Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tại Mường So

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từng bước nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đang mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhân dân xã Mường So (huyện Phong Thổ, Lai Châu).

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Có dịp về thăm xã Mường So, chúng tôi được cán bộ xã giới thiệu mô hình trồng bí xanh của gia đình ông Lò Văn Thím ở bản Huổi Én. Một trong những gương điển hình tiên phong làm kinh tế giỏi của xã với những mô hình hay mang lại nguồn thu nhập lớn.

Những năm trước đây, trên diện tích hơn 500m2 đất ruộng, vợ chồng ông làm giàn trồng dưa leo, mướp để bán; thu nhập mỗi năm được hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, do chưa có đầu mối bao tiêu sản phẩm, gia đình ông chủ yếu bán lẻ, mất nhiều công vận chuyển mang ra chợ bán. Vừa rồi, thông qua người bạn, ông được giới thiệu về trồng cây bí xanh cho hiệu quả kinh tế cao, lại có nơi bao tiêu sản phẩm. Nên ông Thím đã mạnh dạn chuyển sang trồng bí xanh. Sau hơn 2 tháng trồng, chăm sóc, gia đình ông đã cho thu hoạch vụ đầu tiên, với giá đổ buôn 8.000đ/kg.

Cán bộ xã Mường So thăm mô hình trồng bí xanh của gia đình ông Lò Văn Thím – bản Huổi Én đang vào mùa thu hoạch.

Cán bộ xã Mường So thăm mô hình trồng bí xanh của gia đình ông Lò Văn Thím – bản Huổi Én đang vào mùa thu hoạch.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lò Văn Thím cho biết, lần đầu tiên gia đình trồng thử, hiện nay, đã thu được 1.500kg rồi, dự kiến 500m2 này, nếu thu hết vụ sẽ thu 6-7 tấn quả. Về trồng bí đao, công chăm sóc như dưa và mướp nhưng năng suất cao hơn. Ông không mất công đi bán mà công ty về tận nhà thu mua

Với lợi thế đất nông nghiệp màu mỡ, thuận lợi hơn các xã khác, thời gian qua, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã khảo sát, quy hoạch từng vùng sản xuất. Tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; lựa chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng với mục tiêu hình thành vùng lúa chất lượng cao; vùng cây ăn quả theo chuỗi liên kết giá trị; vùng rau xanh hữu cơ. Đồng thời xã tăng cường hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp

Trong lĩnh vực chăn nuôi, xã Mường So khuyến khích các hộ dân tận dụng quỹ đất nuôi theo hình thức gia trại, trang trại; trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc; tăng mật độ nuôi gia cầm theo hướng hàng hoá. Hàng năm, xã, chỉ đạo các công chức chuyên môn triển khai công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc trên địa bàn; hướng dẫn bà con cách phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Ngoài ra, xã Mường So quan tâm triển khai các đề án, Nghị quyết về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân; tạo điều kiện cho gia đình có nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi thông qua uỷ thác của Ngân hàng chính sách xã hội do các tổ chức hội quản lý. Nhờ đó, nhiều hộ dân trên địa bàn áp dụng kiến thức, kinh nghiệm vào chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả.

Anh Nguyễn Tiến Dũng – Thôn Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ cho biết: “Để phát triển kinh tế gia đình, mình nuôi chục con trâu sinh sản, trồng một số cây ăn quả, chủ lực là mít. Qua nuôi trâu sinh sản, trồng cây ăn quả, mang lại thu nhập cho gia đình từ 300-350 triệu đồng.”

Từ phát triển chăn nuôi trâu theo quy mô trang trại đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Tây Nguyên.

Từ phát triển chăn nuôi trâu theo quy mô trang trại đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Tây Nguyên.

Ông Đèo Văn Phong – Chủ tịch UBND xã Mường So, huyện Phong Thổ thông tin, đối với xã Mường So có cánh đồng mẫu lớn, xã tuyên truyền, vận động người dân gieo cấy các loại giống lúa có năng suất, chất lượng. Thời gian tới, xã tuyên truyền vận động bà con cấy lúa J02, đây là lúa cho năng suất và hiệu quả kinh tế rất tốt. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, xã tiếp tục vận động nhân dân cách xử lý môi trường, chuồng trại để tái đàn trở lại.

Được biết toàn xã Mường So có diện tích cấy lúa 288 ha, 85 ha ngô chủ yếu với các loại giống năng suất, chất lượng cao như: nếp tan, J02, CP111, CP 333…Hiện nay, xã đang chỉ đạo các bản đôn đốc Nhân dân chăm sóc tốt cho 108 ha cây ăn quả như: mít, bưởi, nhãn, vải, chuối, xoài liên kết; 51 ha cây rau màu, lạc; hơn 324 ha cây cao su đang cho thu hoạch. Tổng đàn gia súc trên địa bàn xã đạt 2.184 con; tổng đàn gia cầm đạt trên 37.000 con.

Thực tế cho thấy, cùng với việc thúc đẩy phát triển thương mại – dịch vụ, việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng vùng sản xuất hàng hoá tập trung có liên kết chuỗi giá trị tại Mường So đã từng bước nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhân dân, thúc đẩy nền kinh tế của địa phương phát triển. Dự kiến mục tiêu thu nhập bình quân đến hết năm 2022 là 40 triệu đồng/người/năm sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.