Nâng cao kỹ năng sống từ hoạt động trải nghiệm

GD&TĐ - Chú trọng hoạt động trải nghiệm giáo dục kỹ năng sống trong trường học nhằm giúp học sinh tự bảo vệ bản thân, tự tin trong giao tiếp, ứng xử.

Học sinh Trường THCS thị trấn Hà Trung (Thanh Hóa) tham gia hội thi tìm hiểu sức khỏe sinh sản vị thành niên năm 2020.
Học sinh Trường THCS thị trấn Hà Trung (Thanh Hóa) tham gia hội thi tìm hiểu sức khỏe sinh sản vị thành niên năm 2020.

Tự bảo vệ bản thân

Năm học 2022-2023, Trường THCS thị trấn Hà Trung (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) có tổng số hơn 300 học sinh. Bên cạnh chú trọng về chất lượng giáo dục, Ban giám hiệu nhà trường cũng rất quan tâm đến hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Thông qua đó, giúp học trò được phát triển một cách toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ.

Cô Phạm Thị Bích Huệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng cho học sinh được nhà trường duy trì tổ chức. Tuy nhiên, trong năm học vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động này cũng bị hạn chế. Mặc dù vậy, nhà trường vẫn cố gắng lồng ghép qua các môn học, sinh hoạt cuối tuần để nâng cao nhận thức của học sinh.

Trường THCS thị trấn Hà Trung đóng trên địa bàn có đường Quốc lộ 1A, đường sắt chạy qua. Ngoài ra, nhà trường cũng gần sông Lèn. Vì vậy, Ban giám hiệu rất chú trọng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh về chủ đề an toàn giao thông, phòng chống đuối nước.

Trong năm học 2020-2021, nhà trường cũng phối kết hợp với Cục Đường sắt Việt Nam tuyên truyền về an toàn giao thông. Đồng thời, tham gia hội thi tìm hiểu sức khỏe sinh sản vị thành niên. Lồng ghép các chủ đề tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường, tác hại của thuốc lá, ma túy, HIV trong các buổi sinh hoạt dưới Cờ.

Cô và trò Trường THCS thị trấn Hà Trung tham quan khu vườn hoa hồng của trường.
Cô và trò Trường THCS thị trấn Hà Trung tham quan khu vườn hoa hồng của trường.

“Các hoạt động tuyên truyền được triển khai cặn kẽ đến giáo viên và học sinh. Thậm chí, nhà trường còn phối hợp với phụ huynh để nhắc nhở các em. Nhờ vậy, ý thức của học sinh được nâng lên rõ rệt, những năm qua nhà trường cũng không ghi nhận trường hợp đáng tiếc nào vi phạm về an toàn giao thông xảy ra.

Đặc biệt, các em không chỉ biết cách bảo vệ bản thân mà còn lan tỏa điều đó đến bạn bè và nhiều người trong cộng đồng”, cô Huệ nói.

Theo cô Huệ, thuận lợi đối với nhà trường đó là học sinh chăm ngoan, ý thức học tập tốt. Ngoài ra, nhà trường cũng luôn nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, các cấp lãnh đạo trong công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Xây dựng môi trường học tập sạch đẹp, học sinh thân thiện cũng là một trong những nội dung được Ban giám hiệu chú trọng. Việc rèn luyện ý thức giữ gìn vệ sinh trong mỗi góc học tập, ở khuôn viên, sân trường không chỉ giúp học sinh thêm yêu lao động mà còn tạo cảm giác thư thái sau mỗi giờ học tập mệt mỏi.

“Ở mỗi góc học tập, khuôn viên cây xanh của nhà trường đều có bàn tay chăm sóc của cô và trò. Những công việc tuy đơn giản như ngắt lá úa, tỉa cành,... giúp trò thêm yêu lao động. Nếu có điều kiện, chúng tôi vẫn muốn duy trì và phát triển để mỗi ngày đến trường của cô và trò là một ngày vui, vừa được lĩnh hội tri thức vừa được thỏa sức vui chơi và khám phá”, cô Huệ chia sẻ.

Tự tin trong giao tiếp, ứng xử

Với cô và trò Trường THPT Hoằng Hóa 2 (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), năm học mới trở nên lôi cuốn và hấp dẫn nhờ Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp vô cùng thiết thực. Mặc dù, đây là nội dung trong Chương trình mới, song học sinh khối lớp 11, 12 cũng có cơ hội tham gia trong các buổi chào Cờ đầu tuần.

Theo cô Hoàng Thị Thúy - Hiệu trưởng nhà trường, hoạt động trải nghiệm rất thiết thực với học sinh. Đặc biệt, nhiều nội dung được thực hiện theo hình thức sân khấu hóa, vì vậy học sinh vô cùng hào hứng tham gia. Tuy nhiên, việc thực hiện cần linh hoạt theo từng chủ đề mới đạt hiệu quả tốt nhất.

Môi trường học tập xanh - sạch - đẹp, học sinh thân thiện, tự tin khám phá của Trường THPT Hoằng Hóa 2 (Thanh Hóa).

Môi trường học tập xanh - sạch - đẹp, học sinh thân thiện, tự tin khám phá của Trường THPT Hoằng Hóa 2 (Thanh Hóa).

Theo cô Thúy, trước đây các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống thường được nhà trường duy trì tổ chức hàng tháng theo các chủ đề khác nhau như: Phổ biến về pháp luật, an toàn giao thông, phòng chống tác hại của ma túy, tìm hiểu về sức khỏe sinh sản vị thành niên,... Đồng thời, kết hợp với việc ban hành bộ quy tắc ứng xử trong trường học để nâng cao nhận thức cho học sinh.

“Nhìn chung, các hoạt động này đã mang lại nhiều thay đổi tích cực giúp ý thức của học sinh được nâng lên. Giảm thiểu rõ rệt những hiểu lầm xích mích không đáng có ở tuổi học trò”, cô Thúy chia sẻ.

Em Lê Khánh Huyền, lớp 10A5, Trường THPT Hoằng Hóa 2 chia sẻ: “Hoạt động trải nghiệm mang lại cho em sự tự tin trong giao tiếp, biết ứng xử đúng mực với thầy cô và bạn bè trong trường. Đồng thời, giúp em trau dồi thêm nhiều kỹ năng quan trọng, hiểu và yêu bản thân hơn”.

“Việc đa dạng các hình thức tổ chức đã tạo sự lôi cuốn đối với học sinh. Thông qua đó, các em không chỉ đúc rút được bài học cho bản thân mà còn có cơ hội thể hiện bản thân mình”, cô Hoàng Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường THPT Hoằng Hóa 2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.