Nam sinh trường y chiến thắng Covid-19

GD&TĐ - Bị nhiễm Covid-19 khi tham gia hỗ trợ phòng chống dịch, nam sinh trường y đã vận dụng kiến thức được học trong trường, giữ tinh thần lạc quan, nỗ lực chiến thắng dịch bệnh.

Lê Huỳnh Tâm, sinh viên khoa Y học Cổ truyền - Trường ĐH Y Dược TPHCM. Ảnh: NVCC
Lê Huỳnh Tâm, sinh viên khoa Y học Cổ truyền - Trường ĐH Y Dược TPHCM. Ảnh: NVCC

Gặp nhiều khó khăn

Lê Huỳnh Tâm - sinh viên năm cuối,  khoa Y học Cổ truyền- Trường ĐH Y Dược TP.HCM - chia sẻ, bản thân và các bạn gặp nhiều khó khăn trong việc học tập online. Thời gian đầu, Tâm và bạn bè tạm hoãn tất cả lịch thi và đi thực tập lâm sàng, sau đó chuyển sang học và thi online.

Huỳnh Tâm cho biết thêm, trong mùa dịch hầu như sinh viên của các trường ĐH ở lại hoặc bị kẹt ở KTX đều gặp khó khăn. Sinh viên Trường ĐH Y Dược TPHCM  nói riêng cũng bị ảnh hưởng khi thành phố áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Ngoài ra, nhiều bạn sinh viên trường y còn tham gia các đội hình tình nguyện phòng chống Covid-19 nên bị chủ nhà trọ đề nghị chuyển chỗ khác vì lo lây nhiễm dịch bệnh.

Sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Y Dược TPHCM tham gia hỗ trợ xét nghiệm. Ảnh:NVCC
Sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Y Dược TPHCM tham gia hỗ trợ  xét nghiệm. Ảnh:NVCC

Biết được hoàn cảnh của sinh viên, nhà trường cùng các thầy cô luôn động viên các bạn giữ vững tinh thần và niềm tin vào công tác phòng chống dịch của thành phố.

Trường còn tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, trao quà cho sinh viên khó khăn hoặc trong các khu phong toả, ký túc xá. Mô hình gian hàng 0 đồng đã hỗ trợ khá nhiều cho sinh viên.

Lê Huỳnh Tâm bị nhiễm Covid-19 khi tham gia lẫy mẫu. Ảnh: NVCC
Lê Huỳnh Tâm bị nhiễm Covid-19 khi tham gia lẫy mẫu. Ảnh: NVCC

Nỗ lực chiến thắng dịch bệnh

Khi thấy TPHCM bùng dịch ngày càng căng thẳng, Tâm và các bạn đã đăng ký làm tình nguyện viên để góp một phần công sức vào công cuộc phòng chống dịch.

Khi làm nhiệm vụ, không may Tâm đã nhiễm Covid-19. Lúc đầu, Tâm vô cùng lo lắng cho bản thân và các bạn trong nhóm. Nỗi lo càng lớn hơn khi Tâm là sinh viên năm cuối và chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp...

Trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Củ Chi, nhờ có kiến thức về y nên Tâm luôn bình tĩnh và lạc quan. Ngoài ra, thầy cô và các anh chị bên Đoàn trường, bác sĩ điều trị đã luôn động viên, hỗ trợ, cung cấp những vật dụng thiết yếu như thực phẩm, tài liệu học tập, laptop... 

Chia sẻ về bí quyết để chiến thắng dịch bệnh, Lê Huỳnh Tâm cho hay, có 2 thứ quan trọng nhất là sức khoẻ thể chất và tinh thần.

"Em luôn cố gắng tập các bài thể dục ở nhà. Với ưu thế theo học Y học Cổ truyền nên em đã được học và tập các bài tập dưỡng sinh giúp nâng cao sức khoẻ. Ngoài ra, chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ cũng rất quan trọng nhằm duy trì thể chất thật tốt, giúp phòng ngừa bệnh tật", Tâm cho biết.

Thầy cô và bạn bè luôn hỗ trợ, động viên giúp các sinh viên có thêm động lực để vượt qua khó khăn và chiến thắng dịch bệnh. (Ảnh: NVCC)
Thầy cô và bạn bè luôn hỗ trợ, động viên giúp các sinh viên có thêm động lực để vượt qua khó khăn và chiến thắng dịch bệnh. (Ảnh: NVCC)

Theo Tâm, người bệnh nên giữ tinh thần ở trạng thái tốt nhất, cập nhật  kiến thức khoa học chính xác và hạn chế đọc các tin tiêu cực. "Ngoài ra,  mình phải có niềm tin là “không bị bỏ lại phía sau”, vẫn có rất nhiều người luôn bên cạnh và sẵn sàng giúp đỡ", Tâm chia sẻ.

"Bản thân em nghĩ mình đã rất may mắn khi được tất cả thầy cô, anh chị y bác sĩ, bạn bè quan tâm và động viên, giúp tinh thần em lạc quan và có niềm tin mình sẽ hồi phục. Em nghĩ tinh thần là quan trọng nhất. Em mong mọi người giữ vững tinh thần và niềm tin là chúng ta sẽ thắng đại dịch lần này", Tâm khẳng định.

Tâm cho biết, hiện nay sức khỏe em đã hồi phục. 1-2 tuần nữa em sẽ quay lại tham gia cùng các bạn. Tâm dự định tham gia chăm sóc và theo dõi các bệnh nhân F0 tại nhà. Vì bản thân em cùng từng là F0 nên cũng hiểu tâm lý và mong muốn của các bệnh nhân F0.

"Khi đăng ký tham gia đội hình tình nguyện viên chống dịch,em nghĩ  đây là trách nhiệm của một sinh viên khối ngành về sức khỏe. Khi cả thành phố gặp đợt dịch lần này, tất cả sinh viên y dược bao gồm ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch … đều đăng ký tham gia với mong muốn góp sức trẻ và trách nhiệm của mình cùng hỗ trợ các anh chị bác sĩ tuyến đấu, để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, trả lại sự sống nhộn nhịp tiếng cười", Lê Huỳnh Tâm cho hay.   

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.