“Nút thắt” quan trọng trong dạy học Địa lý

GD&TĐ - Giảng viên Trường CĐ Sư phạm Hà Nội Trần Thị Hà Giang chia sẻ kinh nghiệm giúp nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên khi học Địa lý.

“Nút thắt” quan trọng trong dạy học Địa lý

Tự tìm kiếm tài liệu

Nội dung môn khoa học Địa lí rất rộng và nguồn thông tin có thể tìm kiếm chuẩn bị phục vụ bài học nhiều vô kể trên internet và các phầm mềm cung cấp thông tin chuyên biệt, như World Atlats, Encarta Encyclopedia, các niên giám thống kê.

Việc yêu cầu sinh viên tự tìm kiếm các tài liệu, thông tin, hình ảnh, nhận xét, đánh giá về các nội dung trong bài học trước khi lên lớp cũng như củng cố bài đã học sau khi lên lớp là “nút thắt” quan trọng trong quá trình thiết lập và năng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên.

Ví dụ, khi chuẩn bị dạy bài Vũ trụ và Hệ Mặt trời, sinh viên được yêu cầu tìm kiếm hình ảnh minh họa bài học với các từ chìa khóa: Vũ trụ, Thiên hà, Ngân hà, sao chổi, hố đen vũ trụ, các hình ảnh đơn lẻ về các hành tinh, vệ tinh trong Hệ Mặt trời và đã thu được hàng tỉ kết quả bằng hình ảnh, video, bảng biểu, đoạn text...

Cho dù chỉ dừng lại bước 1 là tìm kiếm thông tin trên mạng, trên đĩa phục vụ bài học, sinh viên đã gần như ngay lập tức hình dung được những sự vật, hiện tượng từ đơn giản đến phức tạp được đề cập tới trong chương trình.

Hầu hết sinh viên đều cho rằng việc tìm kiếm những hình ảnh, tài liệu đó tạo hứng thú cho và giúp các em hiểu những nội dung viết trong giáo trình một cách tường minh hơn.

Giao bài tập nhỏ xử lý

Nếu việc tìm kiếm thông tin mới chỉ là bước 1 thì bước 2 là bước xử lý và lựa chọn sử dụng các thông tin đã tìm kiếm được để giải quyết các nhiệm vụ học tập sẽ đẩy việc tự học, tự nghiên cứu lên một mức cao hơn.

Ở bước này, sinh viên có thể được chỉ định làm việc cá nhân hoặc làm việc nhóm để hoàn thành các bài tập có tích hợp CNTT như các bài trình chiếu có thuyết trình về một vấn đề; hệ thống hóa một chu trình nào đó bằng sơ đồ hoặc hình ảnh; thể hiện ý tưởng của mình cho giải pháp của các vấn đề đang gây bức xúc hiện nay như môi trường, sự suy thoái của nền kinh tế, vấn đề dân số.

Hoàn thành các bài tập này đồng nghĩa với sinh viên đã có thể sử dụng thành thạo các công cụ CNTT và chủ động xử lý các vấn đề học tập phần Địa lí khi không có mặt giáo viên, theo cách của riêng mình.

Tiếp cận các nguồn học liệu

Với sinh viên năm thứ 2 và năm thứ 3, việc tiếp cận các nguồn học liệu chuyên biệt cho giáo dục là rất cần thiết và phải được tiến hành thường xuyên.

Ngoài những luận văn, giáo trình, sách giáo khoa, sách giáo viên, sách hướng dẫn thiết kế bài giảng thì các phần mềm dạy học và bài giảng điện tử trên các website giáo dục là nguồn tài liệu phong phú, dễ tiếp cận.

Hiện nay sinh viên năm thứ 2 của khoa Tiểu học Trường CĐSP Hà Nội đã có thể tham gia các diễn đàn giáo dục để có được những giáo án mẫu chất lượng cao; tự làm những đoạn film ngắn phục vụ dạy học trên phần mềm Flash hoặc Windows Movie Maker, thiết kế bài giảng của riêng mình trên PowerPoint hoặc Violet với chất lượng tương đối tốt.

Tự xây dựng bài giảng

Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu phần Địa lí của sinh viên lên mức chủ động hoàn toàn trong việc tìm tòi, sáng tạo và xây dựng bài giảng có tích hợp CNTT - đây là mục tiêu lớn nhất mà các giảng viên tích cực ứng dụng CNTT vào giảng dạy mong muốn sinh viên đạt được.

Tích hợp CNTT vốn nhiều mảng, nhiều lĩnh vực, nhiều cách thức và nhiều thế mạnh khác nhau. Nhưng không phải liền một lúc áp dụng tất cả vào 1 bài học hoặc áp dụng cho tất cả các bài học, không những không hiệu quả mà còn khiến bài giảng thêm phần phức tạp, mất thời gian.

Sinh viên nên biết yếu tố công nghệ nào tốt cho bài giảng cụ thể của mình và áp dụng nhuần nhuyễn, chủ động xử lý các tình huống phát sinh trong khi tập giảng ở trường, ở trường thực tập; sau đó rút kinh nghiệm, tiếp tục cải tiến giáo án để có chất lượng cao hơn, phù hợp với đối tượng học sinh.

Tạo môi trường tương tác giữa người dạy - người học

CNTT ngày nay đã hỗ trợ đắc lực cho việc liên hệ, tương tác, phản hồi thông tin giữa giảng viên và sinh viên cả trước, trong và sau giờ học.

Việc hỏi bài, nộp bài tập, nêu ý kiến cá nhân qua email, chat, gửi tin nhắn qua các forum đã trở nên phổ biến. Việc các trường thiết lập hệ thống email cá nhân cho 100% cán bộ giáo viên và sinh viên trên nền website của trường theo qui luật đã giúp giáo viên gửi bài phản hồi về cho sinh viên cũng đơn giản, thuận tiện hơn.

Không chỉ vậy, sinh viên cũng có thể trả thông tin phản hồi dưới dạng đơn lẻ hoặc tổng hợp về email của giáo viên mà không nhất thiết phải nói ra trước lớp.

Tạo ta môi trường tương tác giữa giảng viên và sinh viên trên lớp học bằng CNTT được thể hiện chủ yếu ở các bài kiểm tra, đánh giá, các trò chơi học tập được thiết kế trên các phần mềm thường tạo ra không khí sôi nổi, sinh viên tích cực, mạnh dạn nói ra ý kiến của mình trước mỗi tình huống, mỗi câu hỏi có vấn đề và từ đó đặt câu hỏi ngược trở lại với giảng viên.

Cần nhấn mạnh, để nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên, yếu tố người dạy là quan trọng nhất.

Trước hết giảng viên phải thật sự cầu thị, thiện chí và cố gắng với việc ứng dụng CNTT, khai thác thế mạnh của CNTT để tích hợp vào dạy học Địa lí bằng các phương pháp tích cực.

Người dạy phải là “Tổng công trình sư” thiết kế các hoạt động trước, trong, sau giờ học, là cố vấn học tập với những yêu cầu cụ thể để sinh viên tăng cường tự học, tự nghiên cứu và liên tục phản hồi thông tin về cho người dạy để có sự điều chỉnh kịp thời.

Yếu tố người học mang tính chất quyết định và cơ sở vật chất là yếu tố cơ bản tác động đến kết quả của quá trình dạy và học Địa lí có sử dụng nguồn CNTT và truyền thông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.