Nâng cao chất lượng đào tạo nghề: Yêu cầu cấp thiết

GD&TĐ - Hiện nay, việc nâng cao chất lượng đào tạo học viên tại các trung tâm dạy nghề, các trường cao đẳng nghề ngày càng trở nên cấp thiết. Điều đó sẽ đảm bảo chuẩn chất lượng đầu ra, tạo cơ hội việc làm cho học viên và có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều nhà tuyển dụng khó tính…

 Nâng cao chất lượng đào tạo nghề: Yêu cầu cấp thiết

Chú trọng kỹ năng thực hành

Như một bước làm quen trước khi vào những trường cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp của học sinh là việc theo học những khóa học ngắn hạn đào tạo những lĩnh vực như: Sửa xe máy, điện dân dụng, tin học, làm hoa, làm bánh… Để đáp ứng nhu cầu học tập này, Trung tâm Tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh Bạc Liêu tiến hành giảng dạy cấp THPT là 105 tiết/khóa và THCS là 75 tiết/khóa và học 1 buổi/tuần với quy mô trên 1.500 học viên. Vào thời gian hè là 3 buổi/tuần với quy mô trên 3.500 học viên, qua các năm tỉ lệ người học tham gia có xu hướng tăng lên.

Thạc sĩ Đào Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Bạc Liêu, cho biết: Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho học viên thì cốt lõi việc giáo viên phải đáp ứng trình độ chuyên môn. Mỗi năm có chương trình nâng cao kỹ năng nghề và khả năng giảng dạy do Tổng cục Dạy nghề tổ chức, nhà trường đã huy động giáo viên tham gia các khóa tập huấn này. Tại trường còn có các buổi dự giờ rút kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng nghề của giáo viên bằng cách đi thực tế những công ty, xí nghiệp từ 2 tuần đến 1 tháng. Chúng tôi đặt yêu cầu đối với giáo viên là cần có trách nhiệm cao với công việc, có đạo đức và kỹ năng thực hành vững.

Mấu chốt nữa là thời lượng học viên tham gia giờ thực hành chiếm khoảng 70% chương trình đào tạo. Vì vậy nhu cầu thực tiễn rất lớn nên máy móc, thiết bị đáp ứng phải đủ cho học viên ứng dụng. Từ năm 2011 đến nay, trường đã đầu tư khoảng 20 tỉ đồng cho việc trang bị máy móc mới cho nhiều ngành nghề như: Điện lạnh, tin học, công nghệ ô tô, sữa chữa thiết bị điện, cơ khí… Năm 2017 nhu cầu tuyển sinh của trường khoảng trên 500 chỉ tiêu (năm 2016 tuyển sinh trên 300 chỉ tiêu). Số lượng học viên ngày càng tăng thì việc thực hành là quan trọng nhất, nhà trường sẽ cố gắng đầu tư để đáp ứng được mục tiêu đào tạo của một trường cao đẳng nghề.

Chênh lệch giữa cung và cầu

Ngành nghề được quan tâm hàng đầu của nhiều học viên tại Trường Cao đẳng nghề tỉnh Bạc Liêu là điện lạnh, điện công nghiệp, công nghệ ô tô. Lý do là nhu cầu về điện đối với xã hội hiện nay rất cao nên đội ngũ thợ để cung ứng là rất lớn. Đời sống kinh tế khá hơn cũng có nhiều người mua xe ô tô nên những học viên tốt nghiệp có thể tham gia tiếp thị, mua bán và sửa chữa ô tô, đáp ứng nhu cầu và không sợ “lỗi thời”. Tuy nhiên, việc đào tạo “thợ” trong tỉnh hiện nay vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế.

Theo ông Tuấn, học viên tốt nghiệp có việc làm trong và ngoài tỉnh có thu nhập khá cao. Thậm chí nguồn cung không đủ cầu, không thể đáp ứng tối đa nhu cầu tuyển dụng của nhiều nhà máy, xí nghiệp. Nguồn lao động được sử dụng cung ứng cho thị trường việc làm tại địa phương góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của tỉnh. Trường cũng đang nghiên cứu mở rộng đào tạo ngành chế biến và bảo quản thủy sản trước việc xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm nuôi tôm công nghiệp lớn nhất cả nước.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, đã có nhiều công ty, xí nghiệp, cơ quan có nhu cầu tuyển dụng học viên tại trường nhưng nguồn cung không đủ cầu vẫn là thách thức trong việc nâng số lượng chỉ tiêu tuyển sinh và hệ thống máy móc ứng dụng của trường. Cụ thể gần đây nhất, Công ty cổ phần Cơ điện công trình Liên Thành, Phú Quốc đã tổ chức những buổi tiếp xúc học viên trong công tác việc làm, đón đầu nhân lực với các ngành nghề kỹ thuật công nghiệp... Đây cũng là cơ hội và thách thức đối với nhà trường trong việc nỗ lực đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

Ông Nguyễn Hà Minh - Giám đốc Trung tâm Tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Việc hướng nghiệp cho học sinh theo học tại trung tâm như tiền đề tiếp cận với những ngành nghề thông dụng hiện nay. Không chỉ để cộng điểm cho các em thi THPT mà qua các khóa học này có vai trò định hướng cho các em về nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.