Năm nay bão lũ có dồn dập đổ vào miền Trung như 2020?

Năm 2020, trên cả nước đã xảy ra 576 trận thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 264 trận giông lốc, sạt lở, mưa đá bất thường,... Chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định tình hình bão, lũ năm nay ra sao?

Trao đổi với phóng viên Dân trí về dự báo diễn biến bão, lũ năm nay ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Hiện tượng La Nina còn duy trì trong tháng 4-5/2021 với xác suất khoảng 60%, sau đó chuyển dần sang trạng thái trung tính vào nửa cuối năm 2021.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Bão, lũ sẽ không dồn dập đổ vào miền Trung

Theo ông Lâm, trong các tháng chuyển mùa (từ tháng 4-6/2021) đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, mưa đá trên phạm  vi toàn quốc.

"Đây là giai đoạn chuyển mùa ở miền Bắc và miền Nam. Trong tháng 4 vẫn sẽ xuất hiện các đợt không khí lạnh yếu ở miền Bắc. Hiện nay, nhiệt độ ở khu vực phía Bắc đang tăng dần. Do đó, khi có không khí lạnh tràn xuống thường kèm mưa giông, lốc, sét và thậm chí ở Bắc Bộ có thể kèm mưa đá".

Về cụ thể khu vực nào có nguy cơ dễ xảy ra mưa đá, ông Lâm cho biết, đối với miền Bắc là khu vực phía Đông Bắc Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc. Nếu có các đợt không khí lạnh mạnh, mưa đá có thể xuất hiện ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An và cần đặc biệt lưu ý tới cả hiện tượng giông, lốc, sét. 

Đối với khu vực Tây Nguyên, ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, giai đoạn cuối tháng 4 sang đầu tháng 5 bắt đầu xuất hiện gió mùa Tây Nam nên cần đề phòng thời tiết mưa giông, lốc, sét, còn mưa đá ít xuất hiện hơn so với Bắc Bộ.

"Giông, lốc, sét là hiện tượng quy mô nhỏ, do đó công tác dự báo dài ngày là rất khó, nên dự báo trước 2-3 ngày khá khó khăn. Tuy nhiên, hiện tượng thời tiết này lại dễ nhận diện là nó thường đi kèm với các đám mây đen. Khi hoạt động sản xuất, sinh hoạt ngoài trời người dân rất dễ dự đoán được sắp tới, trong vòng vài chục phút tới chẳng hạn có thể xảy ra mưa giông, sét, lốc khi quan sát thấy các đám mây đen trên bầu trời, gió bắt đầu nổi lên. Chính vì vậy người dân cần khẩn trương tìm nơi trú tránh an toàn", ông Lâm chia sẻ.

Ông Lâm lưu ý thêm, thường 30 phút đầu tiên của mỗi đợt mưa giông hay kèm theo gió giật, sét, lốc. Nhưng sau thời gian này, gió giật, sét, giông sẽ giảm dần và chỉ còn lại mưa. Do đó, khoảng 30 phút đầu của trận mưa giông, người dân cần khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn, sau đó thì mới di chuyển. 

Về nhận định diễn biến bão, lũ năm nay, ông Lâm cho biết: Tháng 4-5/2021, rất ít có khả năng xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông. Từ đầu tháng 6/2021, là thời điểm bắt đầu xảy ra các cơn ATNĐ/bão trên khu vực Biển Đông, trước tiên sẽ tập trung ở khu vực Bắc Trung Bộ, có khả năng di chuyển vào khu vực Vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. 

Khoảng nửa cuối mùa, từ tháng 8-9/2021 trở đi, bão sẽ hình thành nhiều hơn ở khu vực giữa Biển Đông và các tỉnh khu vực Trung Bộ.

Nhắc lại diễn biến lượng mưa trong năm 2020, ông Lâm cho biết: Năm 2020 có nhiều điều "đặc biệt", đó là năm trong những năm có đợt nắng nóng kéo dài tới 43 ngày ở các tỉnh miền Trung. Sau đó, mưa lại dồn dập hơn 40 ngày diễn ra vào tháng 10-11/2020 ở khu vực miền Trung.

"Năm nay chúng tôi dự báo nhiều khả năng thời tiết sẽ ôn hòa hơn so với năm  2020. Thiên tai vẫn sẽ xảy ra trong các tháng cao điểm như tháng 10, 11/2021, tuy nhiên sẽ không dồn dập và mức độ cũng ít "gay gắt" hơn so với năm 2020. Chúng tôi nhận định, bão, lũ sẽ không dồn dập đổ vào dải đất miền Trung như năm 2020", ông Lâm đưa ra nhận định.

Năm 2020, thiên tai "đốt" gần 40.000 tỷ đồng

Năm 2020 xảy ra hơn 570 trận thiên tai, gần 360 người chết và mất tích.

Năm 2020 xảy ra hơn 570 trận thiên tai, gần 360 người chết và mất tích.

Tại Việt Nam, năm 2020 thiên tai diễn ra khốc liệt, dị thường trên khắp các vùng miền trong cả nước, đã xảy 576 trận thiên tai, trong đó: 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông; 264 trận giông, lốc, mưa đá bất thường, kéo dài trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long,…

Đặc biệt trong gần 2 tháng 10 và 11/2020, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 ATNĐ. Trong đó bão số 9 đã đạt đến cấp "siêu bão" và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7 tiếng; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề.

Do ảnh hưởng dồn dập của các cơn bão, kết hợp với hình thái thời tiết cực đoan, dị thường, đã gây mưa lớn kéo dài tại khu vực miền Trung, đặc biệt tại 7 tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi; lũ lớn xảy ra trên toàn tuyến 16 sông chính, trong đó có 6 tuyến sông lũ đã vượt mức nước lũ lịch sử, khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng.

Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng (bão chồng bão, lũ chồng lũ) đã, đang tác động, ảnh hưởng đến tất cả các tuyến từ ngoài biển Đông đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi trong thời gian dài, đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng.

Theo thống kê, năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích (291 người chết, 66 người mất tích), 912 người khác bị thương, ước thiệt hại về kinh tế 39.945 tỷ đồng.

Theo Dân Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...