Trước đó chỉ một tuần, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã kỷ niệm 20 năm thành lập và khánh thành trụ sở mới cao 25 tầng tại địa chỉ 215 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TPHCM có sức chứa hơn 20.000 người với nhiều khu vực chức năng đáp ứng nhu cầu nghiên cứu học thuật, vui chơi giải trí và rèn luyện sức khỏe cho sinh viên.
Ngày nay, tại nhiều cơ sở giáo dục ta có thể bắt gặp những thư viện điện tử, hội trường với các phương tiện nghe nhìn hiện đại, phòng thí nghiệm… Sau giờ học là sân chơi thể thao, hồ bơi, phòng tập năng khiếu… hoặc có một không gian sẵn để thư giãn và nghỉ ngơi.
Bộ mặt giáo dục đại học Việt Nam cũng “danh giá” hơn với sự xuất hiện các trường đại học hợp tác với nước ngoài như Đại học Việt-Đức, Đại học Việt-Nhật, Đại học Việt-Pháp, Đại học Fulbright Việt Nam… Qua những nơi này, các công nghệ dạy học tiên tiến của thế giới đã du nhập vào Việt Nam.
Giáo dục phổ thông cũng đã và đang chuyển mình. Mới đây, hồi tháng 2-2017, Trường TH School (thuộc Tập đoàn TH) khánh thành đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Ngoài vẻ đẹp hài hòa và hiện đại của trụ sở, trường này áp dụng mô hình giáo dục liên thông từ tiểu học đến THPT và chuyển tiếp đại học, cao đẳng, dạy nghề với chương trình tiên tiến thế giới kết hợp chương trình Việt Nam.
Tại các thành phố lớn cũng dễ bắt gặp những trường phổ thông công lập và ngoài công lập được đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện và chương trình cùng đội ngũ giáo viên chất lượng.
Mới đây, tại hội nghị các giám đốc Sở GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh “Quyết tâm xây dựng hình ảnh ngành giáo dục trước nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội”.
Vâng, thay cho những bài diễn văn dông dài, thật không có gì thuyết phục hơn là hãy xây dựng hình ảnh mới của các cơ sở giáo dục. Chính hình ảnh mới của hệ thống giáo dục sẽ nói lên quyết tâm đổi mới của toàn ngành giáo dục. Và khi chiếm được niềm tin, phụ huynh sẽ gởi gắm con em mình vào, xã hội sẽ mạnh dạn đầu tư thêm nhiều trường lớp hơn nữa. Sự phát triển của hệ thống giáo dục sẽ là điều tất yếu.
Có thể nhận thấy những hình ảnh mới mẽ nói trên cũng là thành quả bước đầu sau một năm triển khai thực hiện “chín nhiệm vụ chủ yếu và năm giải pháp” phát triển và đổi mới của ngành giáo dục. Trong đó, ngành xác định nhiệm vụ được đặt ở vị trí số 1 là “Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học, khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông. Tăng cường xã hội hóa với nhóm trường, lớp chất lượng cao…” và giải pháp đòn bẩy là “Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục”.
Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực nhưng tình trạng quá tải trường lớp ở các thành phố lớn vẫn còn diễn ra, hệ quả tất yếu của quá trình phát triển kinh tế với tình trạng di dân. Chẳng hạn, tại TPHCM, nhiều quận mới như Bình Tân, quận 9, quận 12…, số học sinh tăng nhanh đẩy sĩ số có nơi lên 50-60 em/lớp. Nhiều khu vực tại Hà Nội cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Bởi vậy, việc xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục đang và sẽ tiếp tục đối đầu với những thách thức, trong đó có khủng hoảng thiếu cơ sở vật chất, quy hoạch trường lớp. Mới đây, trong phát biểu chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2017-2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ kiên trì thực hiện tiếp “chín nhóm nhiệm vụ và năm giải pháp”. Ngoài ra, ngành giáo dục sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học để tạo hành lang thông thoáng hơn cho con đường phát triển.
Mang hình ảnh mới vào năm học mới 2017-2018, đó là điều có thể làm được nếu có một quyết tâm.