Học sinh Trà Leng trở lại trường sau 21 ngày nghỉ học

GD&TĐ - Hôm nay (18/11), HS trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) đi học trở lại kể từ sau vụ sạt lở kinh hoàng ngày 28/10 vùi lấp 11 căn nhà ở nóc Ông Đề.

Sân trường vẫn ngổn ngang bùn đất. Máy xúc của lực lượng bộ đội ầm ì xúc dọn lớp bùn đất đặc quánh ở sân trường. Phía sau trường, đội thợ khẩn trương thi công, sửa chữa lại nhà bếp, nhà vệ sinh…

Chỉ mong HS sớm đến lớp trở lại

Chỉ có 50% trong tổng số HS của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) Trà Leng đến trường trở lại sau 21 ngày nghỉ học. HS ở thôn 4 bị sạt lở từ trên xuống nên chưa thể đến trường được. Từ mấy ngày nay, GV nhà trường đã chia nhau dọn dẹp vệ sinh trường lớp và đến nhà HS vận động các em đi học trở lại.

Lớp 2 do cô giáo Nguyễn Thị Kim Ký chủ nhiệm chí có 12 trong tổng số 20 HS đến lớp. Lớp 2/2 chỉ có 7 HS đi học. "Nhìn lớp học vắng nhiều, nói thật là rất buồn. Nhà trường chủ trương ghép HS của cả hai lớp thành một để tổ chức dạy học". Niềm vui của cô Ký và đồng nghiệp trong những ngày này, chỉ là mong lớp đủ sĩ số. Học sinh vui chơi trở lại sau những dư chấn của trận sạt lở kinh hoàng hôm 28/10 và những vụ sạt lở liên tiếp sau đó. 

Nhóm thợ khẩn trương thi công công trình vệ sinh và nhà bếp để GV, HS nhà trường sớm ổn định sinh hoạt
Nhóm thợ khẩn trương thi công công trình vệ sinh và nhà bếp để GV, HS nhà trường sớm ổn định sinh hoạt 

Thầy Bùi Quang Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường đầy buồn bã: “Dù HS đã đi học lại nhưng cơ sở vật chất của nhà trường chưa đâu vào đâu. Hôm nay có lực lượng sư 315 của Quảng Nam và Quân khu 5 đưa máy xúc lên hỗ trợ dọn đất bùn trong sân trường. Trong phòng học, thầy cô, một số phụ huynh đã dọn dẹp sạch sẽ để HS có chỗ học đảm bảo vệ sinh.

Chỗ ở của các em cũng đã ổn định. Nhưng nhà bếp và công trình vệ sinh mấy ngày nay vẫn đang tạm bợ. Chỉ có 2 phòng vệ sinh có thể sử dụng tạm. Đội thợ đang khẩn trương thi công để sớm nhất khoảng 2 ngày tới, khu vệ sinh phải hoàn thành. HS có thể đứng ăn được chứ gần 250 con người, mà vệ sinh không đảm bảo thì rất khó”.

Giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng phải mất nhiều ngày mới thu dọn được lớp bùn đất và vệ sinh dãy phòng ở của HS
Giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng phải mất nhiều ngày mới thu dọn được lớp bùn đất và vệ sinh dãy phòng ở của HS
Phòng học cũng ngập trong bùn
Phòng học cũng ngập trong bùn

Mấy chục năm công tác ở vùng núi cao, thầy Ngọc chia sẻ: “Gần ngày 20/11 năm nay, cảm giác thật hụt hẫng, không biết nói sao cho vừa. Trong thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân, rồi chính quyền các địa phương hướng về Trà Leng với nhiều hỗ trợ, động viên. Thiên tai dồn dập và liên tiếp trong thời gian vừa qua, Trà Leng không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn thiệt hại về con người.

Mọi lực lượng hiện nay đang đổ dồn đi tìm kiếm, còn 13 người đang còn mất tích, trong đó có anh Việt - Bí thư xã. Việc trôi nhà dân từ cơn bão số 9 rồi đến cơn bão số 10 trôi nhiều hơn. Những vụ sạt lở đất càng ngày càng nhiều gây chết người nên người dân hoang mang là điều không tránh khỏi. HS cũng sợ, không dám đi học nếu không có người lớn đi cùng. Việc ra lớp sẽ còn rất khó khăn”.

50% HS nhà trường vắng trong ngày đầu tiên đi học trở lại sau 3 tuần nghỉ học kể từ vụ sạt lở kinh hoàng ở nóc Ông Đề
50% HS nhà trường vắng trong ngày đầu tiên đi học trở lại sau 3 tuần nghỉ học kể từ vụ sạt lở kinh hoàng ở nóc Ông Đề

Những năm trước, kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, tập thể Hội đồng sư phạm Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng chỉ tổ chức một bữa cơm thân mật. Chủ yếu là anh em chúc đồng nghiệp tự chúc mừng nhau, động viên nhau vượt qua khó khăn để bám trường bám lớp, nâng cao chất lượng dạy học.

Những ngày tới, thầy Ngọc cho biết, nhà trường sẽ phải điều chỉnh lại thời khóa biểu để dạy bù, đuổi kịp chương trình. “Mất 3 tuần HS nghỉ học nên nhà trường tăng một ngày học 2 tiết Toán - Tiếng Việt, các môn khác giảm thời lượng lại, có thể một tiết học 2 bài”. Ngoài ra, nhà trường có lợi thế HS bán trú đông nên sẽ tổ chức học ban đêm. “Với những HS có nhà ở gần trường, nhà trường sẽ vận động phụ huynh cho con em đến trường ban đêm để học. Những giải pháp này giúp vừa đuổi kịp chương trình nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng” – thầy Ngọc cho biết.

Xin “ánh sáng” cho học sinh

Nhờ được tặng máy nổ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai xử lý tốt tình huống trong đêm mưa bão cho HS và người dân xung quanh sơ tán tránh thiên tai
Nhờ được tặng máy nổ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai xử lý tốt tình huống trong đêm mưa bão cho HS và người dân xung quanh sơ tán tránh thiên tai

Những ngày nay, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đang tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường. Thầy Nguyễn Khắc Điệp – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nay, địa phương có nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, người dân mất mát rất nhiều. Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý của cả HS, phụ huynh và CBGVNV nhà trường. Nhà trường chỉ tổ chức ôn lại truyền thống của Ngày nhà giáo Việt Nam”.

Năm học này, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai trường có nhiều thành tích cao, được tặng thưởng Cờ thi đua của UBND tỉnh, đứng nhất toàn khối THCS của tỉnh, hoàn thành kiểm định chất lượng mức độ 2 và đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1. “Thế nên 20/11 năm nay, tập thể giáo viên nhà trường vui buồn lẫn lộn. Sống ở vùng cao nhiều năm thấy bà con rất vất vả nên cá nhân tôi và nhiều GV trong trường đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ giúp bà con giải quyết khó khăn trước mắt. Về lâu dài, rất mong các tổ chức và chính quyền các cấp tính sinh kế bền vững để bà con ổn định cuộc sống” – thầy Điệp chia sẻ.

Thầy Nguyễn Khắc Điệp là người đã đi xin “ánh sáng” cho HS. Mặc dù là xã trung tâm huyện nhưng sau những cơn bão liên tiếp, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn. “Quá nửa số HS của nhà trường là HS bán trú, các em ở lại trường sinh hoạt, học tập suốt cả tuần. Trong khi đó, do ảnh hưởng bởi mưa bão nên tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra, thậm chí mất điện nhiều ngày liền. Những lúc thiên tai, bão lũ, trường học còn mở cửa đón người dân vùng có nguy cơ bị sạt lở đến sơ tán. Máy phát điện là thứ rất cần thiết đối với HS và bà con trong vùng thiên tai” – thầy Điệp cho biết. Sau đó, nhà trường đã được một doanh nghiệp ở Đà Nẵng tặng một máy phát điện để dùng dự phòng.

Thầy Võ Đăng Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My đã có thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm xin hỗ trợ cho 29 trường trên địa bàn huyện mỗi trường một máy phát điện với công suất 5kw trở lên để phục vụ công tác dạy học cũng như ăn ở, sinh hoạt của HS và GV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vữa xây tường lều tang lễ của Quốc vương Ghezo được trộn bằng dầu đỏ, máu người và máu động vật. Ảnh: Ancient-origins.net

'Cung điện máu' Abomey

GD&TĐ - Thời phong kiến, Bénin có tên là Vương quốc Dahomey, được thành lập vào khoảng năm 1600 và phát triển mạnh nhờ vào buôn bán nô lệ.