Sóc Trăng: Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Sóc Trăng, năm học 2016-2017, ngành GD-ĐT Sóc Trăng được ưu tiên đầu tư kinh phí và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ, chỉ tiêu năm học. 

Chú trọng chất lượng đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục
Chú trọng chất lượng đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng, chất lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu, đủ năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục ở địa phương. Mạng lưới trường, lớp bước đầu được sắp xếp tương đối ổn định, tập trung hơn, hạn chế tối đa việc dàn trải, tạo điều kiện thuận lợi cho các em được đến trường và hưởng được các lợi ích từ giáo dục.

Ngành GD&ĐT của địa phương luôn đón nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình, thường xuyên; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và các cá nhân trong và ngoài tỉnh; một mặt đã tạo sự chuyển biến tích cực của phong trào xã hội hoá giáo dục, phong trào giáo viên giỏi, học sinh giỏi, đã tăng thêm nguồn lực và động lực, giúp ngành giáo dục Sóc Trăng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Về qui mô trường lớp, năm học 2016-2017, tỉnh có 577 trường (trong đó có 555 công lập, 22 ngoài công lập)/ 8.413 nhóm - lớp với 261.718 HS, giảm 7.291 HS phổ thông và tăng 1.029 cháu nhà trẻ, mẫu giáo so với đầu năm học. Tỷ lệ giảm HS phổ thông là 3,36%, trong đó bỏ học 3.072 HS (tỷ lệ 1,42%).

Cụ thể, ở bậc Mầm non có 134 trường (121 công lập, 13 ngoài công lập)/1.692 nhóm-lớp (119 nhóm trẻ, 1.573 lớp mẫu giáo) với 52.294 trẻ đến trường (Nhà trẻ 2.701 cháu; MG 49,592 cháu), tăng 1.029 cháu so với đầu năm. Mẫu giáo 5 tuổi là 21.827 cháu. Nhà trẻ chiếm 8,5%, mẫu giáo 87% trẻ em trong độ tuổi.

Ở bậc Tiểu học có 292 trường (286 công lập, 06 ngoài công lập)/4.208 lớp với 114.471 học sinh, giảm 1.962 HS so với đầu năm (tỷ lệ 1,68%). Trong đó bỏ học 872 HS (tỷ lệ 0,75%), chuyển trường ra khỏi tỉnh 1.090 học sinh (tỷ lệ 0,94%).

Bậc Trung học cơ sở có 113 trường (111 công lập, 02 ngoài công lập)/1.814 lớp với 68.988 HS, giảm 3.852 HS so với đầu năm (tỷ lệ 5,3%). Trong đó bỏ học 1.618 HS (tỷ lệ 2,22%), chuyển đi nơi khác 1.794 HS (tỷ lệ 2,46%), học nghề 98 HS (tỷ lệ 0,13%), rời khỏi địa phương 342 HS (tỷ lệ 0,47%).

Bậc Trung học phổ thông có 38 trường (37 công lập, 01 ngoài công lập)/699 lớp với 25.965 HS, giảm 1.477 HS so với đầu năm (tỷ lệ 5,38%). Trong đó bỏ học 582 HS (tỷ lệ 2,12%), chuyển đi nơi khác 146 HS (tỷ lệ 2,46%), học nghề 465 HS (tỷ lệ 1,69%), rời khỏi địa phương 284 HS (tỷ lệ 1,03%).

Huy động học sinh trong độ tuổi đến cuối năm học 2016-2017 của Nhà trẻ thực hiện được 8,5% (KH giao 7,06%), đạt 120,4 % chỉ tiêu; Mẫu giáo được 87% (KH giao 79,09%), đạt 110 % chỉ tiêu, trong đó MG 5 tuổi thực hiện 99,2% (KH giao 99%), đạt 100,2% chỉ tiêu; Tiểu học được 99,50%, đạt 100% chỉ tiêu; Trung học cơ sở được 93,45%, đạt 99,4 % chỉ tiêu; Trung học phổ thông được 49,93%, đạt 92,46 % chỉ tiêu.

Hiện nay, toàn tỉnh có 223/556 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 40,1%. Trong đó, Mầm non có 44 trường; Tiểu học có 111 trường; THCS có 63 trường; THPT có 05 trường. Để đạt được chỉ tiêu của tỉnh giao năm 2017 là 43% thì từ nay đến cuối năm, ngành giáo dục phải nổ lực phấn đấu công nhận thêm 16 trường.

Kết quả năm học 2016-2017 ghi nhận, công tác nuôi dưỡng và chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho trẻ ở Mầm non luôn được quan tâm. Có 97 trường và cơ sở tổ chức ăn bán trú (tăng 10 trường, cơ sở), 19.685 trẻ được ăn bán trú (nhà trẻ 2.063, Mẫu giáo 17.622 trẻ), chiếm 37,6% tăng 3%; 100% cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (có 93/97 chiếm 95,8% bếp ăn được chứng nhận vệ sinh, an toàn thực phẩm).

Ở bậc Tiểu học, Tổ chức tốt các phong trào ở cấp tiểu học, việc đánh giá học sinh tiểu học theo tinh thần Thông tư 22 đã có nhiều tiến bộ, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày có phát triển và bước đầu cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học có nhận thức tốt về đổi mới phương pháp dạy học. Đến nay toàn tỉnh có 166 trường tổ chức dạy 2 buổi với 61.225 học sinh, chiếm tỷ lệ 53,48% (tăng hơn năm học trước 15.354 học sinh, tỷ lệ tăng 13,41%) trong đó có 06 trường có tổ chức bán trú.

Mô hình trường học mới (VNEN) tiếp tục được duy trì tại 45 trường tiểu học tỷ lệ 15,41% trên tổng số trường tiểu học trong toàn tỉnh. Thực hiện chương trình Tiếng Anh theo hình thức môn học tự chọn. Có 236 trường tiểu học có dạy tiếng Anh (80,96%); với 58.874 học sinh học tiếng Anh (51,43%) tăng hơn 3.370 học sinh (5,34%) so với học sinh học tiếng Anh năm học trước.

Đối với Giáo dục Trung học, đã có những bước chuyển biến tích cực về chất lượng. Các cơ sở giáo dục đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành khá tốt kế hoạch giáo dục, bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình, dạy đủ môn trong điều kiện của đơn vị và củng cố, quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt là đối với các lớp cuối cấp.

Giáo dục Dân tộc cũng đạt được kết quả khả quan. Năm học 2016-2017, tổng số học sinh dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Khmer và dân tộc Hoa) được huy động đến lớp từ mầm non đến THPT là 91.557/261.718 HS toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 34,98%. Riêng học sinh dân tộc Khmer là 77.840/261.718 HS, chiếm tỷ lệ 29,74% (trong đó Mầm non 15.465, Tiểu học 38.723, THCS 18.855, THPT 4.797). Đối với dân tộc Hoa là 13.717/261.718 học sinh chiếm tỷ lệ 5,24% (Mầm non 2.774 cháu, Tiểu học 5.279 HS, THCS 3.805 HS, THPT 1.859 HS).

Toàn tỉnh hiện có 09 trường PTDTNT gồm 90 lớp, với 2.874/2.928 học sinh. giảm 54 học sinh so với đầu năm học. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh cấp THCS và cấp THPT chiếm tỷ lệ 9,99%.

Với mục tiêu của trường PTDTNT là nơi tạo nguồn đào tạo cán bộ phục vụ vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, thời gian qua, các trường PTDTNT luôn phấn đấu nâng dần chất lượng giáo dục của đơn vị mình. Kết quả, ở cấp THCS, tỉ lệ học sinh Giỏi đạt 18,19%, Khá 53,13%, TB 28,33%, Yếu 0,35%; cấp THPT, học sinh Giỏi đạt 16,47%, Khá 62,30%, TB 20,30%, Yếu-kém 0,93%.

Hệ thống mạng lưới Trung tâm GDNN-GDTX huyện, thị xã, thành phố phát triển ở tất cả 11/11 huyện, TX, TP đều thực hiện nhiệm vụ Dạy nghề, dạy chương trình GDTX, liên kết đào tạo. 109/109 TTHTCĐ đang phát triển và từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả. Các TTHTCĐ và GDNN-GDTX đã tổ chức nhiều lớp tập huấn các chuyên đề về kỹ thuật nông nghiệp, mở lớp dạy nghề, các cuộc hội thảo khoa học ở các lĩnh vực y tế, tiểu thủ công nghiệp, giao thông,... cho 206.018 lượt người tham gia.

Về công tác xã hội hóa giáo dục, năm học 2016 – 2017 ngành đã phối hợp với Hội Khuyến học vận động xây dựng quỹ được 19.263.267.000 đồng, trao 23.758 suất học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ tiền, tập, viết,... cho học sinh; khen thưởng cho giáo viên dạy giỏi, hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ phát triển giáo dục nhà trường (hiến đất xây dựng trường học, hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn…) với tổng số tiền là 14.578.000.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Gám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng cho biết: “Chủ đề năm học 2017-2018 ngành GD-ĐT Sóc Trăng “Phát huy tinh thần trách nhiệm của hiệu trưởng trong quản lý nhà trường” cùng với phương châm đối với CBQLGD là phải “Dân chủ trong lãnh đạo, trách nhiệm trong quản lý, sáng tạo trong điều hành, sâu sát trong kiểm tra” và đối với giáo viên thì phải có “Tác phong chuẩn mực, tận tụy yêu nghề, trách nhiệm công việc, tích cực tự học”.

Theo bà Hà, năm học tới, Sở GDĐT tỉnh Sóc Trăng tiếp tục sắp xếp mạng lưới trường lớp các cấp học phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước giảm dần các điểm lẻ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và giảm tình trạng đầu tư dàn trải, tuy nhiên khi thực hiện phải chú ý tính hợp lý chứ không dồn xếp một cách cơ học, xây dựng lộ trình cụ thể, tránh làm theo phong trào.

Tiếp tục rà soát số học sinh trong độ tuổi và tổ chức huy động học sinh ra lớp đạt chỉ tiêu giao; duy trì kết quả phổ cập giáo dục, duy trì sĩ số học sinh, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, nhất là học sinh cấp TH và THCS.

Quan tâm, nâng cao chất lượng đội ngũ CBQLGD và nhà giáo với mục tiêu xây dựng đội ngũ giáo viên có tác phong chuẩn mực, thái độ làm việc tận tuỵ và có trách nhiệm với nghề, có tinh thần cầu tiến, chịu khó học hỏi, biết giúp đỡ đồng nghiệp và yêu thương học sinh; và đội ngũ CBQLGD năng động, sáng tạo, có tâm và có tầm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn, diện giáo dục và đào tạo.

Đẩy mạnh thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016 - 2020, tập trung thực hiện thống nhất chương trình và các tài liệu dạy học theo quy định (nhất là cấp Tiểu học), thực hiện dạy - học và kiểm tra tiếng Anh theo 4 kỹ năng. Mở rộng việc dạy – học tiếng Anh theo chương trình thí điểm (nâng cao) cho học sinh THCS và THPT, đối với học sinh tiểu học triển khai dạy tiếng Anh theo chương trình 10 năm với số tiết đúng quy định (4 tiết/tuần).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ