Nạn nhân vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo đối diện với nợ nần và không chốn dung thân

46 hộ gia đình là nạn nhân vụ sập nhà cổ 107 Trần Hưng Đạo có nguy cơ không chốn dung thân khi Sở Xây dựng đòi nhà tạm cư.

Nạn nhân vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo đối diện với nợ nần và không chốn dung thân

Đến 22/9/2016 là tròn 1 năm sự cố sập biệt thự cổ ở 107 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau tai nạn, 46 hộ dân sống bên cạnh biệt thự bị sập đã được sơ tán về khu đô thị Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Từ đó đến nay, 46 hộ dân không nhận được bất kỳ một thông tin gì từ phía cơ quan chủ quản là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ai sẽ trả tiền nhà ở tạm cư? Bao giờ được trở về nơi ở cũ?...

Cho đến khi mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội có công văn gửi UBND Thành phố về việc hỗ trợ tạm cư thì 46 hộ gia đình thêm hoang mang lo lắng.

Công văn của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết giá thuê nhà áp dụng tương đương giá thuê cho các hộ gia đình tạm cư thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ với giá thuê nhà là 67.000 đồng/m2.

Cũng theo công văn này thì Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm liên hệ với Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội để thực hiện việc ký hợp đồng thuê nhà và thu tiền thuê nhà của các hộ gia đình theo quy định. Thời hạn thuê nhà kết thúc sau khi phía Đường sắt Việt Nam thực hiện xong việc kiểm định, đánh giá chất lượng. Sau thời gian trên, các hộ dân muốn tiếp tục thuê nhà thì phải ký thuê nhà theo quy định còn không phải bàn giao lại.

Nan nhan vu sap nha 107 Tran Hung Dao doi dien voi no nan va khong chon dung than - Anh 1

Nạn nhân vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo có nguy cơ không chốn dung thân vì không có tiền thuê nhà. Ảnh: H.Phương

Theo kết quả kiểm định cụm công trình là nhà ở của các hộ dân cư đã ở tiệm cận mức độ D ( khả năng chịu lực của kết cấu không đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết không thể đưa các hộ dân trở về nơi ở cũ. Các hộ dân rất bức xúc là việc kiểm định nhà ở 107 Trần Hưng Đạo lúc nào mà không thông báo cho họ.

Ông Nguyễn Đình Hải, nạn nhân vụ sập nhà nói: “Trước lúc rời khỏi nhà theo chỉ đạo của Thành phố, nhà chúng tôi còn khóa cửa. Bây giờ, họ thông báo đã kiểm định. Làm sao biết thực chất bên trong ngôi nhà khi chúng tôi vẫn cầm chìa khóa đây.”

Về vấn đề tiền thuê nhà ở tạm ai trả. Trước đây, đã có một cuộc họp giữa các bên liên quan kết luận nạn nhân vụ sập nhà hầu hết là cán bộ công nhân viên chức thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã về hưu và đều có hoàn cảnh rất khó khăn, không có hoàn cảnh chi trả tiền thuê nhà tạm cư. Thành phố đã giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam dùng mọi biện pháp hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ gia đình.

Chiều 13/9, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trần Nghĩa, Phó Chánh văn phòng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Vẫn chưa thể trả lời được về vấn đề hỗ trợ tiền thuê nhà. Bây giờ vẫn chưa rõ ràng bên nào phải trả. Bên Đường sắt Việt Nam đã gửi văn bản rất nhiều xin Thành phố miễn toàn bộ tiền cho các hộ dân”. Ông Nghĩa cũng cho biết, nếu được Thành phố chấp thuận thì cũng chỉ được giảm một phần chứ không được miễn toàn bộ.

Như vậy, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, chủ trương xin thành phố giảm tiền thuê nhà chứ không chưa có động thái gì hỗ trợ cán bộ công nhân viên của mình. Kiểm định nhà ở đã có kết luận, nhiều hộ gia đình chưa biết sống ở đâu khi không có điều kiện bỏ ra từ 6 đến 8 triệu đồng để tiếp tục thuê nhà.

Theo GĐ&XH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.