Nam sinh xứ Thanh vào Chung kết Olympia nhờ chiến thuật hợp lý

GD&TĐ - Với chiến thuật thi đấu đúng đắn, Lê Xuân Mạnh đã xuất sắc mang cầu truyền hình trực tiếp Olympia về với Thanh Hóa sau 13 năm chờ đợi.

Lê Xuân Mạnh, Trường THPT Hàm Rồng (Thanh Hóa). Ảnh: Lường Toán.
Lê Xuân Mạnh, Trường THPT Hàm Rồng (Thanh Hóa). Ảnh: Lường Toán.

Chiến thuật đúng đắn

Một ngày sau chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2023 phát sóng, Lê Xuân Mạnh - người giành chiến thắng trong trận đấu quý III, chính thức giành vé vào chơi Chung kết năm. Người thân, thầy cô và bạn bè cùng bà con chòm xóm biết tin, đã gọi điện hoặc đến nhà chung vui cùng cậu học trò.

Mạnh là học sinh lớp 11A1, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa). Sau gần 13 năm, Thanh Hóa lại mới có học sinh góp mặt trong trận Chung kết Olympia, và là lần đầu tiên Trường THPT Hàm Rồng có học sinh tham dự sân chơi tri thức này.

“Đến giờ phút này, em vẫn chưa tin rằng mình có thể đem cầu truyền hình trực tiếp Olympia về với Thanh Hóa”, Mạnh hồ hởi chia sẻ. Cậu học trò xứ Thanh có dáng người cao ráo, khuôn mặt toát lên vẻ thông minh, cử chỉ nhanh nhẹn.

Mạnh kể, từ năm học lớp 10, cậu mới có ý định đăng ký dự thi Olympia sau khi thử sức tại sân chơi “Âm vang xứ Thanh”. 3 tháng hồi hộp đợi phản hồi từ ban tổ chức, Mạnh vỡ òa cảm xúc vì nhận được thông báo dự cuộc thi tuần.

Do vướng lịch học ở trường nên Mạnh chỉ tranh thủ ôn luyện vào buổi tối. Ngoài siêng đọc sách giáo khoa, nam sinh xứ Thanh dành thời gian lên mạng để mở rộng vốn kiến thức. “Em cũng thường tranh thủ giải lao giữa giờ đọc thêm sách và tài liệu. Đồng thời, nghe thêm các chương trình thời sự để cập nhật những thông tin mới”, cậu nói.

Ở trận đấu tuần, Mạnh không gặp quá nhiều khó khăn, một phần vì bạn đã chủ động ôn luyện từ trước. Sự tự tin và bình tĩnh giúp cậu học trò giải được ô chữ ở phần thi Vượt chướng ngại vật và cứ thể băng băng về đích, với số điểm kỷ lục 345 điểm.

Lê Xuân Mạnh cùng cô giáo hướng dẫn Trần Thị Xuân. Ảnh: Lường Toán.

Lê Xuân Mạnh cùng cô giáo hướng dẫn Trần Thị Xuân. Ảnh: Lường Toán.

Bước vào cuộc thi tháng, Lê Xuân Mạnh tiếp tục sử dụng chiến thuật thi đấu chắc chắn, dồn sức “đánh gục” đối thủ ở ngay 2 phần thi đầu. Mặc dù, thời gian ghi hình trận đấu tháng khá gấp rút, song nhờ chiến thuật đúng đắn đã giúp nam sinh xứ Thanh đánh bại đối thủ. Chỉ sau 2 phần thi đầu, Mạnh đã giành được 115 điểm.

“Với tâm lý thoải mái nên ở 2 phần thi Tăng tốc và Về đích em không gặp nhiều khó khăn, giành chiến thắng với 265 điểm, bỏ xa người về Nhì hơn 100 điểm. Chiến thắng ở trận đấu tháng giúp em vững vàng về tâm lý cho trận đấu quý III, với sự góp mặt của nhiều đối thủ đáng gờm”, Mạnh chia sẻ.

Bùng nổ cảm xúc

Trận đấu quý III với cậu học trò Lê Xuân Mạnh được xem là hồi hộp và gay cấn nhất, kể từ khi nam sinh tham dự sân chơi này. Bởi, trong trận này, Mạnh trải qua đầy đủ những cung bậc cảm xúc, từ hồi hộp, lo lắng cho đến bùng nổ cảm xúc ở những phút chót.

Bước vào trận đấu quý, Mạnh có phần thi Khởi động khá thành công khi giành 70 điểm, tạm dẫn đầu so với các đối thủ. Tuy nhiên, nam sinh sau đó đánh mất lợi thế khi để đối thủ vượt lên ở phần thi Vượt chướng ngại vật và tiếp tục mất điểm ở 2 câu đầu phần thi Tăng tốc.

“Ở 2 câu hỏi cuối của phần thi này, em đã bình tĩnh lại và trả lời đúng. Lúc này, em đang hơn người đứng vị trí thứ 2 chỉ vỏn vẹn 10 điểm. Việc bước vào phần thi Về đích đầu tiên khiến em khá áp lực vì khoảng cách điểm số gần như là sát nút. Nếu không hoàn thành tốt phần thi của mình, rất có thể em sẽ đánh mất vị trí dẫn đầu”, Mạnh bộc bạch.

Mạnh chọn cách chơi an toàn ở phần thi Về đích với 3 câu hỏi trị giá 20 điểm. Kết thúc phần thi này, Mạnh giành được 160 điểm nhờ trả lời đúng một câu và không bị mất điểm ở 2 câu trả lời sai do không có thí sinh nào bấm chuông trả lời.

Nam sinh Trường THPT Hàm Rồng tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu khi giành thêm được 20 điểm từ gói Về đích của thí sinh Trọng Tín. Tuy nhiên, lại mất 15 điểm khi trả lời sai một câu trong gói câu hỏi của Minh Triết.

Lúc này, điểm số của Xuân Mạnh là 175 điểm, hơn người đứng thứ Nhì 20 điểm và người đứng thứ 3 là 30 điểm. Cả ba đều có cơ hội vào chung kết nếu giành điểm từ câu hỏi tiếng Anh cuối cùng, trị giá 30 điểm của Minh Triết.

Xuân Mạnh cùng cô giáo hướng dẫn (bìa trái) và người thân tại trường quay của VTV.

Xuân Mạnh cùng cô giáo hướng dẫn (bìa trái) và người thân tại trường quay của VTV.

Tuy nhiên, Xuân Mạnh là người có lợi thế nhất, bởi nếu trả lời sai em vẫn có cơ hội mang cầu truyền hình trực tiếp về Thanh Hóa vì chỉ bị trừ 5 điểm và vẫn dẫn đầu. Do đó, Mạnh sẽ giành chiến thắng chung cuộc khi không để hai đối thủ còn lại bấm chuông trả lời.

Mạnh nhớ, khoảnh khắc em bấm chuông trả lời, các thầy cô và cổ động viên như vỡ òa. “Trước đó, em đã cố kìm nén cảm xúc của mình cho đến lúc trả lời câu hỏi quyết định. Sau khoảnh khắc ấy, em đã ngồi thụp xuống và bật khóc”, Mạnh xúc động nói.

Với việc giành chiến thắng ở trận đấu quý III, Xuân Mạnh chính thức mang cầu truyền hình trực tiếp Olympia về với Thanh Hóa sau 13 năm chờ đợi. Mạnh cho biết, hiện tại cậu đang tích cực ôn luyện để bổ sung thêm kiến thức, sẵn sàng cho trận đấu chung kết, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.

“Mục tiêu lớn nhất của em là giành quán quân cuộc thi Olympia. Em luôn nghĩ rằng, không quan trọng mình xuất phát ở đâu mà quan trọng là mình đã cố gắng như thế nào”, Mạnh chia sẻ.

Đối thủ của Xuân Mạnh trong trận chung kết là Nguyễn Việt Thành, Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội), và Nguyễn Minh Triết, Trường THPT chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên Huế). Mạnh cho biết, cậu đã xem cách chơi của 2 đối thủ tại các vòng thi trước, đồng thời học hỏi thêm phong cách chơi của quán quân mùa trước.

“Chiến thuật của em ở các vòng thi trước dù khá hợp lý nhưng vẫn bộc lộ một số sơ hở. Vì vậy, em dự tính sẽ điều chỉnh một chút về chiến thuật, tạo sự bứt phá cho mình ở vòng chung kết”, cậu học trò chia sẻ thêm.

Cô Trần Thị Xuân, giáo viên hướng dẫn, Trường THPT Hàm Rồng không giấu nổi niềm vui, sự tự hào về cậu học trò. Theo nữ giáo viên, Mạnh là một học sinh hội tụ nhiều tố chất. Thầy cô và các anh chị khóa trước chỉ hỗ trợ nam sinh về ôn tập và chiến thuật thi đấu.

“Ngoài kiến thức nền, em thường xuyên cập nhật những thông tin thời sự trên các phương tiện truyền thông. Em cũng năng nổ tham gia các cuộc thi về tri thức cấp trường và giao lưu với trường bạn để tạo tâm lý thi đấu vững vàng. Đây cũng là mấu chốt giúp em giành chiến thắng trong các vòng thi vừa qua”, chị Xuân chia sẻ.

Nữ giáo viên cũng cho biết, dù đây là lần đầu nhà trường có học sinh tham gia cuộc thi Olympia song đã có truyền thống ở các sân chơi trí thức trong tỉnh. Có thể nói, Mạnh đã viết tiếp ước mơ của các anh chị khóa trước với lòng quyết tâm giành quán quân tại Chung kết Olympia năm 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.