Nam sinh 21 tuổi mở nhà hàng Nhật trong phòng ký túc xá

Chàng trai Thái Lan biến cuộc sống du học sinh ở Hà Lan trở nên thú vị, mở rộng tương lai trong ngành ẩm thực. 

Nam sinh 21 tuổi mở nhà hàng Nhật trong phòng ký túc xá

Kitsanin Thanyakulsajja (Thái Lan), sinh viên ở Amsterdam, Hà Lan đã trang trải chi phí cho cuộc sống xa nhà bằng cách mở một nhà hàng ngay trong phòng ký túc xá, theo Munchies. 15 món ăn Nhật Bản tinh tế trên thực đơn do Thanyakulsajja phục vụ bao gồm nhiều loại hải sản như tôm, sò nướng và trứng cá hồi muối. 

Kitsanin Thanyakulsajja mở nhà hàng trong phòng ký túc xá, tự quản lý và làm đầu bếp. Ảnh: Munchies

Kitsanin Thanyakulsajja mở nhà hàng trong phòng ký túc xá, tự quản lý và làm đầu bếp.

Cánh cửa căn phòng 984 nơi du học sinh sống và mở nhà hàng treo tấm biển "Ephemeral" viết nguệch ngoạc bằng phấn. Khách muốn đến ăn phải bước qua hành lang dài và tối tăm của khu ký túc xá, không gian phảng phất mùi thuốc lá và tiếng guitar điện.

Nhà hàng hoạt động suốt ba năm cho đến khi Thanyakulsajja tốt nghiệp vào mùa hè vừa rồi. Anh đã nấu vài bữa ăn cuối cùng trước khi tập trung làm luận văn. Khách hàng thường được xếp vào danh sách chờ khi đặt bàn ở nhà hàng của nam sinh.

Ba năm trước, khi mới chuyển đến Amsterdam để học ngành nhân văn, Thanyakulsajja nghĩ cần tìm một công việc bán thời gian liên quan đến ẩm thực. Tuy nhiên, anh cũng ý thức rằng kinh doanh khi chưa có kinh nghiệm rất vất vả và nhiều rủi ro.

Chàng trai 18 tuổi khi đó quyết định tự mình bắt tay làm mọi thứ từ căn phòng ký túc xá. "Tôi lóe ra ý tưởng mở nhà hàng cho riêng mình mà không cần phải chờ đợi. Tôi cũng có thể tự làm đầu bếp. Nhưng tôi phải tạo ra điều gì đó khác biệt", anh nói.

Căn phòng được bày biện theo phong cách nhà hàng Nhật Bản: Ảnh: Munchies

Căn phòng được bày biện theo phong cách nhà hàng Nhật Bản:

Sự mới mẻ mà Thanyakulsajja đề cập chính là bữa ăn omakase truyền thống của Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, omakase được hiểu là văn hóa ăn uống trong đó khách tin tưởng hoàn toàn vào đầu bếp, để đầu bếp tự do phục vụ các món sushi cao cấp. Những bữa ăn này có thể lên đến 20 món tối giản, tất cả đều được chế biến từ nguyên liệu nhập theo mùa.

Thanyakulsajja được truyền cảm hứng từ những bộ phim tài liệu về chủ đề ẩm thực Nhật Bản anh thường xem ngày nhỏ. Anh tự học mọi thứ bằng con mắt phân tích và niềm đam mê ẩm thực. Omakase cũng là kiểu phục vụ giới hạn số lượng người đến ăn, nên anh có thể tự xoay xở.

Khi bắt đầu thử nghiệm, khách hàng của Thanyakulsajja chủ yếu là sinh viên. Mỗi người trả khoảng 15 euro cho bữa ăn bốn món. Dần dần, khách từ khắp nơi biết đến danh tiếng của nhà hàng qua bạn bè, báo chí và dẫn cả gia đình đến ăn. Giá của bữa ăn cũng tăng gấp nhiều lần với chất lượng ngày càng hoàn thiện.

Không gian nhà hàng không có bất kỳ dấu hiệu nào của chiếc giường bừa bộn hay bàn học ngổn ngang. Thay vào đó, bộ bàn ghế và dụng cụ ăn uống theo truyền thống Nhật Bản được bày gọn ghẽ. Căn bếp nhỏ nằm ở lối vào, còn phía sau tấm rèm ở bên hông là chiếc giường đơn nơi đầu bếp nằm ngủ. 

Cá tươi và wasabi. Ảnh: Munchies

Cá tươi và wasabi.

Sau khi đón khách, Thanyakulsajja đứng mài con dao dài, chuẩn bị những bước cơ bản như băm nhỏ một thân wasabi màu xanh đậm. Anh lần lượt phục vụ khách cá ngừ, sò nướng, mực chế biến theo ba cách, trứng cá hồi muối với vỏ chanh bào, cá thu muối với gừng... Đôi khi, đầu bếp sẽ đưa tận tay cho khách và hướng dẫn cách ăn để tận hưởng hương vị trọn vẹn nhất.

Trong thời gian khách ăn, Thanyakulsajja mô tả chi tiết cách chế biến từng món. "Cá ngừ đã được chần trong nước sôi, trải qua quá trình chuẩn bị phức tạp trong hai đến ba ngày và bị khô đi một chút. Món đậu phụ vừng này lấy cảm hứng từ nền ẩm thực Phật giáo", anh nói đầy tự tin.

Khi nhà hàng phát triển, anh thuê thêm hai sinh viên làm phụ bếp, giúp anh sơ chế và làm sạch nguyên liệu. Trong năm cuối đại học, một số nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng của Amsterdam tìm đến nhà hàng Ephemeral để ăn thử, và họ đều đánh giá cao tài năng của Thanyakulsajja. Các đầu bếp đạt sao Michelin (ngôi sao được trao thưởng cho những nhà hàng đạt chất lượng cao) cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với chàng trai 21 tuổi.

Với Thanyakulsajja, trải nghiệm thời sinh viên của anh đáng giá hơn nhiều so với việc chỉ đi học để lấy tấm bằng đại học. Sau khi hoàn thành luận án, anh bắt đầu hợp tác với một số nhà hàng, mong muốn phổ biến rộng rãi phong cách ẩm thực omakase cho người dân Amsterdam.

"Tôi đã có ý tưởng về nhà hàng mà tôi sẽ mở cuối năm 2019", anh nói.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.