Lễ khai giảng vẫn rất ý nghĩa
Trong cuộc đời học sinh, ngày khai trường luôn là thời khắc thiêng liêng, ghi lại biết bao cảm xúc vui mừng khó tả. Chia sẻ điều này, Đàm Ngân - học sinh Trường THPT Yên Dũng số 3 (Bắc Giang) – cho biết hầu hết em và các bạn đều vui vẻ, mong ngóng ngày khai giảng để gặp lại thầy cô, bạn bè sau mấy tháng hè.
“Dù có năm, chúng em và thầy cô hơi vất vả vì thời tiết một chút, nhưng bản thân em luôn vui và mong đến ngày này. Nhớ nhất là lễ khải giảng đầu tiên tại trường THPT Yên Dũng 3. Đến một ngôi trường mới rộng lớn, không còn thầy cô và bạn bè cũ khiến em lo lắng. Tuy nhiên, không khí tưng bừng và sự thân thiện của các bạn mới, em thấy vui hẳn lên – một cảm giác vô cùng đặc biệt.
Em nghĩ rằng, việc tổ chức lễ khai giảng vào năm học mới là vô cùng cần thiết! Bản thân em mong muốn trong dịp đặc biệt này, nhà trường có thể thể tổ chức thêm vào các trò chơi đố vui có thưởng để động viên cũng như tạo ra không khí vui vẻ, đoàn kết” – Đàm Ngân tâm sự.
Nhiều năm gắn bó với nghề dạy học, lễ khai giảng với thầy Tô Ngọc Sơn (giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An - Cao Lãnh, Đồng Tháp) luôn là dịp đặc biệt.
“Có phụ huynh và học sinh nói với tôi, họ luôn mong muốn một lễ khai giảng được tổ chức long trọng, thật sự là ngày hội đến trường, một ngày thật ý nghĩa và tràn đầy niềm vui.
Nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng, trước đây ngày khai giảng cũng là ngày đầu tiên học sinh đến trường sau kỳ nghỉ dài. Cảnh tượng ấy không thể phai nhạt trong tâm trí học sinh, bởi các em nhìn thấy bao đổi thay, thấy nhiều gương mặt bạn bè, thầy cô mới.
Sau buổi lễ, học sinh không phải ngồi vào bàn để học mà được khám phá những điều mới lạ về ngôi trường mình, tham gia các trò chơi cùng bạn bè; được chuyện trò, được tìm hiểu; được giao lưu, kết bạn; được gặp gỡ với thầy cô mà không có sự gò bó, áp lực nào về chuyện học hành” – thầy Tô Ngọc Sơn chia sẻ.
Thầy Sơn cũng cho biết, từ nhiều ý kiến đóng góp, sau khi nhận được công văn của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT về việc tổ chức lễ khai giảng, Trường tiểu học Chu Văn An đã cùng họp bàn, bổ sung vào khung chương trình lễ khai giảng nội dung giao lưu, đố vui những nội dung gần gũi, thân thiện với học sinh về gia đình, nhà trường, bạn bè; lồng ghép thêm về giao thông, kỹ năng sống,… với mong muốn có được một lễ khai giảng mềm mại hơn, thân thiện hơn với học sinh.
Trang trọng phần “Lễ”, tươi vui phần “Hội"
Cho đến thời điểm này, các Sở GD&ĐT đều có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc chuẩn bị và tổ chức khai giảng năm học mới. Giống như thông lệ một số năm gần đây, lễ khai giảng được tổ chức với 2 phần “Lễ” và “Hội” với yêu cầu phần “Lễ” trang trọng, súc tích, ngắn gọn; phần “Hội” tươi vui, sinh động, lành mạnh. Việc tổ chức phải tiết kiệm, hiệu quả.
Một số Sở GD&ĐT có những yêu cầu cụ thể về thời gian khai giảng. Như Sở GD&ĐT Gia Lai nêu rõ phần “Lễ” không quá 60 phút; diễn văn khai giảng ngắn gọn, tối đa 15 phút.
Sở GD&ĐT Bắc Giang yêu cầu khai giảng tổ chức ngắn gọn, trang trọng trong không quá 45 phút, lấy học sinh làm trung tâm buổi lễ. Sau phần lễ, tùy vào điều kiện thực tế của đơn vị, phối hợp với tổ chức Đoàn, Đội tổ chức các hoạt động tập thể như văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian; tìm hiểu về truyền thống lịch sử địa phương, học nội dung, 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng; tìm hiểu truyền thống nhà trường; chăm sóc, phát huy các giá trị di tích lịch sử...
Sở GD&ĐT Nam Định yêu cầu các đơn vị, các trường bố trí, sắp xếp thời gian, địa điểm tổ chức khai giảng hợp lý, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, cán bộ, giáo viên. Có thể tổ chức phần Hội trước hoặc sau phần lễ, tránh lãng phí thời gian và linh hoạt khi gặp thời tiết xấu.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu quán triệt nhà trường không mời lãnh đạo các cấp phát biểu trong buổi lễ khai giảng. Trong trường hợp đặc biệt, Sở này sẽ có công văn chỉ đạo riêng.
Trước ngày khai giảng, ngành Giáo dục các địa phương đều lưu ý chỉ đạo thực hiện vệ sinh trường lớp học; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sửa chữa cơ sở vật chất; lưu ý thực hiện nghiêm túc quy định thu, sử dụng các khoản thu; tổ chức khuyến học, khuyến tài; đảm bảo các điều kiện tốt nhất để học sinh đến trường trong năm học mới.