Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, thủy văn cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, thiên tai mưa lớn, lũ, ngập lụt, đặc biệt là ngập lụt đô thị có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn. Trong bối cảnh đó, Ngành KTTV Việt Nam xác định phải “đi trước một bước”, “Đi nhanh hơn-tích cực hơn” và tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng, vừa dự báo, cảnh báo thiên tai giảm nhẹ thiệt hại đồng thời nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tăng cường năng lực trong công tác dự báo, cảnh báo.
Chủ động xây dựng các phương pháp dự báo
Những năm qua, khoa học và công nghệ không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh vô cùng to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp đổi mới và phát triển. Những thành tựu khoa học và công nghệ ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến và áp dụng sâu rộng trong thực tiễn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam.
Đối với ngành khí tượng thủy văn, cho đến nay hầu hết các thành tựu mới của nhân loại trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực quan trắc, truyền tin, dự báo, cảnh báo KTTV.
Trong thời gian qua, nhờ công tác dự báo sớm, thông tin sớm, nên công tác phòng chống thiên tai của Việt Nam chủ động hơn. Như năm 2020, dù là năm hạn mặn lịch sử nhưng nhờ dự báo sớm nên Việt Nam đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Cụ thể, nhờ sự chủ động dự báo, cảnh báo sớm về hạn hán xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngành nông nghiệp đã chủ động điều chỉnh mùa vụ nên ảnh hưởng của hạn hán xâm nhập mặn trong vụ Mùa và vụ Đông Xuân 2019 -2020 chỉ bằng 9,6% (gần 39.000 ha) so với diện tích bị ảnh hưởng của vụ Mùa-vụ Đông Xuân năm 2015-2016 (tổng diện tích lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng hạn hán xâm nhập mặn năm 2015-2016 là 405.000).
Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, trong thời đại 4.0, để đưa ra những sản phẩm dự báo chính xác và kịp thời, các thiết bị máy móc đã được nâng cấp với công suất cao hơn, tự động hóa nhiều hơn và vấn đề mấu chốt là đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với định hướng đó, ngành KTTV lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học, công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới trạm quan trắc quốc gia, trong đó tập trung đầu tư phát triển hệ thống trạm quan trắc tự động nhằm bảo đảm thu thập đầy đủ và chính xác các số liệu, đáp ứng yêu cầu cảnh báo, dự báo KTTV, phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, khai thác bền vững tài nguyên và môi trường.
Ứng dụng những thành tựu của công nghệ 4.0
Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”. Chiến lược ra đời với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành công nghệ mũi nhọn của Việt Nam trong Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới.
Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT đã xây dựng và phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó tập trung ứng dụng các công nghệ mới 4.0 như IoT, Big data, AI,… để thúc đẩy tiến trình xây dựng, vận hành các hệ thống thông minh hóa, tối ưu hóa, tự động hóa các quy trình, công việc.
Tổng cục KTTV đã và đang tham gia xây dựng nền tảng số dùng chung của Bộ với các nội dung như xây dựng hệ thống tích hợp dữ liệu dựa trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data), đặc biệt là ứng dụng AI trong học máy và nhận dạng để giải quyết các bài toán cụ thể cho lĩnh vực quan trắc và dự báo KTTV. Tổng cục KTTV cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Tổng cục KTTV giai đoạn 2021 - 2025.
Mới đây, Tổng cục KTTV đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội. Hai bên thống nhất phối hợp xây dựng mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại. Đề xuất các giải pháp tiên tiến, công nghệ quan trắc KTTV ứng dụng CN 4.0, để tạo bứt phá trong phát triển ngành KTTV phù hợp với Chính phủ số trong ngành tài nguyên và môi trường. Nghiên cứu phát triển trang thiết bị đo ứng dụng CN 4.0; tư vấn, phối hợp tăng cường mạng lưới quan trắc tại các khu vực vùng núi, hải đảo, biên giới, trên tàu thuyền; nghiên cứu phát triển thiết bị quan trắc khí tượng trên cao và ra đa thời tiết…
Trong nghiên cứu, ứng dụng, bắt đầu đã có một số kết quả ứng dụng AI trong vấn đề quan trắc như xác định mực nước sông trên cơ sở phân tích hình ảnh. Phương án này đã phát huy hiệu quả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng chống đại dịch Covid-19 ở các tỉnh thành thuộc Nam Bộ. Ứng dụng AI trong dự báo như đánh giá khả năng ảnh hưởng bão, dự báo mưa lớn, dự báo mực nước lũ của một số trạm thủy văn trên hệ thống sông Hồng, dự báo nước biển dâng do bão gây ra cũng đã có những kết quả khả quan ban đầu.
Là cơ quan có nhiệm vụ phục vụ phòng chống thiên tai, những năm qua, ngành KTTV đã được Nhà nước quan tâm đầu tư thông qua các đề án, dự án hiện đại hóa và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trang thiết bị hiện đại và công nghệ mới bước đầu đã được đầu tư, ứng dụng; các bản tin dự báo, cảnh báo về khí tượng và thủy văn đã có những thay đổi và nâng cao về nội dung và hình thức. Nhờ vậy, các hoạt động KTTV nói chung và công tác dự báo KTTV nói riêng đã đáp ứng được cơ bản những yêu cầu của việc phòng chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
-----
Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021