Điều đáng lo ngại ở chỗ do người dân sinh sống nơi bưng biền hay các vùng hẻo lánh xa xôi mà không ít trường hợp nạn nhân khi bị rắn lục đuôi đỏ hay các loài rắn độc khác cắn thường được đưa đến bệnh viện cấp cứu muộn.
Nếu biết được quanh mình có những bài thuốc, phương cách hóa giải nọc độc ban đầu được ghi chép trong các y văn hẳn hoi, hẳn nhiều người sẽ không bị tàn phế hay trở thành... người thiên cổ.
1. Theo Sách đỏ Việt Nam, rắn lục gồm có nhiều chi loài như rắn lục đầu vồ, rắn lục Mã Lai, rắn lục môi trắng, rắn lục mũi hếch, rắn lục núi, rắn lục tre và rắn lục xanh.
Trong số các loài rắn lục kể trên, rắn lục đầu vồ với đầu tam giác, đuôi đỏ, dài có khi hơn 1m là loài độc nhất, thường hoạt động cả đêm lẫn ngày, nhưng phần nhiều về đêm, nằm treo hoặc quấn quanh trên cây bên bờ suối, có khi trên hòn đá ven suối.
Theo nhận định của các chuyên gia sinh học, vì sở hữu cái đầu hình tam giác nên rắn lục đuôi đỏ còn được gọi là rắn "đầu dồ", hay "lục đầu dồ đuôi đỏ".
Ít ai biết được lục đuôi đỏ là loài rắn duy nhất trên thế giới đẻ con và sau khi sinh con, con mẹ sẽ "giã từ cuộc sống". Ông Hoàng Bé, chủ một vựa rắn ở Phụng Hiệp (Hậu Giang) nay đổi nghề buôn chuột, sau khi cho biết từng nhiều lần chứng kiến rắn lục mẹ chết sau khi sinh con đã nhận định, chính đặc tính "cái chết bắt đầu cho sự sống" của lục đầu dồ đuôi đỏ đã giải thích cho căn nguyên "độc chết người" của chúng.
Theo ông Hoàng Bé, do cấu hình "nhỏ con", ít thịt, thịt lại không ngon nên rắn lục đầu dồ đuôi đỏ không phải là đối tượng săn bắt chính của dân săn rắn.
Tại các tỉnh miền Tây, con mồi mà cánh thợ săn rắn nhắm đến là các loài được bợm nhậu khoái và bán được tiền như rắn hổ ngựa, hổ hành, hổ đất và hổ mang chúa…
“Các chủ vựa không kết rắn lục lắm nên giá bán loài này chẳng được bao nhiêu. Người ta chỉ thu vào với giá từ 10.000 đồng đến vài mươi ngàn đồng một con nên thợ săn không khoái. Đi săn nếu gặp thì bắt thôi, chứ không có chủ đích" - ông Bé giải thích.
Dân săn rắn ở huyện Tri Tôn (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp) mà người viết từng có dịp theo chân cho biết, rằng lục đầu dồ đuôi đỏ là loài mắn đẻ, rắn con chỉ sau vài ba tháng đã trưởng thành.
Với đặc tính lớn nhanh đẻ dữ, lại không bị con người nhòm ngó, nên chúng mặc sức sinh sôi: "Thiên địch của lục đầu dồ đuôi đỏ là các loài rắn hổ lớn con như rắn hổ mây (rắn hổ chúa), rắn hổ vọ, rắn cạp nia, rắn hổ đất…
Ngoài ra còn có các loài chim chuyên ăn rắn và thú nhỏ như bìm bịp, ưng, cắt. Nhiều năm qua, các loài này bị săn lùng gần như sạch sẽ. Nhờ các loài rắn lớn hơn bị tận diệt nên quân số của lục đuôi đỏ tha hồ gia tăng.
Đến mùa mưa lũ, khi ruộng đồng bị ngập nước, chúng tìm nơi trú ẩn thường là trong vườn nhà người dân, những nơi có lùm bụi, nơi có hơi ấm (khu vực bếp và phòng ngủ). Đây chính là lý do vì sao các vụ rắn lục tấn công người thường rộ lên vào mùa mưa lũ" - Sáu Thà, thợ săn rắn ở huyện Thới Bình (Cà Mau), giải thích.
Trong “Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc”, Tiến sĩ sinh học Võ Văn Chi cho biết, lục đầu vồ là loài rất thường gặp, phạm vi phân bố rộng ở miền Trung và miền Bắc, thích ứng và sinh hoạt ở nhiều vùng sinh cảnh khác nhau, ở trên cây trong miền rừng núi và cả trong các bụi rậm, hoặc những mảnh đất bỏ hoang, cả trong lùm cỏ và trong rừng trúc. Cũng theo tiến sĩ Võ Văn Chi, lục đuôi đỏ là loài rắn độc, có thể cắn chết người.
2. Ai cũng biết một người chẳng may bị rắn độc và rắn lục đuôi đỏ cắn nếu không được đưa đến bệnh viện kịp thời, nhẹ thì vết thương bị hoại tử phải tháo khớp, nặng thì tử vong.
Theo các lương y giàu kinh nghiệm trong việc hóa giải nọc rắn độc, dựa vào vết cắn, có thể nhận biết rắn độc hay rắn lành: "Vết thương do rắn độc cắn thường có 2 dấu răng, rắn lành cắn không để lại dấu răng hoặc có nhiều dấu răng.
Tại vết cắn của rắn độc, thường xuất hiện vết tím bầm, rỉ dịch lẫn máu, có khi sưng phù nề, đau dữ dội quanh vết cắn và dẫn đến hoại tử mô. Người bị rắn hổ cắn sẽ có hiện tượng co giật, khó thở và liệt cơ hô hấp dẫn đến tử vong...
Người bị rắn lục đuôi đỏ cắn, vùng da nơi vết thương bầm tím, đau nhức tăng dần và rỉ chảy máu. Sau đó nạn nhân có hiện tượng xuất huyết rải rác nhiều nơi trên cơ thể và cuối cùng tử vong do tim ngưng thở".
Tài liệu “Hướng dẫn tự chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền” còn đề cập đến phương cách hóa chữa rắn độc cắn bằng trái đu đủ. Điều này được ông Bùi Văn Cứ, thành viên Hiệp hội Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm Việt Nam, chia sẻ cho người viết cách đây không lâu.
Theo ông Cứ, nếu như lá đu đủ dùng chữa một số chứng bệnh nan y (sẽ đề cập ở bài viết khác) thì trái đu đủ là khắc tinh hữu hiệu với nọc độc mãng xà. Đu đủ được sử dụng phải là đu đủ trái còn xanh, khi dùng lấy dao inox cắt rạch cho trái tươm mủ, thoa mủ ấy lên vùng da có vết rắn cắn rồi dùng cả trái đu đủ giã nát hòa với nước vắt uống.
Bài thuốc này ông Cứ đã chỉ cho nhiều người sử dụng có hiệu quả và sau này, qua đối chiếu với nhiều tài liệu đông y được biên soạn bởi cố GS-TS Đỗ Tất Lợi, Trường đại học Y dược TP HCM, người viết thấy rằng kinh nghiệm trên của ông Cứ là chuẩn xác.
3. Không dừng lại ở các phương cách hóa giải nọc độc ban đầu kia, ngành y học cổ truyền còn có nhiều biện pháp khác hạn chế tác hại của rắn dữ phòng trường hợp nạn nhân ở cách xa trung tâm y tế.
Rau bồ ngót với tên gọi cổ là "hắc diện thần" không chỉ là thực phẩm quen thuộc mà còn là vị thuốc nhiều tác dụng, lá tươi trị sót nhau, lở miệng lưỡi, ban sởi, viêm phổi, bí tiểu, huyết áp và trị rắn cắn với liều dùng thường ngày 40-200gr, lá tươi giã nát, vắt lấy nước uống.
Trong “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, cố GS-TS Đỗ Tất Lợi thống kê có đến 28 vị thuốc dùng chữa "rắn, rết và cá độc cắn", trong đó có nhiều vị quen thuộc như chè vằng (dễ nhầm với cây lá ngón là cây có độc, bộ phận dùng chữa rắn cắn là lá), chó đẻ răng cưa (20-40gr cây tươi, dùng dưới dạng sao khô sắc đặc uống), dây cam thảo, đu đủ (đã đề cập ở trên - PV), húng chanh (lấy lá giã đắp lên vết thương, liều 10-16gr/ngày), hy thiêm (còn gọi cỏ cứt lợn, lá giã đắp), phèn chua (phèn chua, cam thảo, hai vị bằng nhau tán nhỏ, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần uống 3-6g), sắn dây (còn gọi cát căn hay củ sắn dây, lá tươi vắt lấy nước uống, bã đắp lên vết thương), xạ can (còn gọi rẻ quạt, nhai lá tươi nuốt lấy nước, bã đắp lên vết thương)...
Lương y Cao Thị Thanh Mai (Hội Đông y huyện Linh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) còn có kinh nghiệm dùng lá lốt chữa rắn cắn. Theo lương y Mai, lá lốt Đông y gọi là Tất Bát, được dùng trị thấp khớp, tiêu hóa kém, tiêu chảy, đau răng, tê bại viêm mũi, phù, thấp khớp và đau xương...
Bộ phận dùng của lá lốt gồm cả cây, nếu có hoa thì càng tốt. Nhai lá lốt tươi ngậm với nước còn trị đau răng. Ngoài ra như đã nói, lá lốt còn được dùng trị ngộ độc do nấm hay rắn cắn với liều 20-30gr sắc uống.
Như đã nói, những vị thuốc, bài thuốc chữa cho người bị rắn cắn trên được các tài liệu y văn ngành y học cổ truyền ghi chép hẳn hoi. Dù rằng y học ngày nay đã tiến bộ vượt bậc nhưng những vị thuốc được đúc kết từ những kinh nghiệm dân gian quý báu trên đến nay vẫn hữu ích với đời sống con người, nhất là đối với người dân bị rắn cắn ở vùng sâu vùng xa nơi cách xa trạm xá, bệnh viện.
Lẽ dĩ nhiên, sau khi áp dụng các biện pháp dân gian ban đầu này, người bị rắn cắn cần được đưa đến cơ sở y tế nhanh nhất, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà hay tại tư gia của các thầy lang vườn nhằm tránh các biến chứng, tác hại về sau!.