Nam sinh Đường lên đỉnh Olympia bật mí cách làm bài thi TN

GD&TĐ - Theo Phạm Quốc Trung, thí sinh cần chuẩn bị tâm lý vững vàng và biết phân bổ thời gian khi làm bài thi để 'vượt vũ môn'.

Phạm Quốc Trung, thí sinh Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18. Ảnh: NVCC.
Phạm Quốc Trung, thí sinh Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18. Ảnh: NVCC.

Theo Phạm Quốc Trung, chàng trai từng lọt vào vòng thi Tháng của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 18 năm 2018, thí sinh cần chuẩn bị tâm lý vững vàng và biết phân bổ thời gian khi làm bài thi để “vượt vũ môn”.

Cân đối thời gian hợp lý

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019, Trung đạt tổng điểm khối A1 là 27,6 điểm (Toán 9,2 điểm; Tiếng Anh 9,4 điểm; Vật Lý 8,75 điểm). Với kết quả này, Trung đã trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân, Hà Nội.

Chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi tốt nghiệp, Trung cho rằng, khi bước vào phòng thi, sĩ tử cần đánh giá tổng quan về đề thi. Thí sinh cần biết được mình có thể đạt đến mức độ nào, nên xử lý phần nào ngay và phần nào cần có thời gian suy ngẫm, giải quyết để phân bố thời gian làm bài phù hợp.

“Đối với môn Toán, mình dành 20 phút đầu làm thật chắc các câu nhận biết và thông hiểu. 30 phút sau là thời gian cho những câu vận dụng, 30 phút tiếp theo mình làm các câu vận dụng cao và rà soát lại bài thi trong 10 phút cuối.

Đối với môn Tiếng Anh, các bạn cần có vốn từ vựng tốt. Đặc biệt với kỹ năng đọc hiểu, thí sinh cần vận dụng tốt kỹ năng đọc lướt, nắm được bố cục và các ý chính của bài đọc để xác định câu trả lời cho các câu hỏi.

Ở môn Vật lý, sau khi kết thúc thời gian thi, mình cố gắng ghi nhớ dữ kiện, đáp án của câu hỏi khó và tiếp tục xử lý trong phần môn thi tiếp theo của bài tổ hợp để có thêm điểm số”, Trung bộc bạch.

Điều quan trọng Trung muốn nhắn nhủ đến các bạn sĩ tử là không nên để bản thân rơi vào thế bị động khi vào phòng thi. Sĩ tử cần chọn cho mình một điểm rơi phong độ phù hợp để khi vào phòng thi có sự chuẩn bị tốt nhất và không bị ngợp trước mọi tình huống.

Trung hiểu rằng, các bạn đã tập trung thời gian cho việc ôn thi suốt thời gian qua, thậm chí ôn đêm. Tuy nhiên, Trung cho rằng trước kỳ thi, sĩ tử cần điều chỉnh đồng hồ sinh học của mình, cố gắng rèn luyện và trải nghiệm cảm giác thi thật.

Giữ tâm lý tốt cho Kỳ thi

Phạm Quốc Trung trong chuyến đi tình nguyện tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ảnh: NVCC.
Phạm Quốc Trung trong chuyến đi tình nguyện tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ảnh: NVCC.

Trung chia sẻ, thời điểm này, sĩ tử đã ôn luyện và củng cố lượng kiến thức vững chắc. Nam sinh lưu ý, đối với hình thức thi trắc nghiệm, mọi câu hỏi đều có giá trị ngang nhau và những kiến thức lý thuyết cơ bản, nền tảng rất quan trọng. Do đó, các bạn cần có chiến lược tiếp thu kiến thức phù hợp để tận dụng tối đa phần mình có thể đạt điểm, không quá coi nhẹ lý thuyết mà tập trung nhiều vào phần vận dụng và vận dụng cao.

Theo Trung, trước kỳ thi, thí sinh không nhất thiết phải đào quá sâu vào các nội dung kiến thức mà bản thân chưa thực sự nắm chắc. Thay vào đó, các bạn hãy cố gắng củng cố kiến thức đã có để tự tin “vượt vũ môn”.

Để đạt được kết quả tốt nhất, Trung đã chủ động ôn luyện và rèn kỹ năng làm bài cũng như tâm lý. Thông qua quá trình ôn luyện, Trung tự nắm bắt được năng lực của mình đang ở đâu. Nam sinh không quá tự tin về khả năng của bản thân nhưng cũng không quá tự ti để ảnh hưởng đến kết quả.

Trung nói thêm, khoảng 2 ngày trước kỳ thi, sĩ tử cần cố gắng thả lỏng thư giãn, ôn tập nhẹ nhàng và giữ cho mình tâm thế tốt nhất. Bên cạnh đó, thí sinh không cần quá lo lắng hay sợ hãi trước kỳ thi mà nên chia sẻ cảm xúc với gia đình, bạn bè để nhận được những lời động viên, từ đó có thêm động lực đạt được những mục tiêu mình đặt ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.