Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giáo dục

GD&TĐ - Cao Bằng là một tỉnh miền núi thuộc vùng giáp biên giới có phần đông bà con dân tộc sinh sống. Cuộc sống của người dân nơi đây còn không ít những khó khăn. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giáo dục

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành GD-ĐT tỉnh Cao Bằng đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc. Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương nên sự nghiệp “trồng người” đã mang đến những khởi sắc mới.

Đầu tư về mạng lưới trường lớp và ứng dụng công nghệ

Bà Nguyễn Mai Phương, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Trong năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT đã có những bước đột phá tích cực trong công tác rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Công văn số 2668/UBND-VX về việc triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017. Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học đến năm 2020 định hướng đến năm 2025.

Đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành việc rà soát, tổ chức Hội thảo cấp tỉnh và hiện đang tham mưu với UBND tỉnh xem xét quyết định việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2025 phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa bàn. Vấn đề này cũng được xem xét trong việc đáp ứng nhu cầu của nhân dân đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Hiện nay, toàn tỉnh có có 658 trường mầm non và phổ thông, trong đó có: 192 trường mầm non, 246 trường tiểu học, 190 trường THCS, 30 trường THPT; 1 trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, 1 trung tâm giáo dục hòa nhập Trẻ khuyết tật, 1 trường cao đẳng sư phạm, 199 trung tâm học tập cộng đồng.

Ngành GD-ĐT Cao Bằng đã nhận thấy để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục thì vấn đề đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục phải được đặt lên hàng đầu. Bà Nguyễn Mai Phương cho biết: Năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT đã tập trung nguồn lực tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để đạt yêu cầu tối thiểu thực hiện chương trình giáo dục, cải cách thủ tục hành chính trong giáo dục.

Tỉnh đặc biệt đầu tư nâng cấp, trang bị mới các phần mềm ứng dụng phục vụ cho quản lý, dạy và học, đặc biệt là học môn ngoại ngữ; Công tác duy trì và khai thác sử dụng có hiệu quả trang thông tin điện tử, bảo đảm hệ thống văn bản chỉ đạo, báo cáo, trao đổi thông tin, nhanh chóng, kịp thời chính xác.

Ngành GD-ĐT cũng tiếp tục phối hợp với chi nhánh Viettel để nâng cấp các dịch vụ và sử dụng phần mềm SMAS; ứng dụng phần mềm trong công tác kế hoạch, phổ cập giáo dục, xoá mù chữ và công tác tổ chức, cán bộ, quản lý thi, quản lý học sinh.

Dành nhiều ưu tiên cho giáo dục dân tộc

“Là một tỉnh miền núi với số lượng học sinh dân tộc chiếm đa số, cho nên trong nhiều năm qua Cao Bằng đã dành nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục. Vì vậy các em học sinh dân tộc luôn có cơ hội được học tập trong một môi trường giáo dục tốt để phát triển toàn diện” - đó là chia sẻ của người đứng đầu ngành Giáo dục của tỉnh Cao Bằng.

Trong năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 12 trường PTDTNT cấp huyện và 01 trường PTDTNT cấp tỉnh, đảm bảo 12/12 huyện có trường PTDTNT. Quy mô các trường PTDTNT cấp huyện là 8 lớp/230 - 250 học sinh, trường PTDTNT cấp tỉnh là 12 lớp/400 học sinh.

Các trường PTDTNT có đủ phòng học, có nhà ký túc xá học sinh, nhà bếp, nhà ăn... đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho việc thực hiện các hoạt động giáo dục của các nhà trường; có 43 trường PTDTBT, tăng so với năm học trước 5 trường. Trong đó có 33 trường PTDTBT cấp THCS, 9 trường PTDTBT cấp tiểu học, 1 trường PTDTBT liên cấp tiểu học, THCS.

Nhiều trường đã đi vào hoạt động tương đối hiệu quả, 41/43 trường đã tổ chức cho học sinh ăn, ở nội trú tại trường, hợp đồng với người lao động và cắt cử giáo viên nấu ăn và quản lý học sinh bán trú.

Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT cũng cho biết hiện ngành GD&ĐT vẫn đang tiếp tục xây dựng bổ sung, nâng cấp các hạng mục công trình cho các trường PTDTNT hiện có theo hướng trường trung học đạt chuẩn quốc gia; Tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện các trường PTDTNT trong danh mục xây dựng mới của Đề án.

Trường PTDTNT tỉnh Cao Bằng nằm trong danh sách được đầu tư mới, đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư, thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020; Nâng cao chất lượng giáo dục, nuôi dưỡng, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đặc thù; Đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số, dạy sát khả năng, trình độ nhận thức của các đối tượng học sinh; tăng cường công tác phụ đạo học sinh yếu, kém, chú trọng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, tập trung vào chất lượng mũi nhọn; quản lý học sinh thực hiện tốt nề nếp nội trú; phối hợp với các ban ngành địa phương vận động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số với nhiều biện pháp, đạt tỉ lệ khá cao; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đặc thù; Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động văn nghệ, TDTT, trò chơi dân gian... tạo không khí vui tươi thoải mái cho học sinh nhằm thu hút các em tới trường.

Sở GD&ĐT cũng đã đầu tư hệ thống truyền hình trực tuyến của ngành với 15 điểm cầu, chỉ đạo đưa các cuộc hội nghị, tập huấn sang hình thức họp trực tuyến; triển khai việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản đến tất cả các đơn vị trực thuộc, thực hiện giao dịch bằng văn bản điện tử trong toàn ngành qua hệ thống quản lý văn bản và hệ thống thư điện tử nội bộ của ngành Giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ