Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Theo ông Nguyễn Phúc Phận – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, năm học 2016-2017, ngành GD&ĐT Kon Tum tiếp tục tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 29 với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở giáo dục. Xây dựng và triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch và quy hoạch ngành GD&ĐT cho phù hợp với việc thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và đi học không chuyên cần, nhất là đối với giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường các giải pháp quản lý chấn chỉnh tình trạng lạm thu, tình trạng dạy thêm, học thêm chưa đúng quy định trong các cơ sở giáo dục; xử lý kiên quyết các cơ sở GD&ĐT tạo vi phạm các quy định của ngành, của tỉnh.
Ông Nguyễn Phúc Phận cho hay: Ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum đã chủ động rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được chú trọng. Công tác định hướng phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông được quan tâm. Việc dạy và học ngoại ngữ đã đi vào nề nếp và đang dần nâng cao về chất lượng.
Tiếp tục chỉ đạo ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục hiệu quả. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng và các hoạt động giáo dục. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Triển khai và phối hợp với UBND các huyện/thành phố điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự của cơ quan quản lý giáo dục các cấp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả người đứng đầu. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực của xã hội nhằm phát triển giáo dục và đào tạo.
Giáo dục mầm non (GDMN), đã tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ. Nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng và chăm sóc sức khoẻ. Tiếp tục triển khai Chương trình GDMN, bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi đến 100% các cơ sở GDMN. Tăng cường chuẩn bị Tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số. Làm tốt công tác chuẩn bị cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi vào lớp 1, nhất là trẻ dân tộc thieur số (DTTS).
Giáo dục phổ thông đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh. Quan tâm việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Thực hiện việc đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh. Chất lượng học tập của học sinh các cấp học phổ thông có sự chuyển biến rõ nét, tích cực: số học sinh được xếp loại khá, giỏi ở kết quả xếp loại học lực cuối năm học và thi THPT năm 2017 đạt kết quả khả quan.
Ưu tiên phát triển giáo dục dân tộc
Đặc biệt, chất lượng giáo dục dân tộc có bước phát triển mới. Trong năm học 2016-2017, Ngành GD&ĐT tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh các giải pháp ở vùng dân tộc thiểu số. Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được cải thiện. Chất lượng giáo dục và đào tạo trong các trường PTDTNT, PTDTBT được nâng cao; quy mô, số lượng học sinh DTTS tăng. Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng DTTS được bảo đảm tốt hơn, đặc biệt là các chính sách cho học sinh và giáo viên vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS.
Ông Nguyễn Phúc Phận nhấn mạnh: Năm học 2016-2017, ngành GD&ĐT Kon Tum đã triển khai sâu rộng các cuộc vận động và các phong trào thi đua, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị trong đội ngũ nhà giáo; vai trò của từng trường, từng CBQL giáo dục, từng giáo viên, nhân viên được khẳng định và phát huy, tạo nên động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chung của giáo dục Kon Tum, tạo được niềm tin của chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh và của cộng đồng đối với ngành GD.
Toàn ngành đã đổi mới mạnh mẽ theo yêu cầu của Nghị quyết 29/NQ-TW, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh. Giáo dục toàn diện đã được các trường đặc biệt quan tâm. Chất lượng giáo dục được giữ vững và từng bước nâng cao; giáo dục văn thể mỹ, kỹ năng sống được coi trọng. Phong trào học sinh giỏi tiếp tục được duy trì và đạt kết quả.
Theo ông Nguyễn Phúc Phận, mặc dù chất lượng giáo dục đã được nâng lên, tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Chất lượng học tập của học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các xã vùng sâu, vùng xa còn thấp. Còn một số khó khăn về cơ sở vật chất; huy động các nguồn lực; về tình trạng thiếu giáo viên mầm non, tiểu học và chất lượng một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Chương trình, sách giáo khoa chưa phù hợp với học sinh DTTS về nội dung và thời lượng. Việc đưa ngoại ngữ (tiếng Anh) vào cấp tiểu học tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Kon Tum gặp nhiều khó khăn, nhiều trường chưa thực hiện việc dạy học chương trình tiếng Anh mới ở cấp Tiểu học. Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chưa đạt mục tiêu đề ra…
Những khó khăn, hạn chế, vướng mắc này trở thành mục tiêu, nhiệm vụ đạt ra cho toàn ngành GD&ĐT Kon Tum trong năm học 2017-2018. Điều này cũng trở thành động lực, sự quyết tâm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong việc cụ thể hóa thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, 5 giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm học tới.