Nam sinh người Tày chia sẻ bí quyết đạt 2 điểm 10 thi tốt nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hứa Duy Mạnh học sinh người dân tộc Tày là một trong hai thí sinh của tỉnh Lạng Sơn đạt 2 điểm 10 tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Hứa Duy Mạnh (thứ 5 từ trái sang) học sinh Trường THPT Lộc Bình cùng các bạn. Ảnh NVCC.
Hứa Duy Mạnh (thứ 5 từ trái sang) học sinh Trường THPT Lộc Bình cùng các bạn. Ảnh NVCC.

Cội nguồn của tình yêu môn Lịch sử

Chàng trai Hứa Duy Mạnh, học sinh Trường THPT Lộc Bình (Lạng Sơn) chia sẻ: “Thực sự em đã không quá bất ngờ khi biết mình đạt điểm tuyệt đối hai môn Lịch sử và Giáo dục công dân. Bởi sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT công bố đáp án em đã kiểm tra so sánh với bài làm và biết được hai môn này em đạt điểm 10. Tất cả những bất ngờ đã tập trung lúc đó, hôm nay có kết quả chính thức chỉ để khẳng định lại bài làm”.

Được biết, từ nhỏ Mạnh đã rất hứng thú khi nghe bà kể về các câu chuyện lịch sử; cũng chính những câu chuyện đó giúp Mạnh yêu môn Lịch sử hơn.

Lên THPT được phân ban, Mạnh đã chọn tổ hợp khoa học xã hội để có cơ hội học chuyên sâu nhiều hơn. Đồng thời tăng cường hiểu biết và mong muốn khám phá về môn Lịch sử.

Mạnh tâm sự: “Lịch sử là môn học khó tạo được hứng thú, do vậy em học theo cách mưa dầm thấm lâu. Mỗi ngày, em dành 45 phút đến một tiếng để học môn này. Hôm nào chán, thay vì đọc sách, em sẽ tìm các video, phóng sự nói về các sự kiện lịch sử để nghe.

Bên cạnh đó, trong các video sẽ có phần bình luận hoặc những kiến thức chuyên sâu giúp em hiểu thêm kiến thức mới, lúc này cảm giác được chinh phục, khám phá kiến thức cũng tạo hứng thú hơn với môn học".

Hứa Duy Mạnh, học sinh Trường THPT Lộc Bình trong một buổi tự học ở trường.
Hứa Duy Mạnh, học sinh Trường THPT Lộc Bình trong một buổi tự học ở trường.

Song song với đó, học đến phần kiến thức nào, nam sinh người Tày sẽ dành thời gian tìm các bài tập, dạng đề để luyện. Cũng nhờ vậy mà Mạnh chinh phục môn Lịch sử với tâm lý nhẹ nhàng, không bị áp lực.

Còn đối với Giáo dục công dân, mỗi tiết học, Mạnh luôn cố gắng lắng nghe thầy cô trên lớp. nam sinh này nói: “Đặc thù của môn Giáo dục công dân là nhiều câu hỏi tình huống, do đó quá trình học em thường tìm các tại liệu, tình huống hay kiến thức pháp luật liên quan để rèn luyện”.

Mạnh chia sẻ thêm, trong quá trình học ba năm phổ thông, em và các bạn đã phải học thời gian trực tuyến khá dài, lúc đó tâm lý của ai cũng lo lắng. Tuy nhiên, với bản thân em ngoài cố gắng nghe giảng, tương tác với thầy cô thì em đã chủ động nghiên cứu thêm tài liệu, các video giảng bài của thầy cô trên mạng để học. Những phần nào chưa hiểu em nghe đi nghe lại nhiều lần, nhờ vậy mà đến năm lớp 12, kiến thức của em khá vững.

“Em nghĩ rằng, khi vào bậc THPT, học sinh cần có kế hoạch học tập rõ ràng, mục tiêu cụ thể cho từng môn học để đạt được kết quả mình mong muốn; quá trình học cần đa dạng phương pháp để bản thân cảm thấy hứng thú”, Hứa Duy Mạnh, học sinh Trường THPT Lộc Bình (Lạng Sơn) chia sẻ.

Muốn quảng bá địa danh lịch sử quê hương

Từ tình yêu lịch sử trong các câu chuyện của bà kể, lớn lên chàng trai dân tộc Tày muốn làm việc trong ngành quản trị du lịch lữ hành, Trường ĐH Thăng Long để có thể giới thiệu với du khách đặc biệt là khách quốc tế về những địa danh lịch sử nổi tiếng của đất nước cũng như quê hương mình.

Mạnh nói: “Việt Nam mình không chỉ có nhiều địa điểm du lịch đẹp mà chính những địa danh lịch sử hiện nay cũng đang là điểm đến nổi tiếng với du khách quốc tế. Do đó, em muốn dùng những kiến thức, hiểu biết của mình để giới thiệu cho họ”.

Là người đồng hành, theo dõi quá trình học tập của Hứa Duy Mạnh từ năm lớp 10, thầy Nguyễn Bá Ngọc - giáo viên Trường THPT Lộc Bình chia sẻ: “Mạnh là học sinh hiền lành, hoà đồng, hơi trầm tính. Tuy nhiên quá trình học, nam sinh này có mục tiêu rõ ràng cho bản thân.

Từ lớp 10 đến 12 năm nào cũng đạt kết quả tốp đầu của lớp. Lên lớp 12 tôi khá bất ngờ khi Mạnh chủ động xin lên ngồi bàn đầu để học. Khi có học sinh đạt 2 điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chúng tôi rất tự hào; mong rằng trong những chặng đường tiếp theo, Mạnh sẽ phát huy được khả năng tự học, tự nghiên cứu của mình để gặt hái nhiều thành công hơn nữa”.

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tổ hợp Khoa học xã hội Hứa Duy Mạnh đạt: Ngữ văn 6 điểm; Lịch sử 10 điểm; Địa lí 8,75 điểm và Giáo dục công dân 10 điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.