Về chương trình và sách giáo khoa: Nội dung giáo dục biến đổi khí hậu cần được thể hiện rõ ràng hơn ở trong chương trình và sách giáo khoa, nhất là đối với những bài có nội dung có khả năng tích hợp nội dung biến đổi khí hậu. Đa số các em vẫn chỉ hình dung bài học chỉ là môn địa lí mà thôi.
Giáo viên mở rộng thêm thì học sinh cũng chỉ coi là nội dung bên ngoài, chỉ để tham khảo, chưa tập trung chú ý. Nội dung biến đổi khí hậu cần thể hiện rõ ràng, có những bài tập yêu cầu những kiến thức và kĩ năng cần đạt được, vừa là cơ sở gợi ý cho giáo viên trong quá trình thiết kế bài giảng, vừa tạo thuận lợi cho học sinh chủ động học tập.
Về thiết kế và tổ chức quá trình dạy học: Quá trình thiết kế bài học nhất thiết phải theo những quan điểm dạy học mới, dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, quan điểm công nghệ dạy học và giáo dục phát triển bền vững.
Các hoạt động dạy học cần hướng vào hoạt động học tập tích cực chủ động của học sinh dựa trên sự hướng dẫn, tổ chức của giáo viên.
Giáo viên phải có sự chuẩn bị công phu và chu đáo về giáo án, nghiên cứu trước những diễn biến diễn ra của bài học, có sự chủ động trước mọi tình huống. Đặc biệt là những vấn đề liên quan tới giáo dục biến đổi khí hậu.
Cần chú ý và có thể làm rõ một hoặc vài khía cạnh về khái niệm, biểu hiện, nguyên nhân hoặc giải pháp biến đổi khí hậu được tích hợp trong bài học.
Đôi khi chỉ là sự liên hệ nhỏ qua nội dung bài học nhưng không được bỏ qua, đặc biệt cần nhấn mạnh đến những nhận thức và hành động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường.
Thiết kế và tổ chức bài học cần được thực hiện đa dạng các phương pháp dạy học, đặc biệt tăng cường các phương pháp dạy học tích cực với hình thức tổ chức đa dạng, gắn với hoạt động thực tiễn.
Biến đổi khí hậu là nội dung mang tính thực tiễn, nó sẽ thực sự sống động và hiệu quả khi được thực hiện gắn với thực tiễn cuộc sống.
Trường hợp dạy học nội khóa, hình thức dạy học trong lớp cần được tổ chức linh hoạt, không gian trong lớp có thể thay đổi sao cho phù hợp với hoạt động dạy học tích cực, gắn với sử dụng các đồ dùng dạy học phù hợp. Hoạt động dạy học ngoài trời, hoạt động ngoại khóa cần được tăng cường hơn.
Về phương tiện và thiết bị dạy học: Tăng cường trang bị và sử dụng các thiết bị dạy học bộ môn, đặc biệt là các trang thiết bị dạy học hiện đại. Bài học về biến đổi khí hậu rất cần những hình ảnh, âm thanh sống động của thực tế môi trường xung quanh.
Phương tiện dạy học hiện đại cũng góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động học tập tích cực của học sinh. Tuy nhiên không phải nơi nào hay bất cứ lúc nào cũng có thể sử dụng các trang thiết bị dạy học hiện đại.
Các loại bản đồ, sơ đồ, mô hình, hình ảnh cần được tăng cường về nội dung giáo dục biến đổi khí hậu. Khuyến khích giáo viên và học sinh tự tạo các đồ dùng dạy học. Qua đó, rèn luyện cho các em các kĩ năng sáng tạo và thấy được ý nghĩa của đồ dùng học tập.
Sự hỗ trợ của nhà trường và các tổ chức đoàn thể: Các hoạt động ngoại khóa (cuộc thi, tham quan, dã ngoại,…) cần thiết có sự ủng hộ và hỗ trợ của Ban giám hiệu nhà trường, của Đoàn thanh niên hay của hội phụ huynh.
Sự ủng hộ của địa phương, của cộng đồng tạo thuận lợi hơn cho việc thực hiện mục tiêu giáo dục biến đổi khí hậu trong nhà trường phổ thông.
Vấn đề biến đổi khí hậu đang đặt ra cấp thiết đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng trong công tác phòng chống và ứng phó, giảm nhẹ thiên tai.
Giáo dục có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giáo dục thế hệ trẻ có những hiểu biết và kĩ năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, những bài học về giáo dục biến đổi khí hậu cần được chú ý thích đáng và thực hiện hiệu quả hơn.