Nâng cao chất lượng giáo viên Giáo dục quốc phòng an ninh trong giai đoạn mới

GD&TĐ - Ngày 2/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Đề án đào tạo giáo viên, giảng viên Giáo dục quốc phòng an ninh giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì cuộc họp.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì cuộc họp.

Dự cuộc họp có lãnh đạo Vụ Giáo dục Quốc phòng An ninh, lãnh đạo các Vụ, Cục liên quan của Bộ GD&ĐT, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ.

Tại cuộc họp, Ban tổ chức đã công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Đề án "Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng an ninh giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo". Theo đó, Ban Soạn thảo có 14 thành viên, Tổ biên tập có 18 thành viên, trưởng Ban soạn thảo là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Vụ Giáo dục Quốc phòng An ninh (Bộ GD&ĐT) cho biết: Ngày 24/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 607/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020” (Đề án 607).

Trong quá trình thực hiện, Đề án 607 đã luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan, các địa phương và cơ sở giáo dục đào tạo.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã ban hành các quyết định về chương trình đào tạo giáo viên, giảng viên GDQPAN trình độ đại học, về chương trình khung đào tạo, chỉ đạo các cơ sở đào tạo tiến hành xây dựng hồ sơ, mở mã ngành và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Đây là những hành lang pháp lý quan trọng để tổ chức và thực hiện Đề án.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương và các Sở GD&ĐT, các cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên, giảng viên GDQPAN đã quán triệt nghiêm túc, tạo nhận thức đúng đắn, cụ thể hóa nội dung và tổ chức thực hiện có hiệu quả, như: ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, xây dựng kế hoạch từng giai đoạn, từng năm, mở mã ngành, xây dựng chương trình khung.

Các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên, giảng viên GDQPAN có đội ngũ giảng viên, hệ thống cơ sở vật chất thao trường, bãi tập và nơi ăn ở theo môi trường quân đội đảm bảo chất lượng tốt, đặc biệt là các cơ sở đào tạo của quân đội.

Chương trình chi tiết cho các đối tượng bảo đảm chặt chẽ, khoa học, phù hợp với thực tiễn đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo được xác định trong chương trình. Các cơ sở giáo dục đã xây dựng được kế hoạch toàn khóa, kế hoạch từng năm, phân chia nội dung, thời gian và lịch huấn luyện cụ thể theo từng học kỳ.

Học viên được học tập, rèn luyện theo nếp sống quân đội và môi trường quân sự, được tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao, hoạt động ngoại khóa, tham quan các đơn vị quân đội, các di tích lịch sử. Kết thúc từng học kỳ, năm học có nhận xét về học tập, rèn luyện của từng học viên gửi về các đơn vị, cơ sở đào tạo có học viên học tập.

Thiếu tướng Phạm Đức Tú - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng An ninh phát biểu tại cuộc họp
Thiếu tướng Phạm Đức Tú - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng An ninh phát biểu tại cuộc họp

Đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo giáo viên, giảng viên GDQPAN có chất lượng tốt, đặc biệt là các cơ sở đào tạo đại học trong Quân đội. Nhiều giảng viên có trình độ học vấn cao, có kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy tốt góp phần quan trọng tới chất lượng đào tạo.

Qua 6 năm triển khai thực hiện Quyết định 607 của Thủ tướng Chính phủ, đội ngũ giáo viên, giảng viên GDQPAN đã được bổ sung cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Số giáo viên của các trường THPT chất lượng đạt chuẩn còn còn thấp (mới đạt 50,76%), số lượng giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học còn thiếu so với nhu cầu (mới đạt 91,6%)... Do đó, cần tiếp tục triển khai Đề án đào tạo giáo viên, giảng viên GDQPAN để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Tại cuộc họp, các đại biểu đến từ các bộ ngành đã thảo luận về báo cáo tổng kết và Đề cương sơ bộ của Đề án, làm rõ những khái niệm, trao đổi về kế hoạch, kinh phí và lộ trình triển khai thực hiện, trách nhiệm của các bộ ngành, các địa phương trong quá trình triển khai Đề án.

Qua trao đổi ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị Vụ Giáo dục Quốc phòng An ninh tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện kế hoạch, chỉ ra nguyên nhân chủ yếu để đề ra các giải pháp, đề nghị đẩy mạnh kế hoạch khảo sát tại các địa phương, tại các trường, lưu ý các mốc thời gian để tháng 6/2021 sẽ trình Thủ tướng Đề án mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.