Phát huy vai trò của người học
Xuất phát từ nhu cầu phát triển của xã hội, những năm gần đây, nhu cầu đẩy mạnh giáo dục theo hướng hiện đại, lấy người học làm trung tâm ngày càng được quan tâm và chú trọng. Là một trong những đơn vị giáo dục Quốc phòng - An ninh lớn của khu vực trung du miền núi phía Bắc, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Đại học Thái Nguyên) đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới chương trình, nội dung huấn luyện - đào tạo; vận dụng phương pháp dạy học tích cực với phương châm “lấy người học làm trung tâm”; linh hoạt điều chỉnh kế hoạch, phương pháp tổ chức huấn luyện phù hợp, khoa học và ứng dụng công nghệ trong dạy học. Cùng với đó, Trung tâm đã chủ động biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ cho công tác huấn luyện - đào tạo; tích cực nghiên cứu đề tài khoa học có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc.
Có thể nói, đổi mới phương pháp dạy học, lấy người học làm trung tâm thì giáo viên sẽ đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn và thúc đẩy việc trực tiếp trải nghiệm đảm bảo quá trình học tập và lĩnh hội kiến thức của sinh viên. Sinh viên sẽ chủ động trở thành người tự tạo và thu thập kiến thức cho bản thân. Những kiến thức các em tiếp thu được không chỉ là những kiến thức từ trong nhà trường, mà còn là những kiến thức thực tế ngoài xã hội - kiến thức tổng hợp.
Việc đổi mới phương pháp giáo dục, phát huy vai trò của người học, sẽ giúp sinh viên có cơ hội đóng góp tiếng nói của mình vào mục đích học tập, cho phép soạn thảo chương trình và thực hiện các dự án, thậm chí tự đánh giá kết quả của bản thân.
Ngoài ra, sinh viên sẽ tự lực chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kỹ năng thái độ theo chương trình, qua đó góp phần hình thành tính cách tích cực cho bản thân người học.
Tăng cường hoạt động trải nghiệm
Song, để nâng cao kiến thức giáo dục Quốc phòng - An ninh, các chương trình hoạt động trải nghiệm cho sinh viên được Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Đại học Thái Nguyên) triển khai với nhiều hình thức, đa dạng về nội dung. Cụ thể, đối với học phần Đường lối quân sự của Đảng, sinh viên chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề về đối tượng, phương pháp nghiên cứu kiến thức Quốc phòng - An ninh; tìm hiểu nghiên cứu các vấn đề quan điểm cơ bản về chiến tranh, quân đội và bảo vệ Tổ quốc; tìm hiểu tài liệu, sách tham khảo, chuyên khảo về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa…
Về học phần Công tác Quốc phòng, An ninh: Sinh viên sẽ tìm hiểu để giải thích về diễn biến hòa bình; Được tiếp xúc với một số phương tiện vũ khí công nghệ cao; Tìm hiểu, sưu tầm về một số lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên và động viên công nghiệp quốc phòng hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Ngoài ra, sinh viên sẽ được tham quan một số di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh; Tìm hiểu một số hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; từ đó thành lập các dự án nhỏ về đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Riêng học phần Quân sự chung và kỹ chiến thuật bắn súng tiểu liên AK sinh viên tham gia khóa học sẽ trực tiếp luyện tập với cán bộ chiến sĩ về đội ngũ đơn vị; Quan sát, trải nghiệm cách sử dụng bản đồ địa hình quân sự; Tiếp xúc với một số loại súng như súng trường AK, tiểu liên, lựu đạn, pháo cối… (có thể trải nghiệm khi tháo, lắp súng, bắn súng điện tử…).
Được tiếp xúc với một số loại thuốc nổ cơ bản dùng trong chiến tranh. Bên cạnh đó, sinh viên còn được xem phim tài liệu về một số chủng loại vũ khí hủy diệt lớn như: Hạt nhân, sinh học, hóa học; tổ chức thực hiện việc sơ cứu, băng bó, vận chuyển người bị thương; luyện tập cùng với chiến sĩ về kĩ thuật từng người trong chiến đấu tiến công, chiến đấu phòng ngự và được trải nghiệm hoạt động bắn súng thật trên tiểu liên AK.
Thầy giáo Đinh Văn Long, giảng viên tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Đại học Thái Nguyên, cho biết: Việc vận dụng giáo dục thông qua hoạt động trải nghiệm vào kiến thức Quốc phòng – An ninh là rất hợp lý và có thể đem lại hiệu quả cao. Từ đó, giúp sinh viên trau dồi vốn hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân.
Như vậy, để đẩy mạnh đổi mới phương pháp giáo dục trong thời gian tới, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Đại học Thái Nguyên cần tiếp tục lựa chọn những nội dung môn học cụ thể, phù hợp với các nguyên tắc giáo dục nhằm giúp người học đạt mục tiêu tốt nhất trong lĩnh hội các tri thức của môn học này. Đồng thời, kết hợp với việc nâng cao mức độ, hiệu quả sử dụng các phương tiện, thiết bị giáo dục hiện đại trong quá trình dạy học, nhất là đối với giáo dục kiến thức Quốc phòng – An ninh vốn là môn học có những đặc trưng riêng.