.
Hiện nay, việc cấp cứu ngoại viện ngày càng được chú trọng trong bối cảnh nhiều tình huống khẩn cấp như tai nạn giao thông, đột quỵ hay các ca chấn thương nghiêm trọng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều người dân và cả y bác sĩ vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng sơ cứu cần thiết để xử lý ban đầu đối với những trường hợp này.
“Toàn quốc mới chỉ có 16 tỉnh, thành phố có trung tâm cấp cứu 115. Từ trước đến nay chưa có khái niệm về Cấp cứu ngoại viện trong hệ thống các văn bản pháp luật. Đến năm 2023, khái niệm Cấp cứu ngoại viện mới được đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Vì vậy, thực trạng Cấp cứu ngoại viện ở Việt Nam không giống một quốc gia nào trên thế giới và trong khu vực”, ThS. BS. Đỗ Quốc Phong, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực nội khoa và Chống độc - Bệnh viện E nhận định. Bác sĩ Đỗ Quốc Phong cũng chính là giảng viên, giáo vụ bộ môn Y học Cấp cứu ngoại viện của Trường Đại học Y dược (ĐHQGHN) tham gia vào buổi tập huấn lần này.
Chia sẻ về những thách thức và khó khăn của Cấp cứu ngoại viện, bác sĩ Phong cho biết: “Các chương trình cấp cứu ban đầu hiện nay cho cộng đồng vẫn còn rời rạc, hiệu quả không cao. Nhiều khóa học chỉ mang tính chất hình thức nên sau đào tạo học viên không thực hành tốt được”.
Bên cạnh những vấn đề liên quan như cơ sở vật chất cũ kỹ, trang thiết bị không đồng bộ để xử lí các ca bệnh nhân nặng, chưa có trung tâm điều phối để kết nối các bệnh viện…, việc thiếu nhân lực cũng là điều đáng quan tâm. “Duy nhất có Trường ĐH Y dược – ĐH Quốc gia Hà Nội có bộ môn Y học Cấp cứu ngoại viện, đang trong quá trình xây dựng giáo trình đào tạo và chuẩn hoá đội ngũ giảng viên đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Bộ Công an cũng đã hỗ trợ xây dựng trung tâm đào tạo mô phỏng tại Hòa Lạc”, bác sĩ Phong nói.
Cần phổ biến rộng rãi
Theo bác sĩ Phong, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, không chỉ đội ngũ nhân viên y tế, mà mọi công dân cũng cần trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu. Điều này giúp tăng cường khả năng ứng phó kịp thời khi có tình huống nguy cấp xảy ra, đặc biệt là ở những khu vực cách xa các trung tâm y tế lớn.
“Kỹ năng cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản và sơ cứu các chấn thương, vết thương chảy máu, tham gia vận chuyển bệnh nhân an toàn cần được phổ cập đến người dân cũng như các cơ quan chức năng để hỗ trợ tốt hơn cho các đơn vị y tế trong việc cấp cứu bệnh nhân”, bác sĩ Phong nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ này, với mục tiêu giúp người dân hiểu vai trò Cấp cứu ngoại viện là trách nhiệm của mọi công dân, tích cực tham gia cấp cứu đúng tại chỗ sẽ quyết định thành công, cần làm công tác tuyên truyền về vai trò của cấp cứu ngoại viện cũng như khuyến khích tham gia các chương trình đào tạo đạt chuẩn.
Đi kèm với đó, việc phổ cập các kỹ năng sơ cứu không chỉ giảm thiểu nguy cơ tử vong, mà còn hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra trước khi người bệnh được chuyển đến cơ sở y tế chuyên sâu. Điều này cũng giúp tận dụng mọi nguồn lực xã hội nhằm phát huy sức mạnh toàn dân, giảm gánh nặng về chi phí cho nhà nước.