Nhưng bằng sự chung tay của cộng đồng, chính quyền địa phương, những học sinh khó khăn đang hướng đến tương lai tươi sáng.
Nương tựa vượt khó
Mồ côi cả cha lẫn mẹ trong vụ sạt lở đất, trong căn nhà mới ở khu tái định cư Bằng La, Hồ Văn Trí (23 tuổi, người M’Nông) đã trở thành trụ cột trong gia đình, dạy dỗ 3 đứa em. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm – Đại học Huế, đang làm ở thành phố nhưng vì thương các em, Trí đã về xin việc tại UBND xã Trà Leng để được chăm sóc, hướng dẫn những đứa em còn trong tuổi đi học.
Em út của Trí là Hồ Văn Đệ chia sẻ: Đi học nội trú ở cùng với bạn bè nên em cũng vơi bớt nỗi nhớ mẹ, cha. Đồng thời được anh chị khuyên nhủ, Đệ đã bình tâm trở lại, tiếp tục học lên cao hơn để không phụ lòng ba mẹ. Ngoài thời gian học nội trú, em về cùng phụ với anh chị chăm sóc rẫy của gia đình.
Nhìn về đứa em út năm nay lên lớp 11, Trí kể: “Sau cái ngày sạt lở kinh hoàng ấy, Đệ trở nên trầm tính hơn, ít giao tiếp với người ngoài. Có lần buồn bã quá, Đệ xin được nghỉ học để ở nhà làm rẫy với gia đình. Thuyết phục mãi em mới đi học trở lại. Năm vừa rồi, Đệ học cũng khá, thầy cô nói rằng em đã hòa đồng với bạn bè trong khu ở nội trú”.
Ngoài Đệ, Trí còn 2 đứa em là Hồ Văn Trung (21 tuổi) và Hồ Thị Điệp (18 tuổi) mới học xong lớp 12 và thi tốt nghiệp THPT.
“Sau khi cha mẹ mất, Trung quay về gần nhà để học sửa xe và phụ giúp anh trai lo cho 2 đứa em còn lại. Sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Điệp đã làm hồ sơ nộp xét tuyển vào ngành Giáo dục Tiểu học của Trường Đại học Quảng Nam”, Trí kể.
Theo lời Trí, Điệp cho rằng, nếu đậu đại học, em sẽ xin đi làm thêm để đỡ đần một phần chi phí sinh hoạt, bớt gánh nặng cho hai anh ở nhà. Trí cũng cho hay, ngoài mức lương hơn 2 triệu đồng mỗi tháng, bản thân còn tranh thủ chăm sóc rẫy sau nhà cùng với đàn trâu để kiếm thêm thu nhập lo cho các em ăn học.
“Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Quân khu 5 nên tôi cũng có thêm kinh phí để lo cho Đệ và Điệp đi học. Giờ tôi chỉ biết động viên và lo cho các em tiếp tục học hành, mong cho nên người để ba mẹ nơi chín suối được yên lòng”, Trí bộc bạch.
Hồ Thị Yến Chi - học sinh lớp 8 Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trà Leng cũng lâm vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ sau đợt sạt lở kinh hoàng 2020. Được sự quan tâm của chính quyền, bộ đội cùng người dân xung quanh, dần dần anh chị em của Chi cũng dần trở lại cuộc sống, ổn định tâm lý. Riêng Chi, lúc rảnh rỗi còn phụ giúp anh chị chăm sóc rẫy quế của gia đình. Chi khoe với chúng tôi, năm vừa rồi, em được thầy cô nhận xét học khá, chăm ngoan với bạn bè.
Hồ Văn Trí đang hướng dẫn cho em gái chọn trường đại học sau khi biết điểm của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. |
Chung tay giúp đỡ
Vụ sạt lở kinh hoàng ở thôn 1, xã Trà Leng đã khiến 31 người chết và mất tích (trong đó có 3 gia đình chết cả cha lẫn mẹ), để lại 7 cháu mồ côi dưới 18 tuổi. Với tinh thần tương thân, tương ái, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã quyết định nhận đỡ đầu cho 7 cháu.
Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Sư đoàn 315, Lữ đoàn Công binh 270 đỡ đầu từng trường hợp cụ thể. Quân khu 5 giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam sử dụng kinh phí 500 triệu đồng gửi ngân hàng, hàng tháng sử dụng tiền lãi cùng với các đơn vị phụ trách tiến hành thăm hỏi, hỗ trợ, động viên các cháu trong học tập và cuộc sống.
Ngoài số tiền Quân khu giao gửi ngân hàng tính lãi, các đơn vị còn sử dụng quỹ để hỗ trợ gạo và thăm hỏi, động viên các cháu. Khi các em đủ 18 tuổi, cháu nào học xong bậc phổ thông, nếu tiếp tục học lên cao hơn nữa (trung cấp, cao đẳng, đại học), Quân khu 5 vẫn tiếp tục hỗ trợ.
Đại diện Lữ đoàn Công binh 270 cho biết, Lữ đoàn là một trong những đơn vị được Bộ Tư lệnh Quân khu giao nhận đỡ đầu cho các cháu mồ côi. Ngoài số kinh phí của Quân khu 5, Lữ đoàn còn sử dụng quỹ để hỗ trợ cho 2 trường hợp là cháu Hồ Thị Điệp và Hồ Văn Đệ gồm tiền mặt và gạo hàng tháng. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên đến thăm các em hoặc gọi điện đến chính quyền địa phương để nắm tình hình lo cho các em. Kịp thời lắng nghe, chia sẻ giúp các em vượt qua khó khăn, không để các em phải nghỉ học, bỏ học.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, cho biết, ngoài sự động viên của họ hàng, địa phương thường xuyên động viên các em là trẻ mồ côi sau đợt sạt lở. Nếu em nào học tốt lên cấp đại học, cao đẳng thì địa phương tìm thêm nguồn hỗ trợ, còn em nào học xong lớp 12 thì xã cũng tư vấn học nghề. Như trường hợp của em Trí, sau khi tốt nghiệp thì xã cũng tạo điều kiện và tuyển dụng em vào làm Phó Bí thư Đoàn của xã. Ngoài ra, địa phương cũng luôn cung cấp tình hình học tập, sức khỏe của các em đến các đơn vị nhận đỡ đầu được biết.
Sau vụ sạt lở năm 2020, Trường Mẫu giáo mầm non Trà Leng được xây dựng các phòng học khang trang, với kinh phí 3 tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ nhà hảo tâm. Năm học 2022 - 2023, trường đang có hơn 200 học sinh từ 3 đến 5 tuổi. Nhà trường đã trang bị đầy đủ ghế ngồi, dụng cụ dạy học cho năm học mới. Trường PT DTBT Tiểu học Trà Leng có 402 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 5. Nhà trường sửa chữa, dọn dẹp lại phòng học và bàn ghế để đảm bảo an toàn cho học sinh ngồi học.