Tham dự hội nghị có hơn 120 thanh niên khuyết tật, người đồng hành, các cơ quan ban ngành, đại diện các trường đại học, doanh nghiệp và các đơn vị tài trợ tham gia.
Từ tháng 6/2011 đến 11/2014, Dự án Nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật (gọi tắt là Dự án) đã có gần 300 thanh niên khuyết tật (TNKT) được tuyển chọn với hạt nhân là nhóm thanh niên khuyết tật Đột Phá.
Đa phần đây là những sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TPHCM, thanh niên chưa có việc làm ổn định, còn mặc cảm, tự ti, thiếu kỹ năng về giao tiếp, việc làm…
Theo đó, sau hơn ba năm triển khai, Dự án thu được những kết quả đáng khích lệ. Trong một khảo sát DRD thực hiện vào tháng 10/2014 với chính sự đánh giá của TNKT đã cho thấy, nếu như trước khi tham gia Dự án, năng lực giao tiếp, sự tư tin của TNKT chỉ ở mức hơn 4 (thang điểm 10) thì hiện tại thang điểm này đã lên gần 8. Tương tự, năng lực tham gia hoạt động xã hội và hòa nhập cộng đồng của TNKT cũng tăng lên rõ rệt từ khoảng 4-5 điểm đến 6-7 điểm.
Nguyễn Thị Ái Thanh, TNKT nhóm Đột Phá cho biết, từ khi tham gia Dự án Thanh được tăng cường kỹ năng sống độc lập, cô đã có thể tự lựa chon – tự quyết định – tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình. Thay vì khép lòng với tất cả mọi người, Thanh biết chủ động nhờ sự trợ giúp của bạn bè, đồng nghiệp khi cần thiết. Cuộc sống của Thanh trở nên thoải mái, tươi vui hơn xưa rất nhiều.
Và từ những người được nhận, TNKT đã chủ động trở thành những người cho đi, khi tổ chức các hoạt động tự gây quỹ để lấy kinh phí tổ chức chương trình giao lưu sinh hoạt và tặng quà cho những NKT khác khó khăn hơn mình.
Dự án cũng thực hiện việc truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề khuyết tật. Thông điệp xuyên suốt của chiến lược truyền thông chính là "Một thế giới cho tất cả", phá bỏ những rào cản để tạo điều kiện cho NKT hòa nhập cộng đồng, từ đó phát huy giá trị và năng lực của NKT.
Dự án tổ chức chiến dịch "Bản đồ tiếp cận" khảo sát 1800 công trình tại TP.HCM, cung cấp một bản đồ giấy và một bản đồ online về các địa điểm phù hợp với NKT. Có 857 người cả khuyết tật lẫn không khuyết tật đồng ý trở thành đại sứ lên tiếng nói về vấn đề tiếp cận.
Triển lãm "Ừ thì khiếm khuyết" đón hơn 300 lượt người tham dự, tham quan những hình ảnh cho 15 TNKT chụp và kể lại câu chuyện về nhu cầu tham gia các hoạt động xã hội. Dự án thành lập một nhóm task force chuyên khảo sát tiếp cận gồm 5 thành viên đại diện cho 5 dạng tật khác nhau; đã khảo sát và đưa ra các khuyến nghị chỉnh sửa cụ thể cho 21 công trình gồm trường đại học, doanh nghiệp,...
Từ chỗ là một vấn đề "xa lạ" với cộng đồng, tiếp cận đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông. Tháng 6/2014, Bộ Xây dựng gởi công văn đề nghị DRD tham gia góp ý dự thảo Quy chuẩn xây dựng mới phù hợp với NKT.
Trước 2012, không có xe buýt tiếp cận; năm 2012, toàn TPHCM nhập về 2 xe buýt tiếp cận với NKT, đến nay con số này đã tặng lên 11, đồng thời, 218 xe buýt khác cũng đã tiếp cận hơn cho NKT. TNKT của Dự án cũng đã rất mạnh dạn lên tiếng nói tại các hội thảo chuyên sâu về Văn minh xe buýt, các buổi tập huấn, hội nghị về vấn để NKT.
9 sự kiện giao lưu "Một thế giới cho tất cả" tại 8 trường Đại học, Cao đẳng và Nhà văn hóa Thanh niên đã thu hút hơn 3200 SV và giảng viên, cán bộ của 15 trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP.HCM. Tại các tour này, TNKT của Dự án đã mạnh dạn chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, rào cản trong quá trình tham gia giao thông, học tập, làm việc của mình.
Giảng viên, sinh viên các trường cũng chủ động góp ý kiến của họ về các vấn đề khuyết tật. Nhiều đơn vị đã liên hệ đề nghị DRD mở các tour mới. Khoa Giáo dục đặc biệt, trường ĐH Sư phạm TPHCM thông báo đã có kế hoạch thành lập CLB ngôn ngữ ký hiệu và CLB dạy chữ nổi cho SV trường.
Trong khi đó, trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM cam kết sẽ xây con dốc tiếp cận cho NKT. Bên cạnh đó, các tài liệu truyền thông là các câu chuyện điển hình về NKT làm doanh nghiệp, làm lao động tốt, là các gương mặt TNKT trẻ trung nhiệt huyết, đã góp phần làm cộng đồng công nhận năng lực NKT.
Đặc biệt, chiến dịch 1forchange hướng đến tất cả đối tượng trong và ngoài nước có cùng mong muốn đồng hành và thay đổi cuộc sống cho NKT đã vận động được 300 triệu đồng từ các tập thể, cá nhân.
Rất đông phóng viên báo, đài trên địa bàn TPHCM không chỉ đến dự, đưa tin hoạt động của DRD mà họ còn trực tiếp là học viên trong những đợt tập huấn về bình đẳng và hòa nhập cho NKT, làm sao đề cập đến vấn đề khuyết tật đúng và dùng từ ngữ đúng với NKT.
Ông Nguyễn Văn Cử - Phó Giám đốc DRD, cho biết, từ sau các hoạt động của Dự án là tập trung hỗ trợ những TNKT thật sự có quyết tâm cao, hỗ trợ toàn diện chứ không chỉ gói gọn ở một số khía cạnh như học bổng, học nghề. Song song với các gói hỗ trợ, cần tạo động lực để thanh niên tham gia các hoạt động cộng đồng, tạo mối quan hệ với chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông và giúp NKT hiểu được quyền của họ.
Còn bà Dương Hoàng Quyên- Đại diện nhà tài trợ Atlantic Philanthropies nhấn mạnh "Sự tham gia tích cực của TNKT đã góp phần lớn vào các thành công của dự án. Nghề công tác xã hội (CTXH) ở Việt Nam còn chưa phát triển, nhân viên CTXH còn nhiều thiệt thòi, dự án và DRD cần góp phần nhiều hơn nữa để phát triển nghề CTXH ở Việt Nam"