Nâng cao hiệu quả kiểm tra bài cũ trong giờ Ngữ văn

GD&TĐ - Mỗi tiết học, ngoài thời gian giảng dạy kiến thức mới (chủ yếu), GV cần chú trọng hoạt động kiểm tra bài cũ (KTBC), đặc biệt là kiểm tra theo hướng đổi mới.

Một tiết học Ngữ văn lớp 12
Một tiết học Ngữ văn lớp 12

Đảm bảo các mức độ về kiến thức, kĩ năng

Trong sáu mức độ về kiến thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo), đối với môn Ngữ văn chương trình chuẩn, thông thường GV cần kiểm tra HS ở ba mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Vì vậy GV nên kiểm tra HS ở ba dạng câu hỏi: câu hỏi học thuộc (đề kiểm tra thường có yêu cầu là: thế nào là…?, …là gì?, nêu…, trình bày…,…); câu hỏi đòi hỏi phải có sự thấu hiểu, lí giải được kiến thức (đề kiểm tra thường có yêu cầu là: vì sao…, tại sao…,…) và câu hỏi/bài tập cần có sự vận dụng kiến thức để giải quyết.

Ngoài kiến thức, kĩ năng của bài học cũ, để kiểm tra trực tiếp việc chuẩn bị bài mới của HS, GV nên có một câu hỏi nhỏ liên quan và cho một phần điểm nhất định (khoảng 1 điểm) để khuyến khích HS chuẩn bị bài ở nhà.

Nội dung phải có trọng tâm

Không phải lúc nào GV cũng có thể kiểm tra được tất cả những kiến thức và kĩ năng mà HS đã được hướng dẫn, trang bị trong tiết học trước đó, vì vậy nội dung kiểm tra vừa “căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng” vừa phải là kiến thức, kĩ năng trọng tâm nhất mà GV xác định được.

Ví dụ: Khi kiểm tra bài Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (chương trình lớp 12), trong các vấn đề GV kiểm tra, nhất thiết phải kiểm tra HS về giá trị hiện thực và nhân đạo của truyện. Vì theo hướng dẫn của tài liệu Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Ngữ văn lớp 12, phần hướng dẫn HS đọc - hiểu văn bản này về nội dung gồm có ba đơn vị kiến thức: nhân vật Mị, nhân vật A Phủ và giá trị của tác phẩm. Muốn trình bày được sâu sắc vấn đề giá trị về nội dung của truyện, chắc chắn HS phải nắm được những kiến thức về hai nhân vật Mị và A Phủ.

Để thực hiện được yêu cầu này, người giảng dạy phải có sự chuẩn bị thật chu đáo những nội dung sẽ kiểm tra.

Có liên hệ logic với bài mới

Chương trình SGK hiện hành được biên soạn theo quan điểm tích hợp, vì thế GV nên kiểm tra những nội dung có thể củng cố và chuyển tiếp vào bài mới một cách chặt chẽ (tất nhiên đề kiểm tra vẫn tuân thủ các yêu cầu đã trình bày trên). Ví dụ: Khi kiểm tra bài Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (chương trình lớp 12), GV có thể kiểm tra về chất sử thi của truyện qua câu hỏi: Chứng minh rằng truyện ngắn Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành mang đậm chất sử thi (chú ý: đề tài, chủ đề, hệ thống nhân vật, thiên nhiên, ngôn ngữ,…).

Từ đó, sau khi củng cố kiến thức, GV có thể chuyển tiếp: “Ở những tiết trước, chúng ta đã cùng nhà văn Nguyễn Trung Thành đến với mảnh đất Tây Nguyên để hiểu được vẻ đẹp của vùng đất, con người nơi đây. Đến với Rừng xà nu, phần nào chúng ta đã cảm nhận được đặc điểm của một nền văn học chủ yếu vận động theo khuynh hướng sử thi.

Và hôm nay, theo chân nhà văn Nguyễn Thi, chúng ta sẽ được đến với mảnh đất và con người Nam Bộ qua tác phẩm Những đứa con trong gia đình. Truyện ngắn này sẽ minh chứng rõ hơn nữa cho khuynh hướng sử thi của văn học Việt Nam chặng đường 1945-1975 mà chúng ta đang tìm hiểu”.

Hình thức kiểm tra

GV cần đa dạng hoá các hình thức kiểm tra, lựa chọn sử dụng các hình thức trong mỗi hoàn cảnh, điều kiện thích hợp. Dưới đây xin chia sẻ một số hình thức KTBC mà chúng tôi nhận thấy sử dụng có hiệu quả bên cạnh hình thức KTBC quen thuộc.

* Vấn đáp

- GV đặt một câu hỏi rồi gọi một HS lên bảng, cho HS trả lời. GV nhận xét trực tiếp hoặc yêu cầu HS dưới lớp nhận xét, GV kết luận và đánh giá. 

- Sau đó, GV gọi bất kì một HS nào dưới lớp đặt một câu hỏi cho bạn. HS được kiểm tra sẽ trả lời câu hỏi ấy và HS đặt câu hỏi sẽ nhận xét và đưa ra đáp án. Nếu có thời gian, GV có thể yêu cầu một HS khác đặt một câu hỏi nữa và hình thức cũng tiến hành tương tự như vậy. 

- Cuối cùng GV sẽ nhận xét chung về phần trả lời của HS được kiểm tra và câu hỏi của HS dưới lớp. Sau đó, GV sẽ quyết định số điểm của HS được kiểm tra. 

Ngoài ra, GV có thể “biến hoá” hình thức này trong quá trình kiểm tra. Ví dụ: Đảo ngược qui trình bên trên; yêu cầu bất kì HS nào khác dưới lớp trả lời tiếp tục nội dung HS đang được kiểm tra trình bày; hoặc đề nghị bất kì HS nào nhận xét câu trả lời của HS được kiểm tra. Hoạt động này nhằm mục đích giúp GV cùng lúc có thể kiểm tra được nhiều HS hơn, đồng thời hình thành thói quen tập trung cao của HS khi GV tiến hành hoạt động KTBC.

* “Rung chuông vàng”

 GV yêu cầu cả lớp đứng lên (HS đã chuẩn bị bảng con, phấn viết bảng và giẻ/giấy mềm để xóa bảng), GV lần lượt đọc các câu hỏi chủ yếu dưới hình thức trắc nghiệm đã chuẩn bị sẵn, HS trả lời vào bảng và đưa lên cho thấy.

* Viết lên giấy

GV cho HS kiểm tra giống như kiểm tra 15 phút, song giới hạn thời gian từ 5-7 phút. Dùng hình thức này, GV có thể kiểm tra được toàn bộ HS trong lớp.

Cách tiến hành: GV đọc câu hỏi, HS chép đề và nhanh chóng làm bài, nộp bài khi thời gian làm bài kết thúc.

* Sinh động hóa ngữ liệu kiểm tra

- Thay vì thông thường khi kiểm tra kĩ năng thực hành, GV đưa ngữ liệu bằng văn bản (thuần ngôn ngữ), trong điều kiện dạy học hiện đại để tạo sự sinh động, hấp dẫn, GV có thể đưa ngữ liệu bằng hình thức âm nhạc, phim, kể chuyện. GV sẽ đưa ra yêu cầu và cho HS nghe một đoạn nhạc/phim/câu chuyện ngắn. GV cũng có thể tự thể hiện đoạn nhạc/câu chuyện (nếu có khả năng).

- HS nghe nhạc sau đó thực hiện yêu cầu của bài tập.

- GV cùng các HS khác tiến hành nhận xét, đánh giá, sửa chữa để hoàn thiện bài làm cho HS.

* Khảo sát qua phiếu báo cáo kết quả truy bài theo nhóm

- HS nộp phiếu báo cáo kết quả truy bài cho GV vào đầu tiết học (có thể để sẵn trên bàn GV).

- GV tiến hành hoạt động KTBC bình thường, sau đó đối chiếu với báo cáo của các nhóm để kiểm tra tính chính xác của thông tin được cung cấp, từ đó có sự điều chỉnh trong quản lí nhóm nếu cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...