Các chuyên gia nhìn nhận không có gì bí mật rằng sau khi kết thúc kỷ nguyên chủ nghĩa thực dân ở Châu Phi, Lục địa Đen đã trở thành “vùng đất không người” (ám chỉ việc thiếu vắng các nhà đầu tư lớn), tài nguyên thiên nhiên phần lớn “không có chủ sở hữu”.
Nga, với tư cách là người kế thừa hợp pháp của Liên Xô, quốc gia tích cực ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc trước đây ở Lục địa đen, tiếp tục theo đuổi lợi ích nhà nước của mình ở đó.
Trung Quốc đầu tư mạnh vào châu Phi
Với ảnh hưởng vốn có từ thời Liên Xô, việc Moscow tiếp cận được nguồn nguyên liệu thô của châu Phi ở mức độ này hay mức độ khác là điều khá tự nhiên, nhưng trong thời gian trước đây, Nga có lẽ đã bị đối thủ cạnh tranh đang phát triển năng động là Trung Quốc vượt qua.
Trong năm 2003-2021, Trung Quốc đã đầu tư 51 tỷ USD vào các quốc gia châu Phi (1,6% tổng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài), còn Nga chỉ vẻn vẹn 1,7 tỷ USD (0,5%). Trong đó, Zambia, Zimbabwe, Kenya và Eritrea, 1/5 vốn nước ngoài được họ sử dụng trong nền kinh tế là từ Trung Quốc.
Mục tiêu của Bắc Kinh là trở thành nhà đầu tư hạ tầng cơ sở lớn nhất, đồng thời cũng là nhân tố chi phối trong cơ cấu công nghiệp (ở mức độ thấp hơn là nông nghiệp) của Châu Phi. Về cơ bản, nó kích thích ngành xây dựng và công nghiệp khai thác mỏ và trong chừng mực nào đó là công nghiệp chế biến.
Do đó, Bắc Kinh đã tập trung vào việc tiếp cận các khoáng sản quý hiếm, điều này cho thấy mong muốn bền bỉ lâu dài của chính quyền nước này và cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc là được hưởng lợi từ cơ sở tài nguyên phong phú của lục địa và trong tương lai sẽ cung cấp một cơ chế khép kín, chu trình tích hợp theo chiều dọc cho nhu cầu của ngành riêng của mình.
Người Trung Quốc hiểu rất rõ, ai sở hữu tài nguyên hôm nay sẽ thống trị thế giới vào ngày mai. Nói cách khác, những người nắm giữ các nguồn tài nguyên này, theo điều kiện riêng của họ, sẽ có thể áp đặt quyết định lên tất cả những người tham gia khác trong các quy trình chính sách công nghệ toàn cầu.
Hiện nay, Nam Phi và Cộng hoà dân chủ Congo là những đối tượng tài trợ chính của Trung Quốc (lần lượt là 12% và 10% khoản đầu tư vào châu Phi của Bắc Kinh) chủ yếu là lithium và uranium.
Những yếu tố này quyết định tương lai của năng lượng và tất cả các ngành công nghiệp.
Trung Quốc tập trung vào Lithium
Doanh nghiệp Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến lithium, một trong những thành phần chính của năng lượng xanh.
Trong vài năm qua, giới doanh nghiệp nước này đã đầu tư 4,5 tỷ USD vào các doanh nghiệp sản xuất lithium, thực hiện các dự án khai thác và chế xuất ở Zimbabwe, Mali và Namibia.
Bắc Kinh đã đặt ra cho mình một mục tiêu đầy tham vọng là đạt được quyền kiểm soát một phần ba thị trường lithium toàn cầu vào năm 2025.
Kết hợp với việc sản xuất các kim loại màu khác (China Molybdenum, Zijin Mining Group Ltd, v.v. đang tham gia sản xuất 30% đồng và 50% coban ở Châu Phi), điều này cho phép Trung Quốc để tác động đến chuỗi cung ứng kim loại quý hiếm xuyên quốc gia.
Mặc dù các doanh nghiệp Đại Lục sở hữu khoảng 7% tổng doanh số bán khoáng sản được khai thác ở Châu Phi nhưng ảnh hưởng của nó trong các lĩnh vực chiến lược nói trên là rất lớn.
Công bằng mà nói, sự đầu tư của Trung Quốc cũng mang lại những lợi ích nhất định cho các nước châu Phi như tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và nộp thuế cho kho bạc địa phương, đây là điều kiện tiên quyết gián tiếp cho sự phát triển bền vững của các nước Lục địa Đen.
Tuy nhiên, xét từ góc độ xung đột lợi ích, việc gia tăng sự phụ thuộc vào đầu tư bên ngoài có thể dẫn đến một kịch bản trong đó các chính sách của chính phủ một số quốc gia châu Phi (và do đó tác động tới tình hình khu vực) sẽ được định hình bởi ý chí của chính quyền Bắc Kinh.
Trong khi đó, các tiêu chuẩn môi trường cũng như vấn đề an toàn công nghiệp tại các doanh nghiệp liên quan đến Trung Quốc thường bị bỏ qua.
Về phía Nga, mặc dù giá trị đầu tư không lớn nhưng Moscow thực hiện chính sách đầu tư khôn ngoan, có chọn lọc thế mạnh và mang tính chi phối đến nền kinh tế các nước Lục địa Đen, nhằm đạt hiệu quả tối ưu với chi phí tối thiểu.
Về chính sách đầu tư của Nga vào châu Phi để cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.