Cân nhắc chấm dứt dự án
Chiều 1/4, ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Hà Tĩnh cho biết, UBND tỉnh vừa gửi Bộ KH&ĐT văn bản góp ý dự thảo phương án xử lý tổ hợp dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà.
Tỉnh đề nghị Bộ báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét chấm dứt dự án trước tháng 5/2021. Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng ký.
Văn bản cho hay: “Căn cứ Thông báo kết luận số 72-TB/TW ngày 9/5/2007 của Bộ Chính trị yêu cầu việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải đặc biệt chú ý bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo điều kiện tốt cho phát triển bền vững, lâu dài của đất nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh hết sức thận trọng, khách quan, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện và nhất quán quan điểm chấm dứt dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê”.
Bộ KH&ĐT cũng đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng, trong đó liên tiếp đề nghị cho chấm dứt dự án.
Mỏ sắt Thạch Khê trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư dự án từ năm 2008, triển khai đến năm 2011 phải tạm dừng để cơ quan quản lý thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, tái cơ cấu cổ đông.
Cũng theo ông Trần Việt Hà, tỉnh đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chấm dứt dự án trước tháng 5/2021. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã “cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt và nhất quán quan điểm chấm dứt”.
Quy hoạch phát triển du lịch
Tại buổi thẩm định quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 22/3 tại Hà Nội, thông tin đưa ra là sẽ đóng mỏ sắt Thạch Khê ít nhất đến năm 2070 (50 năm). Khôi phục sử dụng đất theo hướng phát triển du lịch sinh thái, trung tâm đô thị, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...
Ông Trần Việt Hà cho biết thêm: Sau khi kiến nghị được chấp thuận, tỉnh sẽ thực hiện khảo sát toàn bộ địa hình, vành đai và đánh giá chi tiết nguồn nước, chất lượng mặt nước ngầm ở khu vực hạ lưu.
Đồng thời, đề xuất kỹ thuật cho cơ sở hạ tầng du lịch được đặt trên hoặc liền kề với khu mỏ, cải tạo sinh thái để tái thiết lập quần thể đa dạng sinh học, xác định vị trí cho cơ sở hạ tầng cần thiết như nhà máy xử lý nước và xử lý nước thải. “Khai thác du lịch tại vùng mỏ, vấn đề môi trường phải đảm bảo, đặt lên hàng đầu” – ông Hà nhấn mạnh.
“Việc biến vùng mỏ sắt thành nơi khai thác du lịch mang tính chiến lược và có khả thi, vì ở đây có vùng biển đẹp, diện tích đất lớn.
Mỏ sắt tạm dừng khai thác thời gian dài đã để lại nhiều hệ lụy, các dự án treo, cuộc sống người gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng môi trường dân sinh… Khi chấm dứt dự án, chắn chắn thu hút rất nhiều đơn vị vào đầu tư ngành công nghiệp không khói thay thế cho công nghiệp khai khoáng”, ông Trần Việt Hà nói thêm.
Vì sao Hà Tĩnh “khai tử” mỏ sắt?
Theo của ông Trần Việt Hà, trong nhiều năm qua, Hà Tĩnh trình văn bản ra Trung ương xin tạm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Lý do là cấu trúc địa tầng mỏ phức tạp.
Giải pháp ổn định bờ mỏ và thoát nước mỏ khi khai thác xuống độ sâu -145 m chưa chắc chắn và an toàn. Phương án vận tải trong mỏ sử dụng ô tô chưa phù hợp...
Một vấn đề nữa là dự án được điều chỉnh. Rõ nhất vào năm 2014 khi điều chỉnh phê duyệt, các chỉ số hiệu quả kinh tế được tính toán là khả thi.
Tuy nhiên, Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC, chủ đầu tư) quên đi việc tính các chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư, như chi phí đầu tư nhà máy nước, đầu tư cảng biển, đê chắn sóng, mở rộng khu vực bồi thường giải phóng mặt bằng...
“Trong báo cáo chỉ tập trung quặng giàu có điều kiện khai thác thuận lợi, còn quặng khó khai thác thì bỏ lại, lãng phí tài nguyên” – ông Hà chỉ rõ.
Ngoài ra, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê còn nhiều rủi ro khác là nguy cơ tụt nước ngầm, xâm nhập mặn và sa mạc hóa. Việc đổ thải trên đất liền và ảnh hưởng của việc xây dựng bãi thải ngoài biển...
Trước thông tin dừng mỏ sắt Thạch Khê, ông Đỗ Đình Thừa, quyền Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê, nói rõ quan điểm: “Nếu dừng mỏ thì cần bồi thường thỏa đáng bởi chủ đầu tư không sai. Chúng tôi đã làm đầy đủ thủ tục pháp lý, nếu có thay đổi là do chính sách”.
Ông Thừa đưa ra kiến nghị rằng: TIC sẽ tiếp tục kiến nghị tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê và sẽ ngồi lại với các cổ đông, ký biên bản ghi nhớ với các ngân hàng cấp vốn. Hiện hai cổ đông lớn sẵn sàng góp vốn.
“Chúng tôi thuê đơn vị độc lập nước ngoài đánh giá môi trường dự án, kết quả khả quan, khi khai thác sẽ không xảy hiện tượng tụt nước ngầm, sa mạc hóa... như lo ngại của tỉnh” – ông Thừa cho biết.
Về thị trường tiêu thụ, ông Thừa phân tích, năm 2008 - 2011, giá thép là 50 USD một tấn, lúc này lên hơn 150 USD một tấn. Qua 10 năm tạm dừng khai thác mỏ, giá tăng gấp ba, nhu cầu dùng thép, quặng ở trong nước hiện rất lớn, chưa nói đến xuất khẩu.
Vì vậy, nếu khai thác mỏ lúc này là hợp lý, để đến năm 2070, khi khoa học phát triển, có thể xã hội sẽ không cần dùng đến sắt, thép nữa.
Tính đến tháng 3/2011, TIC cùng các cổ đông đã bỏ vào dự án khoảng 1.800 tỷ đồng. Từ quy mô hơn 200 người nay đơn vị chỉ còn hơn 70 người.
Hàng năm, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam chi 2 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi giúp đỡ doanh nghiệp trả lương cho số công nhân trông coi máy móc tại dự án.