Nghị định 57/2017/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ kí ban hành ngày 9/5/2017, quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người đang học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Bảo Lâm, sau 3 năm thưgc hiện Nghị định 57, (từ năm học 2017-2018 đến năm học 2019-2020), trên địa bàn huyện có 333 trẻ mầm non, 135 học sinh tiểu học người Lô Lô được hưởng chính sách ưu tiên tuyển sinh theo quy định tại Nghị định 57.
Ở bậc trung học, tổng số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hưởng chính sách ưu tiên tuyển sinh vào lớp 6 phổ thông có học sinh bán trú là 51 em, số học sinh được hưởng chính sách ưu tiên tuyển sinh vào lớp 6 trường phổ thông dân tộc nội trú là 13 em.
Còn theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc, trong từng năm học, việc thực hiện chính sách ưu tiên tuyển sinh đã giúp cho tỉ lệ học sinh Lô Lô hoàn thành chương trình tiểu học được ưu tiên tuyển sinh vào ra trường Phổ thông dân tộc nội trú tăng dần theo từng năm.
Nếu như năm học 2018-2019, tỉ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình vào học PTDTNT huyện mới đạt 17,24% trên tổng số học sinh Lô Lô hoàn thành chương trình tiểu học, thì đến năm học 2019-2020, tỉ lệ này đã đạt 53,13%.
Việc triển khai nghiêm túc các chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số rất ít người đã tạo điều kiện cho học sinh về chỗ ăn ở và điều kiện học tập; từ đó thu hút học sinh tới lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, chất lượng giáo dục được nâng lên.
Thực hiện chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người, các cơ sở giáo dục trên địa bàn hai huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc đã thực hiện nghiêm túc việc rà soát học sinh đảm bảo đúng đối tượng xét đề nghị hưởng chính sách.
Tuy nhiên, việc huy động học sinh dân tộc thiểu số rất ít người đến trường tại hai huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều học sinh Lô Lô cấp THCS đã là lao động chính của gia đình nên thời gian dành cho việc học tập không nhiều. Một số em do ở xa, điều kiện đi lại khó khăn; một số phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh hưởng đến việc học tập...
Thực hiện công tác truyền thông giáo dục dân tộc, thời gian qua, các địa phương, cơ sở giáo dục đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền về các chế độ chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với học sinh, lợi ích của việc cho trẻ trong độ tuổi đi học thông qua các cuộc họp phụ huynh học sinh, cử giáo viên xuống bản và đến từng gia đình học sinh.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) cho biết: Qua khảo sát thực tế, làm việc với lãnh đạo hai huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc, đoàn công tác đánh giá cao việc triển khai Nghị định 57 và công tác truyền thông về vấn đề dân tộc tại hai địa phương.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định 57, ông Nguyễn Văn Thanh lưu ý các địa phương cần tập trung triển khai nghiêm túc hơn nữa chính sách ưu tiên tuyển sinh và chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh dân tộc thiểu số ít người trên địa bàn, trong đó, đặc biệt quan tâm hơn nữa với nâng cao chất lượng giáo dục của học sinh dân tộc Lô Lô.
Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa về công tác truyền thông về giáo dục dân tộc trong đó, chủ động thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới về giáo dục dân tộc, bảo đảm các chủ trương đổi mới, quy định của ngành đến với từng cán bộ, giáo viên. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tổ chức truyền thông những tấm gương người tốt, việc tốt trong dạy và học.