Trong hơn 50 năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND Lào) ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng, với nhiều phương thức và loại hình đào tạo đa dạng, phong phú, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Để thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020” và khắc phục một số hạn chế phát sinh trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt sâu sắc công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho CHDCND Lào là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần xây dựng quan hệ hữu nghị, truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong giai đoạn mới, trong đó cần đặc biệt quan tâm việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất quản lý toàn diện lưu học sinh Lào thuộc tất cả các đối tượng và loại hình đào tạo.
Quán triệt các cơ sở đào tạo khi tiếp nhận lưu học sinh Lào phải tuân thủ quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam và các quy định khác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào nâng cao chất lượng tuyển chọn và đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh trước khi sang học tập tại Việt Nam, chỉ tuyển chọn sinh viên năm thứ nhất tại các trường đại học của CHDCND Lào sang học tại Việt Nam theo diện hiệp định và chỉ tiếp nhận lưu học sinh diện hiệp định khi có quyết định cử đi học của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; lưu học sinh Lào trước khi sang Việt Nam học tập phải học tiếng Việt trong thời gian tối thiểu 3 tháng tại các cơ sở đào tạo có đủ năng lực tại Lào.
Hàng năm, thông báo danh sách các cơ sở đào tạo, các ngành đào tạo và tiêu chuẩn tuyển sinh theo từng bậc học (đại học, sau đại học, nghiên cứu sinh) để phía Lào lựa chọn, đăng ký ứng viên phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng lộ trình và thống nhất với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào về triển khai tổ chức giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ tại các trường phổ thông do Việt Nam xây dựng từ năm học 2014 - 2015, hướng tới giảng dạy tiếng Việt tại các trường phổ thông khác trong hệ thống giáo dục của Lào.
Đồng thời soạn thảo, ban hành bộ giáo trình giảng dạy tiếng Việt thống nhất cho lưu học sinh nước ngoài và khung năng lực tiếng Việt áp dụng tại các cơ sở đào tạo; bổ sung, hoàn thiện bộ Từ điển Việt - Lào, Lào - Việt tạo điều kiện thuận tiện trong học tập, nghiên cứu của lưu học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm Nghị định thư về hợp tác đào tạo cán bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào, chỉ tiếp nhận lưu học sinh Lào đáp ứng các tiêu chuẩn về tiếng Việt theo quy định.
Không đổi ngành nghề đào tạo cho lưu học sinh, trường hợp đặc biệt phải có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ bắt buộc đối với lưu học sinh Lào trong suốt quá trình đào tạo; đảo đảm đầy đủ điều kiện ăn ở, học tập cho lưu học sinh Lào trong thời gian học tập tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn và phân bổ nguồn lực để tăng cường hợp tác với CHDCND Lào trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch hợp tác dài hạn và ngắn hạn với các địa phương kết nghĩa của Lào trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của CHDCND Lào và thông báo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biết; chú ý bảo đảm các điều kiện học tập, sinh hoạt cho lưu học sinh Lào tại các cơ sở đào tạo của địa phương.