Giáo dục mầm non nơi "đất mũi": Thiếu cả trường lớp và giáo viên

GD&TĐ - Do đặc thù sông nước, tỉnh Cà Mau đang đối mặt với tình trạng thiếu trường lớp và GV mầm non. Nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, trẻ mầm non phải học tạm ở trường tiểu học…

Học nhờ, học tạm

Mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng giáo dục mầm non ở tỉnh Cà Mau vẫn còn không ít khó khăn, nhất là tình trạng thiếu trường lớp và GV khu vực vùng sâu, vùng xa. Trước đó, UBND tỉnh có chủ trương quy hoạch trường lớp, xóa điểm lẻ nhưng trên thực tế, nhiều trường, điểm lẻ ở vùng sâu không thể xóa. Bởi không có điểm trường lẻ, HS gặp khó khi đến trường vì đường xa, đò ngang cách trở nên nguy cơ phải bỏ học gia tăng.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Cà Mau, năm học 2020 - 2021, đội ngũ GV mầm non còn thiếu, đặc biệt ở các huyện vùng sâu, vùng xa là 167 người. Phòng học cho bậc học này còn thiếu, phải học nhờ phòng của tiểu học (hơn 180 phòng). Do mạng lưới trường mầm non còn phân tán, nhiều trường có diện tích hẹp, phòng học chưa bảo đảm theo quy định cả về quy cách và diện tích sử dụng.

Cô, trò Trường MN thị trấn Thới Bình (Cà Mau) trong giờ học.
Cô, trò Trường MN thị trấn Thới Bình (Cà Mau) trong giờ học.

Do vậy, nhiều xã trong tỉnh vẫn chưa tiếp nhận hết số trẻ trong độ tuổi vào học mầm non. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của cấp học, do từ trước đến nay chưa có chương trình, đề án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non. Chính sách thu hút GV về dạy ở các huyện vùng sâu, vùng xa cũng chưa có. Tỷ lệ GV mầm non của tỉnh trong biên chế Nhà nước chỉ đạt 85,8%; tỷ lệ GV hợp đồng lao động chiếm 14,2%. 

Một số nơi phòng học chưa đáp ứng được yêu cầu học 2 buổi/ngày. Ở khu vực vùng sâu, dân cư sống không tập trung, giao thông đi lại khó khăn. Một số nơi, đến mùa mưa là các cháu phải nghỉ học vì việc đến trường quá vất vả. 

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, do địa hình, hệ thống trường học còn phân tán, dàn trải, manh mún thiếu tập trung, tình trạng thiếu phòng học ở cấp mầm non vẫn còn. Sĩ số bình quân HS/lớp toàn tỉnh chưa đồng đều, tại các trường trên địa bàn thành phố Cà Mau và trung tâm các huyện còn cao so với quy định… 

Như huyện Thới Bình, do trường học phân tán, tình trạng thiếu phòng học cấp học mầm non chậm khắc phục. Đến nay, huyện còn 24 điểm mầm non đặt tại trường tiểu học. Việc xóa điểm trường lẻ chưa thực hiện triệt để do xa điểm chính. Còn thiếu phòng học cho các lớp mầm non ở các xã có địa bàn khó khăn nên vẫn còn tình trạng HS phải học lớp ghép…

Chính sách thu hút  giáo viên

HS huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đến trường bằng đò.
HS huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đến trường bằng đò.

Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, việc nâng cấp mở rộng các điểm trường chính sau thời gian sắp xếp trường, lớp học và đội ngũ GV rất cấp thiết. Sở GD&ĐT đã rà soát nhu cầu xây dựng trường, lớp học giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, theo đó, hầu hết các trường đều thiếu phòng học để dạy 2 buổi/ngày. Để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, ngành GD-ĐT Cà Mau cần được xây mới 1.650 phòng học (tập trung ở bậc mầm non và tiểu học), với tổng kinh phí trên 856 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Minh Luân - Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết: 3 vấn đề cốt lõi là đội ngũ, cơ sở vật chất và thiết bị để đáp ứng nhu cầu giáo dục trong giai đoạn mới của tỉnh đều đang gặp khó… Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, Sở đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh xây dựng kế hoạch trung hạn và ngắn hạn đầu tư nâng cấp theo hướng chuẩn hóa theo quy định mới. Ngành tham mưu UBND tỉnh 3 đề án lớn: Sắp xếp trường lớp học và đội ngũ GV đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Từ đề án này tiếp tục tham mưu Đề án đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi trẻ em.

Đề án 3 là sửa chữa, xây mới mà trọng tâm là sửa chữa, nâng cấp những trường hiện có... Khi có các đề án thì dồn sức tập trung nguồn lực theo phân kỳ đầu tư ngắn hạn, trung hạn, dài hạn đến năm 2030 một cách cụ thể… Hiện 3 đề án trên đã được trình Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong đó, điểm nổi bật của đề án là ưu tiên thu hút GV và nhân lực cho ngành mầm non, thông qua chính sách cho vay ưu đãi không trả lãi cho SV ngành sư phạm mầm non để hỗ trợ chi phí trong việc học. Công tác tuyển dụng GV mầm non cũng được mở rộng, không hạn chế người trong hay ngoài tỉnh. Những GV mầm non nơi khác đến công tác được tỉnh tạo điều kiện cho thuê hoặc mua nhà trả góp. 

Về giải pháp trước mắt, hiện Sở GD&ĐT Cà Mau phối hợp với Trường ĐH Đồng Tháp mở lớp đào tạo CĐ Sư phạm Mầm non và ĐH Sư phạm Mầm non cho GV tiểu học dôi dư có nguyện vọng sang giảng dạy mầm non. Ngoài ra, sở cũng chỉ đạo Trường CĐ Cộng đồng và Trung tâm GDTX tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và GV mầm non cốt cán…

“Trường đang gặp nhiều khó khăn do thiếu phòng học, phải chịu cảnh mượn phòng học nhờ. Bên cạnh đó, trường cũng đối diện với tình trạng thiếu GV. Lo nhất là GV nghỉ thai sản sẽ không có người dạy thay thế trong thời gian dài”. Cô Nguyễn Thị Bích Hằng, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.