Nam sinh sáng chế “mắt thần” cho người khiếm thị

GD&TĐ - Nhằm chia sẻ những bất tiện, khó khăn của người khiếm thị, một học sinh lớp 12 ở tỉnh Sóc Trăng sáng chế “mắt thần”. Thiết bị này giúp người khiếm thị đi lại dễ dàng hơn, không còn cảnh bị té ngã do vấp vật cản. 

Thiết bị hỗ trợ người khiếm thị được đặt trên mũ bảo hiểm do em Nhâm Khải Hưng chế tạo.
Thiết bị hỗ trợ người khiếm thị được đặt trên mũ bảo hiểm do em Nhâm Khải Hưng chế tạo.

“Mắt thần” dẫn đường người khiếm thị

Thấy người khiếm thị đi lại khó khăn, nhất là các chướng ngại vật có độ cao từ 0,5m trở lên và các chướng ngại vật bất ngờ xuất hiện. Em Nhâm Khải Hưng, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Đoàn Văn Tố, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) quyết định sáng tạo một thiết bị hỗ trợ, giúp người khiếm thị đi lại dễ dàng hơn.

Khải Hưng chia sẻ: Trong cuộc sống, em thường bắt gặp hình ảnh người khiếm thị khi đi lại thường sợ nhất các chướng ngại vật có độ cao từ đầu gối trở lên. Đặc biệt là các chướng ngại vật xuất hiện bất ngờ trên đường đi, nhiều khi gây tai nạn cho họ. Từ đó, em suy nghĩ giải pháp để giúp họ di chuyển dễ dàng hơn.

Xuất phát từ ý tưởng đó, Khải Hưng đã mày mò, tìm tòi và sáng tạo ra công cụ hỗ trợ phát hiện chướng ngại vật giúp cho người khiếm thị. Sản phẩm của em nghiên cứu, thiết kế nhằm hỗ trợ cho người khiếm thị thuận tiện hơn trong cuộc sống hằng ngày.

Tuy nhiên, việc phát hiện các chướng ngại vật từ đầu gối trở xuống đến mặt đường và hiện trạng mặt đường (ẩm ướt, dốc lên, xuống, gập ghềnh...) thì vẫn do cây gậy quen thuộc và cảm nhận qua xúc giác của người khiếm thị. Điều đặc biệt của “mắt thần” do Khải Hưng sáng chế là nhỏ gọn, giúp người khiếm thị nhận biết được chướng ngại vật trước mình thông qua còi báo trên thiết bị.

Theo chia sẻ của Khải Hưng, việc thiết kế, lắp đặt thiết bị này cũng không quá khó. Vỏ sản phẩm được tái sử dụng hộp nhựa đã bỏ đi, cảm biến quét là cảm biến siêu âm được kết nối với bo mạch chính là Ardunino Uno R3. Nguồn điện cung cấp là pin được tận dụng từ sạc dự phòng cũ cùng với pin năng lượng mặt trời có thể nạp lại cho pin nếu người sử dụng thiết bị ngoài trời hoặc nơi có ánh sáng. Sau khi lắp đặt tất cả các linh kiện vào hộp nhựa, sẽ lắp vào mũ bảo hiểm để người khiếm thị có thể dễ dàng sử dụng.

Về cách thức sử dụng, vận hành, sau khi bật công tắt khởi động, sóng siêu âm từ cảm biến được truyền trong không khí. Bộ vi điều khiển, điều khiển bộ phát sóng siêu âm liên tục phát ra một chùm sóng. Khi gặp vật cản, chùm sóng này bị phản xạ lại vào bộ thu.

Căn cứ vào thời gian từ lúc phát sóng đến lúc thu được sóng và vận tốc sóng trong không khí sẽ tính được khoảng cách đến chướng ngại vật. Sau đó vi xử lí sẽ phát tín hiệu ra còi để cảnh báo. Nếu khoảng cách đến vật cản là 1m thì còi sẽ kêu chậm, nếu gần vật cản hơn thì còi sẽ kêu nhanh hơn. Qua đó giúp cho người khiếm thị nhận biết vật đang cách mình xa hay gần…

Nhâm Khải Hưng với sản phẩm sáng tạo của mình.
Nhâm Khải Hưng với sản phẩm sáng tạo của mình. 

Có thể sản xuất đại trà

“Về độ chính xác phát hiện chướng ngại vật đạt được 90% trở lên. Thời gian phát hiện chướng ngại vật gần như tức thời. Thiết bị sẽ phát ra cảnh báo ngay lập tức nếu vật cản nằm trong khoảng quét của cảm biến. Vật liệu dễ tìm, dễ thực hiện chế tạo, tính cơ động cao. Thiết bị giúp người khiếm thị có thể di chuyển dễ dàng hơn ở nơi đông người, trong các không gian hẹp, đặc biệt là trong nhà. Khả năng áp dụng của thiết bị là vật liệu đơn giản, dễ sử dụng, dễ chế tạo, có thể sản xuất đại trà, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều người khiếm thị Việt Nam”, Nhâm Khải Hưng cho biết thêm.

Sản phẩm độc đáo của cậu học trò lớp 12 trường huyện vùng cù lao này được gửi đi tham gia cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” tỉnh Sóc Trăng lần thứ X năm 2021 đã thuyết phục được Ban Giám khảo để đoạt giải Nhì. Theo thầy Nguyễn Minh Vương, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Đoàn Văn Tố: “Em Nhâm Khải Hưng là một học sinh ngoan, hiền, chăm chỉ, học giỏi nhiều năm liền và say mê sáng tạo. Năm lớp 10 em cũng có sản phẩm Robot lau cửa kính nhà cao tầng tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh và đoạt giải Ba”.

Đánh giá về sáng tạo của Khải Hưng, ông Hứa Chu Khem, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng cho biết: Giải pháp của em Nhâm Khải Hưng mang tính mới, sáng tạo khi thiết kế và lắp 1 thiết bị trên nón bảo hộ, hoặc nón bảo hiểm. Giúp người khiếm thị khi di chuyển sẽ nhận được tín hiệu để dừng, tránh chướng ngại trên đường đi. Thiết bị có các cảm ứng và thông tin cảnh báo bằng tiếng kêu riêng.

Thiết bị sử dụng 2 loại nguồn năng lượng nên rất tiện dụng. Giải pháp đã thực hiện được trong thực tế, hiệu quả. Khả năng áp dụng cho nhiều người khiếm thị, ít tốn kém. Sản phẩm đạt được yêu cầu về tính nhân văn, phù hợp trong xã hội văn minh...

Nhâm Khải Hưng cho biết thêm: Em vừa hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký vào Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), chuyên ngành Bác sĩ đa khoa. Em sẽ cố gắng rèn luyện, học tập thật tốt và tiếp tục nuôi dưỡng đam mê sáng tạo để giúp ích cho xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.