Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu

GD&TĐ - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Hỗ trợ đào tạo nghề  cho lao động xuất khẩu

Các khoản hỗ trợ cụ thể

Theo Thông tư, đối tượng áp dụng là những lao động thuộc các đối tượng là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; thân nhân của người có công với cách mạng; người bị thu hồi đất nông nghiệp theo quy định, có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; hỗ trợ chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề để đi làm việc ở nước ngoài; và được hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Đào tạo nghề được hỗ trợ theo chi phí thực tế theo quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; Đào tạo ngoại ngữ theo mức cụ thể của từng khóa học, tối đa 3.000.000 đồng/người/khóa; Bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo chi phí thực tế, tối đa 530.000 đồng/người/khóa học; Tiền ăn trong thời gian đào tạo là 40.000 đồng/người/ngày.

Chi phí đi lại 200.000 đồng/người/khóa với người cư trú cách địa điểm đào tạo trên 15 km và 300.000 đồng/người/khóa với người lao động cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cách địa điểm đào tạo trên 10 km.

Riêng đối tượng là người dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo được hỗ trợ thêm tiền ở trong thời gian đào tạo và tiền trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu.

Áp dụng đối tượng có lợi nhất cho người lao động

Người lao động tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề theo yêu cầu của hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài được hỗ trợ 70% chi phí đào tạo của từng khóa học của cơ sở đào tạo nhưng không quá mức hỗ trợ quy định ở Thông tư Liên tịch này.

Người lao động tham gia các chương trình đào tạo trình độ cao theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và nước tiếp nhận lao động được hỗ trợ chi phí đào tạo theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ.

Trường hợp người lao động thuộc hai hay nhiều đối tượng được quy định tại Thông tư này, thì được lựa chọn áp dụng theo đối tượng có lợi nhất cho người lao động và chỉ được hưởng một lần các khoản hỗ trợ theo quy định của Thông tư.

Thông tư cũng đồng thời hướng dẫn chi tiết về hỗ trợ phát triển thị trường lao động bao gồm hỗ trợ nghiên cứu khảo sát, thu thập thông tin thị trường lao động ngoài nước; hỗ trợ quảng bá giới thiệu thông tin về nguồn lao động Việt Nam; và hỗ trợ xúc tiến phát triển thị trường lao động ngoài nước.

Hỗ trợ xây dựng các ấn phẩm truyền thông hướng dẫn người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xây dựng tư liệu, ấn phẩm truyền thông giới thiệu các thị trường lao động cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp nước ngoài; tổ chức các sự kiện văn hóa cho lao động Việt Nam tại nước ngoài; đào tạo nâng cao năng lực về xúc tiến phát triển thị trường lao động ngoài nước.

Chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ gồm: Lệ phí làm hộ chiếu; Lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp, Lệ phí làm thị thực (visa) theo mức hiện hành của nước tiếp nhận; Chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám bệnh đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, mức hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người. Đối với những lao động gặp rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ giải quyết rủi ro theo mức quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 3 Quyết định số 144/2007/QĐ-TTG ngày 31/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trích đoạn kinh điển 'Lý trưởng - mẹ Đốp' trong vở chèo cổ 'Quan Âm Thị Kính' biểu diễn tại sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: BTC.

'Phi hề bất thành chèo'

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Mercury (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức talkshow và biểu diễn nghệ thuật 'Phi hề bất thành chèo' tại Nhà hát Chèo Việt Nam.