Nâng cao hiệu quả công tác kết hợp giáo dục pháp luật và đạo đức trong tình hình hiện nay

GD&TĐ - Đạo đức và pháp luật là hai hình thái ý thức xã hội thuộc hai lĩnh vực khác nhau nhưng đều bao gồm hệ thống các nguyên tắc, quy tắc, xử sự điều chỉnh hành vi, thái độ của con người; chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, chịu sự thay đổi khi tồn tại xã hội thay đổi.

Nâng cao hiệu quả công tác kết hợp giáo dục pháp luật và đạo đức trong tình hình hiện nay

Cả hai hình thái ý thức xã hội này đều góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội phù hợp với lợi ích, yêu cầu chung, phục vụ sự phát triển chung của xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Pháp luật, bản thân nó bao hàm tính chủ quan, sự khái quát hóa quá cao, dễ bị lạc hậu so với sự thay đổi của thực tiễn nên khó đi vào cuộc sống. Ở nước ta, pháp luật là sản phẩm phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, đó chính là sự kết tinh của ý Đảng, lòng dân.

Vì vậy, tuân thủ pháp luật chính là tuân thủ, thượng tôn ý chí của nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Hệ thống pháp luật nước ta đang trong quá trình được xây dựng và hoàn thiện, nên cần có sự hỗ trợ từ các phương thức điều chỉnh khác để giữ vững ổn định xã hội, ngăn chặn những hành vi đi ngược với lợi ích chung của người dân.

Đạo đức điều chỉnh hành vi, cách đánh giá và thái độ ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và trong quan hệ với xã hội bằng niềm tin cá nhân, sức mạnh của truyền thông và dư luận xã hội.

Xét về phương thức thực hiện thì đạo đức và pháp luật đối lập với nhau, nhưng xét về bản chất và mục đích là thống nhất với nhau. Các quy phạm pháp luật phản ánh các giá trị đạo đức tốt đẹp, tiến bộ và đều hướng đến điều chỉnh nhận thức, hành vi xã hội. Vì thế mà đạo đức được hiểu là “pháp luật tối đa”, còn pháp luật là “đạo đức tối thiểu”.

Như vậy, tự thân đạo đức và pháp luật luôn song trùng, gắn kết với nhau phản ánh tiến trình phát triển xã hội dù biểu hiện vai trò của chúng là khác nhau; trong đó, đạo đức đóng vai trò nền tảng cho việc thực thi pháp luật và ứng xử xã hội; pháp luật bảo vệ đạo đức, đồng thời đảm bảo cho các chuẩn mực đạo đức được thực hiện trên thực tế. Thực tiễn đã cho thấy, để quản lý, điều hành xã hội, nếu chỉ dùng pháp luật sẽ không hiệu quả mà cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa đạo đức và pháp luật để hỗ trợ nhau, phát huy thế mạnh của cả hai phương thức trong công tác này.

Ngay từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt coi trọng mối quan hệ giữa giáo dục, rèn luyện đạo đức với giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người lãnh đạo, cấp ủy các cấp.

Chính Hồ Chí Minh đã đưa những giá trị đạo đức, nhân văn hòa quyện trong pháp luật Việt Nam và chính Người đã trở thành tấm gương mẫu mực của sự kết hợp đạo đức và pháp luật, chú trọng giáo dục đạo đức đi đôi với không ngừng tăng cường vai trò, sức mạnh của pháp luật; trở thành tinh thần xuyên suốt và phương pháp nhất quán trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội nước ta. Người đã khẳng định:“Đảng ta là một Đảng cầm quyền.

Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Người cho rằng, để làm tròn sứ mệnh của mình, Đảng phải tiêu biểu cho đạo đức và văn hóa; phải coi đạo đức cách mạng như phẩm chất đầu tiên, vì “Người cách mạng không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Người khẳng định, muốn xây dựng nhà nước pháp quyền, trước tiên phải lựa chọn được những người lãnh đạo có năng lực, biết yêu dân, thương dân, kính dân, phải “gương mẫu trong việc thi hành Hiến pháp và các luật lệ”. Đức là “gốc” của nhân cách, làm nền tảng cho pháp luật, là cơ sở bảo đảm cho các cán bộ, đảng viên giữ vững lập trường cách mạng, kiên định con đường mà Đảng ta đã, đang lãnh đạo toàn xã hội. Người nhấn mạnh, cán bộ của Đảng, của chính quyền phải có đạo đức thì mới thực thi tốt pháp luật.

Luật pháp phải nghiêm nhưng đạo đức phải tốt, quan hệ giữa người với người phải tốt. Nếu xem nhẹ việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên càng làm cho cán bộ, đảng viên dễ tha hóa; dễ bóp méo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để mưu lợi cá nhân, gia đình hoặc người thân.

Để tránh những căn bệnh “cố hữu” của cán bộ, công chức như: Kéo bè cánh, ăn chơi xa hoa, kiêu ngạo, cửa quyền, xa rời quần chúng…, năm 1947, Hồ Chí Minh đã đưa ra 12 tiêu chuẩn của người cách mạng chân chính để rèn giũa đạo đức của người cán bộ, đảng viên; trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt các tiêu chuẩn đó thì sẽ lãnh đạo tốt, chấp hành tốt pháp luật.

Đối với các cán bộ lãnh đạo của Đảng, của chính quyền thì yêu cầu tuân thủ, chấp hành luật pháp, rèn luyện đạo đức cách mạng phải được đặt ra càng cao, bởi họ chính là những tấm gương tốt lan tỏa lối sống thượng tôn pháp luật, tuân thủ kỷ cương xã hội khi gương mẫu chấp hành pháp luật, tự giác học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng đối với nhân dân và toàn xã hội.

Kế thừa, phát huy quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, Đảng ta đã khẳng định: “Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội”(1), “Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội”(2); việc kết hợp giữa giáo dục đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội là giải pháp quan trọng vừa phản ánh tính ưu việt của đạo đức, vừa thể hiện tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền XHCN.

Để lựa chọn người có đủ phẩm chất, năng lực trở thành lãnh đạo đất nước, Đảng ta đã đưa ra những tiêu chuẩn đối với những người được lựa chọn bầu vào Ban Chấp hành TW, trong các tiêu chuẩn đó, Đảng đặc biệt nhấn mạnh yếu tố đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, chấp hành nghiêm pháp luật.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những năm qua, đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và sâu sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động không nhỏ đến một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đã xuất hiện tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, hối lộ, sách nhiễu, gây phiền hà đối với nhân dân…

Trong khi đó, vai trò của các thiết chế, các quan hệ đạo đức có dấu hiệu giảm sút, pháp luật còn tồn tại nhiều kẽ hở, chưa hoàn thiện, còn bất cập, chưa bao quát được mọi lĩnh vực đời sống xã hội đang là nguy cơ tồn vong của chế độ ta.

Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng Đảng về đạo đức và hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch về phẩm chất, đạo đức, lối sống; có nhận thức đúng và gương mẫu chấp hành pháp luật, có đủ tâm, đủ tầm, có bản lĩnh vững vàng, phát huy được vai trò tiên phong của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Để đạt được mục tiêu đó, Đảng ta khẳng định phải thường xuyên nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật kết hợp với giáo dục, rèn luyện đạo đức công vụ, trình độ nghiệp vụ, kiến thức xã hội đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, thúc đẩy cán bộ, đảng viên tự giác, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn kết với ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết TW 4 (khóa XII), coi đó là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên và là nội dung quan trọng nhằm xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

Trong công việc, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu, thước đo, hiệu quả công tác của mình; tự giác sửa chữa khuyết điểm khi có vi phạm, thiếu sót. Cấp ủy Đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải nêu gương sáng về đạo đức, chấp hành pháp luật để cấp dưới noi theo, để nhân dân kính trọng.

Có như vậy, đạo đức và pháp luật mới phát huy hiệu lực, hiệu quả trong việc bảo vệ kỷ cương phép nước, trong quản lý, điều hành xã hội. Khi đó, từng cán bộ, đảng viên mới thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, có tinh thần thượng tôn pháp luật, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Những năm tới, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sự kết hợp giữa công tác rèn luyện, giáo dục đạo đức và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đặt ra; theo tác giả, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục coi trọng quản lý xã hội bằng pháp luật luôn phải đi liền với coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội. Quan tâm giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, các quan niệm đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta. Cần làm cho hệ giá trị đạo đức xã hội được bổ sung, hoàn thiện, được tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội và làm cho nó trở thành hệ giá trị quy định lương tâm con người trong nhận thức và hành động. Tiếp tục nghiên cứu đưa các chuẩn mực đạo đức mới vào các văn bản pháp luật để pháp luật thực sự là công cụ hữu hiệu bảo vệ và phát triển đạo đức.

Hai là, phát huy vai trò chủ động, tích cực và tính tự giác, gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên trong học tập, nghiên cứu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thấm nhuần đạo đức cách mạng; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu gương sáng trong tuân thủ và chấp hành pháp luật, trong lối sống, ứng xử, giao tiếp xã hội. Tiếp tục tăng cường thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên và toàn xã hội.

Ba là, kết hợp đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội phải tạo ra được sức mạnh xã hội có tính răn đe, kịp thời xử lý nghiêm minh, ngăn chặn những nhận thức và hành vi xã hội lệch lạc, ngăn chặn các tác động xấu của sự du nhập văn hóa, đạo đức lệch chuẩn; gắn chặt xây và chống, chú trọng “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống”, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đề cao pháp luật, chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực và các vi phạm pháp luật khác.

Bốn là, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương theo Điều lệ Đảng, đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Thiết lập, hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống thiết chế giám sát, tổ chức thực hiện các chuẩn mực đạo đức và pháp luật của cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo pháp luật.

Năm là, tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức một cách thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, kịp thời, phù hợp với từng nhóm đối tượng, lĩnh vực, địa bàn cụ thể. Chú trọng đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn kết với giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng đối với học sinh, sinh viên trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học phổ thông.

Nếu không kết hợp hài hòa giữa đạo đức và pháp luật thì không thể có sự bền vững của xã hội. Sự kết hợp đó cần đặt trong tính chính thể, không được tuyệt đối hóa vai trò của pháp luật hay đạo đức mà phải đặt chúng trong mối quan hệ biện chứng với nhau. Có như vậy mới thực sự phát huy vai trò của đạo đức và pháp luật trong quản lý, điều hành xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

 ------------

1, 2. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXBCT Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.176, 170;

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.

 Mbappe được HLV Ancelotti lên tiếng bênh vực.

HLV Ancelotti bênh vực Mbappe

GD&TĐ - HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid đã lên tiếng bảo vệ Kylian Mbappe trước những tin đồn bất lợi.