Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm

GD&TĐ - Kế hoạch “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động được các nhà trường nhiệt tình hưởng ứng để hướng đến môi trường sư phạm lành mạnh, văn minh, thân thiện.

Mô hình trường học hạnh phúc tại Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Mô hình trường học hạnh phúc tại Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).

Hoàn thiện “trường học hạnh phúc”

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - cho biết: Năm 2019, Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã giao nhiệm vụ cho Công đoàn Giáo dục Việt Nam tìm kiếm các giải pháp để hỗ trợ nhà giáo, người lao động có khả năng ứng phó với những tình huống sư phạm ngày càng phức tạp, khó khăn.

Do đó, Kế hoạch số 103 về “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” được ban hành ngày 2/4/2019. Triển khai kế hoạch, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tìm kiếm các cách thức, mời chuyên gia giáo dục trong, ngoài nước tư vấn để hỗ trợ nhà giáo có năng lực ứng phó với các tình huống sư phạm đang diễn ra.

Trước đó, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình đặc biệt dành cho các thầy, cô giáo với tên gọi “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” gây ấn tượng mạnh với khán giả cả nước. Trong quá trình tìm kiếm, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng nhóm chuyên gia đã học hỏi những ý tưởng của chương trình, quyết định thực hiện giải pháp mới, đó là thầy cô phải thay đổi để hạnh phúc, hướng tới trường học hạnh phúc.

Ông Nguyễn Ngọc Ân cho biết thêm: Trước đó một số địa phương đã nhen nhóm về mô hình trường học hạnh phúc nhưng ở điều kiện và cách tiếp cận khác nhau. Do đó, nhóm chuyên gia đã tìm kiếm một mô hình trường học hạnh phúc phù hợp với giáo viên Việt Nam, mang đặc thù Việt Nam với một loạt tiêu chí được thể hiện trong chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”.

Sau đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai hệ tiêu chí về xây dựng trường học hạnh phúc này đến các trường học. Đến thời điểm hiện tại, giáo viên đã tự tìm kiếm đến mô hình trường học hạnh phúc do Công đoàn Giáo dục Việt Nam xây dựng để thực hiện. Các trường học đều hưởng ứng mô hình trên. Phụ huynh cũng đón đợi trường học hạnh phúc.

PGS.TS Trần Thị Lệ Thu - giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - chia sẻ: Để xây dựng trường học hạnh phúc, giải pháp chiến lược với giáo viên cũng rất giản dị, cụ thể. Đầu tiên, thầy cô phải thông hiểu và có niềm tin vào mô hình trường học hạnh phúc. Trường học hạnh phúc không phải là khái niệm hoàn mỹ, lý tưởng, mà nó được xây dựng trên điều kiện cơ bản của Việt Nam.

Khi giáo viên hiểu, nghĩ đúng sẽ tìm ra cách để triển khai và xây dựng trường học hạnh phúc. Đó là nhóm kỹ năng, phương pháp dạy học, cách tạo dựng mối quan hệ giữa thầy trò trong nhà trường, giữa giáo viên, học sinh với phụ huynh; biết xây dựng môi trường an toàn, thân thiện. Khi thông hiểu, nắm được phương pháp rồi liên tục cập nhật, nếu thiếu thì tìm cách học hỏi. Cùng với đó, trường học hạnh phúc phải duy trì bền vững, không thể làm trong một học kỳ, một năm học mà phải thực hiện bền bỉ qua một quá trình.

Học sinh Trường THCS Trưng Vương hạnh phúc trong trường học hạnh phúc.

Học sinh Trường THCS Trưng Vương hạnh phúc trong trường học hạnh phúc.

Cần thiết xây dựng

Thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) - bày tỏ: Sau khi tham dự Hội thảo Xây dựng trường học hạnh phúc do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, tôi bắt đầu áp dụng những giải pháp nhỏ để từng bước xây dựng mô hình riêng cho ngôi trường của mình.

Sau khi áp dụng, tác dụng đem đến rất diệu kỳ. Thầy, cô giáo, học sinh thậm chí là phụ huynh được sống trong môi trường an toàn, thoải mái. Mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui, hiệu quả.

Theo cô Nguyễn Thị Châu Loan - giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), năm 2019, khi phát động phong trào xây dựng trường học hạnh phúc, ai nấy đều lo lắng khi chưa thực sự hiểu rõ về yêu cầu mục tiêu, tiêu chí đánh giá về trường học hạnh phúc để có thể thực hiện cho đúng và đạt hiệu quả cao nhất.

“Hiểu được băn khoăn của giáo viên, trường được các tổ chức công đoàn mời tham gia chương trình tập huấn để có thể hiểu rõ về trường học hạnh phúc. Sau một thời gian, chúng tôi yên tâm thực hiện chương trình này. Trong chương trình trường học hạnh phúc, cả học sinh, giáo viên, nhân viên và phụ huynh đều được quan tâm, đó là sự quan tâm toàn diện”, cô Châu Loan chia sẻ.

Thầy Hà Văn Thọ - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Phan Huy Chú - cho biết: Qua 3 năm, không chỉ Trường Phan Huy Chú, mà nhiều trường đã triển khai xây dựng trường học hạnh phúc rất hiệu quả, có được kinh nghiệm quý báu mà cấp học, trường khác có thể học tập theo.

Ở Trường Phan Huy Chú, Công đoàn đã vào cuộc tích cực cùng Ban giám hiệu để xây dựng trường học hạnh phúc và nâng cao năng lực ứng xử sư phạm cho nhà giáo. Nội dung xây dựng trường học hạnh phúc được lồng ghép vào tất cả cuộc họp của nhà trường, trong buổi sinh hoạt chuyên môn, họp phụ huynh. Phụ huynh luôn đồng hành cùng nhà trường để xây dựng trường học hạnh phúc.

Nguyễn Trần Nhật Linh - học sinh Trường THCS Trưng Vương - chia sẻ: “Đối với em, ngôi trường hạnh phúc là nơi chúng em vui vẻ khi đến trường. Ở đó, dù khả năng ra sao thì thầy cô vẫn luôn tôn trọng, chào đón, ân cần dạy dỗ bằng những biện pháp mới lạ, hiệu quả nhất. Học sinh được tự do thể hiện tài năng, phát triển sở trường của mình”.

Sau gần 3 năm triển khai, nhà trường đã có nhiều thay đổi. Thay đổi lớn nhất là không gian trường học an toàn, đẹp hơn. Chúng tôi nhận thấy sự thân thiện, hài lòng trong ánh mắt, nụ cười của học sinh, phụ huynh. - Cô Nguyễn Thị Thu Hà (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ