Rộng cửa đón chào
Nhiều năm nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành khác trong công tác hướng nghiệp, GS.TS Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện khẳng định: Ngay đầu năm, học viện đón tiếp giáo viên, phụ huynh, học sinh của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đến tham quan.
Sau khi được cán bộ, giảng viên giới thiệu về một số ngành/chương trình đạo tạo cùng hoạt động trải nghiệm thực tế, học sinh được khám phá năng lực bản thân, lắng nghe chia sẻ về định hướng nghề nghiệp tương lai. Qua đó, các em chủ động hơn trước quyết định chọn ngành, trường sau khi tốt nghiệp THPT.
500 học sinh, phụ huynh, giáo viên Trường THPT Mê Linh (Thái Bình) đã tham quan và trải nghiệm thực tế tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho hay, học sinh được chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về ngành học, cơ hội nghề nghiệp, phương thức tuyển sinh năm 2024…
Trong khuôn khổ chương trình, các trò được tham quan và trải nghiệm thực tế tại khối phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, phòng thí nghiệm tại Trường Cơ khí - Ô tô, Khoa Điện, Trung tâm Việt Nhật, ký túc xá và khuôn viên trường cùng nhiều hoạt động thiết thực khác. Từ đó, giúp các em có định hướng đúng đắn trong chọn ngành học phù hợp với sở thích và điều kiện gia đình.
“Chúng tôi mong sau chuyến trải nghiệm thực tế, học sinh có cảm nhận về ngành, trường học; từ đó có định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Trên cơ sở đó, các em phấn đấu trong học tập để trở thành sinh viên thời gian tới”, PGS.TS Phạm Văn Bổng chia sẻ.
Trước mùa tuyển sinh, đông đảo học sinh lớp 12 ở Hà Nội và các tỉnh về Trường ĐH Phenikaa để trải nghiệm thử làm sinh viên. Chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng nhà trường, hiểu được nhu cầu, nguyện vọng của học sinh THPT, đặc biệt lớp 12, nhà trường luôn rộng cửa chào đón.
Thông qua hoạt động trải nghiệm trên cho thấy, nhiều học sinh THPT còn mơ hồ về định hướng nghề nghiệp. Không ít em chưa biết mình phù hợp với ngành nghề gì, không hiểu rõ về các ngành nghề được đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học. Cũng có em thiếu tìm tòi, khám phá nên dẫn đến không có thông tin chính thống. Những điều này vô hình trung trở thành rào cản khi đưa ra quyết định chọn ngành, trường học và nghề nghiệp tương lai.
Học sinh trải nghiệm thực tế tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NTCC |
Tránh “cưỡi ngựa xem hoa”
Tán thành việc tổ chức cho học sinh lớp 12 tham quan trải nghiệm tại các cơ sở giáo dục đại học, nhưng cô giáo Quảng Thị Kiệp - Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai) mong muốn hoạt động này phải thực chất, tránh hình thức, dẫn đến học sinh “cưỡi ngựa xem hoa”.
Bản chất của chương trình trải nghiệm là một trong những hoạt động hướng nghiệp thiết thực, hiệu quả, bởi quá trình tham quan học sinh được tư vấn nhiều thông tin hữu ích… Từ đó, giúp các em có góc nhìn mới mẻ về ngôi trường đại học. Đồng thời, có thể đặt ra tiêu chuẩn, mục tiêu rõ ràng cho tương lai của mình.
“Công tác hướng nghiệp cần sự chung tay, hỗ trợ từ nhiều phía; trong đó có phụ huynh, nhà trường (gồm trường phổ thông, cơ sở giáo dục đại học) và các cơ quan hữu quan”, cô Quảng Thị Kiệp nhìn nhận và đề xuất, các cơ quan hữu quan cần có thông tin về dự báo nhu cầu nhân lực ở một số ngành/lĩnh vực từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời có dự báo về thị trường lao động và xu hướng việc làm trong tương lai.
Đồng quan điểm, TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông (Trường ĐH Gia Định TPHCM) nhấn mạnh, công tác hướng nghiệp là yếu tố quan trọng trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp của học sinh; trong đó gồm sở thích, sở trường, điều kiện và môi trường học tập. Đặc biệt, xu hướng nghề nghiệp phải gắn liền với mục tiêu bản thân, bởi nếu chọn sai sẽ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và cả chất xám.
Từ thực tế, TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cho hay, những năm qua nhiều học sinh chỉ hướng đến chọn trường rồi đến chọn ngành. Thực trạng này dẫn đến nhiều em nhập học ngành mình không yêu thích, không đúng năng lực, sở trường. “Mỗi lần tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, tôi luôn nhấn mạnh với học sinh về yếu tố sở thích, năng lực, sở trường của bản thân và chọn ngành trước khi chọn trường”, TS Võ Thanh Hải nhấn mạnh.
Chia sẻ các bước giúp học sinh THPT chọn đúng ngành nghề, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân tư vấn: Thầy cô, gia đình định hướng giúp học sinh hiểu bản thân; xác định thế mạnh và sở thích của bản thân; xem bản thân có phù hợp ngành nghề không; tìm hiểu về ngành, nghề mình sẽ chọn; xây dựng hồ sơ học tập nổi bật, đáp ứng yêu cầu của trường/ngành nghề ứng tuyển; tự trải nghiệm hoặc làm một số việc liên quan đến ngành nghề mình chọn.
Ngoài ra, để giúp học sinh chọn được ngành học phù hợp, người làm công tác hướng nghiệp cần có thông tin ngành nghề chính xác; định hướng và tư vấn đúng đắn, linh hoạt.
Tham quan, trải nghiệm thực tế tại cơ sở giáo dục đại học là mô hình hay, thiết thực dành cho học sinh lớp 12 trước mùa tuyển sinh, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận; đồng thời khuyến nghị, hoạt động này cần được tổ chức bài bản, khoa học, kế hoạch, mục đích cụ thể, tránh làm cho có dẫn đến lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc.