Nâng cao chất lượng đào tạo và NKCH - Cần một giải pháp đồng bộ

Nâng cao chất lượng đào tạo và NKCH - Cần một giải pháp đồng bộ

(GD&TĐ) - Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012, Trường Đại học Giao thông vận tải đã tích cực hưởng ứng và đề ra một chương trình hành động riêng. Ngày 20/3 vừa qua, Trường Đại học GTVT đã tổ chức Hội thảo về chủ đề này. Bên lề cuộc Hội thảo, Báo GD&TĐ đã phỏng vấn PGS.TS Trần Đắc Sử - Hiệu trưởng nhà trường về quyết tâm của trường trong thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD-ĐT.

PV: Đứng trước thách thức là vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH, theo ông Trường Đại học GTVT đang đứng ở đâu trong lộ trình đổi mới này?

PGS.TS. Trần Đắc Sử
PGS.TS. Trần Đắc Sử

PGS.TS Trần Đắc Sử: Trường Đại học GTVT là một trường đại học kỹ thuật - công nghệ chuyên ngành, đảm nhận trách nhiệm đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý cho ngành GTVT. Trường đã góp phần cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ sự nghiệp phát triển KT - XH, đảm bảo an ninh - quốc phòng và hội nhập quốc tế. Với kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng làm việc và khả năng phát triển tốt, trên 90% SV sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Có thể khẳng định rằng, Trường Đại học GTVT là một đại học có uy tín, nghiêm túc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, là địa chỉ tin cậy của các đơn vị sử dụng lao động và của xã hội. Trường đang hết sức nỗ lực phấn đấu, xây dựng trở thành đại học trọng điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải, có chất lượng đào tạo tiếp cận với chuẩn quốc tế; có năng lực nghiên cứu khoa học đủ để tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ tiên tiến trên thế giới và giải quyết những vấn đề về GTVT của đất nước đang đặt ra.

PV: Trước những hạn chế và  bất cập trong GDĐH, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo quyết liệt để nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH. Ông đánh giá thế nào về các hoạt động đào tạo và NCKH ở Đại học GTVT hiện nay?

PGS.TS Trần Đắc Sử: Theo tôi, các hoạt động đào tạo và NCKH của nhà trường còn thấp so với yêu cầu của sự phát triển KT - XH, nhất là trong nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ như hiện nay. Sự chuyển biến trong công tác quản lý của trường, trong suy nghĩ của cán bộ quản lý và nhà giáo chưa theo kịp với sự chuyển biến của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường và sự cạnh tranh trong đào tạo. Vì vậy, muốn thực hiện được mục tiêu đã đặt ra, trường cần có sự đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả thực chất trong mọi mặt hoạt động của mình; tạo ra thế và lực để phát triển nhà trường trong giai đoạn mới.

Để trả lời câu hỏi “Vì sao phải đổi mới?” chắc chắn sẽ có nhiều cách biện giải khác nhau. Nhìn nhận tình hình phát triển KT - XH cũng như bức tranh chung của GDĐH Việt Nam. Có thể chỉ ra các nguyên nhân đó là:

Về khách quan, 1. Vẫn còn tâm lý coi trọng bằng cấp của người học cũng như người sử dụng lao động còn khá nặng nề, chưa chú ý đến chất lượng thực sự của tấm bằng đó. Tuy nhiên, điều này trong tương lai không xa sẽ bị xoá bỏ khi các đơn vị sử dụng lao động quan tâm nhiều hơn tới kỹ năng làm việc, năng lực chuyên môn của người lao động. 2. Các trường đại học đều phải rất khó khăn khi giải quyết bài toán cân đối giữa mở rộng quy mô với đảm bảo chất lượng đào tạo, giữa thị hiếu của người học với khả năng đào tạo và cơ cấu ngành nghề. Vì vậy muốn giữ được uy tín và thương hiệu của mình, tạo được sức hút đối với xã hội thì phải đổi mới công tác quản lý, đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo. 3. Hiện nay, do nhiều lý do khác nhau, các trường đại học của nước ta thường chưa tiến kịp so với thực tiễn sản xuất. Các sản phẩm nghiên cứu của các trường đại học ứng dụng vào thực tiễn chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà giáo- Nhà khoa học với thực tiễn. Hiệu quả của NCKH phục vụ giảng dạy và đời sống còn khá thấp, gây lãng phí chất xám của xã hội. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả của công tác NCKH là rất cần thiết. 4. Cơ chế, chính sách đối với nhà giáo còn nhiều vấn đề chưa phù hợp, rất khó thu hút người tài về làm giảng viên nhưng lại rất dễ xảy ra tình trạng chảy máu chất xám từ các trường đại học ra các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường rất khó thực hiện một cách đầy đủ vì còn nhiều quy định mang tính thống nhất chưa cao. Nếu cơ chế quản lý GDĐH được đổi mới một cách đồng bộ; bản thân các trường cố gắng tự đổi mới một cách quyết liệt, điều này chắc chắn sẽ được khắc phục.

Về chủ quan: 1. Trong chính hoạt động Nhà trường Chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành dẫn tới chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Sinh viên tốt nghiệp ra trường còn thiếu nhiều kỹ năng cần thiết như kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng giao tiếp và khả năng ngoại ngữ. 2. Nhiệm vụ NCKH của giảng viên chưa được chú trọng đúng mức. Số lượng và chất lượng còn thấp, tỷ lệ đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn còn nhiều hạn chế. Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất có hiệu quả thấp. 3. Chất lượng đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nhà trường. Tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị còn khiêm tốn và tốc độ phát triển chậm. Nguy cơ hụt hẫng các chuyên gia đầu ngành còn chưa được giải quyết. 4. Hệ thống quản lý nhà trường tính năng động và hiệu quả chưa cao, chưa theo kịp với sự phát triển về quy mô đào tạo và yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý. 5. Các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính của Nhà trường còn hạn chế nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

SV nghiên cứu khoa học
SV nghiên cứu khoa học

PV: Nhìn ra được những hạn chế cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là đề ra giải pháp tháo gỡ, Trường Đại học GTVT đã có những giải pháp gì về vấn đề này, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Sử: Nhận thức đầy đủ về yêu cầu phải đổi mới trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả NCKH, Trường Đại học GTVT đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhiều công việc quan trọng, có tính bước ngoặt như thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2008- 2020 và tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu phấn đấu trở thành trường đại học trọng điểm về giao thông vận tải, coi đó là “cơ sở quan trọng trong việc đổi mới đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản lý”; Đẩy mạnh thực hiện chủ trương “đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội”, đổi mới chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành GTVT phù hợp với yêu cầu xã hội. Để tiếp cận chuẩn đào tạo quốc tế, trường đã tham khảo nhiều chương trình đào tạo của các nước tiên tiến, hợp tác với Trường đại học LEED (Vương quốc Anh) triển khai đào tạo Chương trình tiên tiến ngành xây dựng công trình giao thông. Nhiều giảng viên và cán bộ quản lý của trường được đưa đi bồi dưỡng ngắn hạn về công nghệ giảng dạy ở CHLB Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản.

Song song với đó, trường cũng đã hoàn thành việc ban hành chuẩn đầu ra đối với các ngành đào tạo bậc đại học, nghiêm túc triển khai thực hiện quy chế “3 công khai”, lấy đổi mới công tác quản lý đào tạo, quản lý khoa học- công nghệ làm trung tâm. Tập trung cho công tác phát triển đội ngũ, nhất là đội ngũ giảng viên có trình độ cao, tăng cường và hiện đại hoá trang thiết bị thí nghiệm, thực hành, giáo trình (trong đó có giáo trình điện tử). Đặc biệt mới đây, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý GDĐH giai đoạn 2010- 2012,  trường đã xây dựng chương trình hành động để tạo ra những bước đột phá trong những năm tới về công tác quản lý giáo dục để tiếp tục xây dựng và phát triển nhà trường, coi đó là sự cam kết về mặt chất lượng đào tạo và trách nhiệm đối với xã hội của nhà trường.

Tôi cho rằng, để thực hiện tốt việc đổi mới quản lý GDĐH, cần có sự đổi mới một cách đồng bộ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước đến các hoạt động cụ thể của nhà trường. Nhà nước nên nghiên cứu chế độ, chính sách đối với nhà giáo nhằm đảm bảo tốt cuộc sống và để các nhà giáo yên tâm giảng dạy, NCKH; Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học, phát huy được tính chủ động, sáng tạo, huy động các nguồn lực phục vụ  nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả NCKH; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm thực hành cho các trường, nhất là các trường đại học kỹ thuật, tạo cơ chế để các trường thu hút đầu tư trong và ngoài nước phục vụ đào tạo, NCKH. Quan tâm, tạo điều kiện để các trường đại học mở rộng mặt bằng phục vụ công tác đào tạo. Nhà nước cũng nên có quy định đối với các đơn vị sử dụng lao động về việc hỗ trợ chi phí đào tạo đối với các trường đại học, đồng thời có cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo.

PV: Xin cám ơn ông!

Bạch Ngọc Dư (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.