Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục hỗ trợ về nguồn lực; tăng cường phối hợp, tham gia để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động.
Liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp
Việc gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, cập nhật kịp thời xu hướng phát triển của thị trường và nhu cầu tuyển dụng lao động, tiến tới việc liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Từ đó, góp phần thúc đẩy giải quyết việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương, những năm qua, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng lao động của Thủ đô ngày càng được khẳng định, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Với mạng lưới 310 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp liên tục tăng cao.
Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100%. Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố năm 2022 đạt 72,23%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và tăng 1,13 điểm phần trăm so với năm 2021.
Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã tham mưu và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH về phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn kết với thị trường lao động. Điển hình là việc tổ chức hội nghị thường niên gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động. Sau hội nghị, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh hợp tác, gắn kết doanh nghiệp với nhiều hình thức phong phú, đạt hiệu quả cao.
Tính đến tháng 12/2022 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã hợp tác với gần 1.000 doanh nghiệp tiếp nhận hơn 50.000 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập. Đồng thời, tham gia xây dựng, chỉnh sửa hơn 400 bộ chương trình, giáo trình, đặt hàng đào tạo với hơn 75.000 người; tuyển dụng 45.560 học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn hỗ trợ trang thiết bị, nguyên vật liệu đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng. Đặc biệt, 30 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia ký kết tại hội nghị năm 2021 đã tiếp nhận toàn bộ học sinh, sinh viên mà đơn vị đặt hàng đào tạo đến thực hành, thực tập có trả lương. Đồng thời, tiếp nhận toàn bộ học sinh, sinh viên tốt nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã ký kết có nhu cầu vào làm việc tại doanh nghiệp với mức thu nhập đạt từ 8 - 15 triệu đồng/tháng.
Bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực
Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục hỗ trợ về nguồn lực, tăng cường phối hợp, tham gia. Mục đích để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động…
Các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan quản lý Nhà nước về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo về số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động… Đồng thời, tham gia sâu vào các khâu của quá trình đào tạo từ xây dựng các chuẩn đào tạo, trao đổi chuyên môn, cập nhật các tiến bộ khoa học - công nghệ đến tổ chức đào tạo…
Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động, đa dạng hóa các hình thức hợp tác, phương thức kết nối. Đồng thời, linh hoạt trong công tác tuyển sinh, đào tạo, đánh giá, tuyển dụng. Cùng với đó là điều chỉnh ngành nghề, chương trình đào tạo, mở rộng quy mô và tăng cường các điều kiện bảo đảm để nâng cao chất lượng đào tạo…
Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn, thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động. Trong định hướng gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp cũng được quan tâm triển khai. Đặc biệt là việc huy động đông đảo sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, liên kết và đặt hàng đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, trong 11 tháng năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã hợp tác với hơn 750 lượt doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo, góp phần ổn định sản xuất cho doanh nghiệp. Sở cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với một số doanh nghiệp, nhằm tăng cường kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đặt hàng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.