Năm học 2019 - 2020: Không tăng giá sách giáo khoa

GD&TĐ - Giải thích về việc SGK phục vụ năm học 2019 - 2020 được in theo giá mới trong khi Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu chưa điều chỉnh giá SGK, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục) khẳng định: Số lượng SGK đã in giá mới sẽ được dán đè giá cũ và được bán với mức giá như những năm học trước.

Thị trường SGK sẽ không có biến động trong năm học tới
Thị trường SGK sẽ không có biến động trong năm học tới

Giữ nguyên mức giá

Ông Tùng cho biết: Để đáp ứng yêu cầu phục vụ đồng bộ, đầy đủ SGK cho năm học 2019 - 2020, theo kế hoạch hàng năm, từ cuối năm 2018, NXB Giáo dục tổ chức đấu thầu rộng rãi và triển khai in. Trước đó, NXB Giáo dục đã thông tin đến báo chí về giá SGK phục vụ năm học 2019 - 2020 vẫn được giữ nguyên như những năm học trước.

Chính vì vậy NXB Giáo dục đã trình phương án điều chỉnh tăng giá SGK và thực hiện kê khai giá SGK theo phương án đã được thông qua, căn cứ vào đó, điều chỉnh công tác in SGK theo phương án điều chỉnh, tăng khoảng 17% bình quân 
Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết

Theo thông cáo này, từ năm 2011 đến nay, giá SGK được kìm giữ ổn định và ở mức thấp (so với chi phí, giá thành xuất bản và so với giá bán các sách khác). Trong khi đó các khoản chi phí xuất bản SGK đều biến động tăng cao. Để bù đắp việc giá bán SGK dưới giá thành, NXB Giáo dục đã tiết giảm hàng loạt chi phí (vận chuyển, kho bãi...), song do các yếu tố giá cả đầu vào tăng nên chưa đủ bù đắp.

Cụ thể, theo ông Tùng, các yếu tố ảnh hưởng đến giá sách tăng cao là giá giấy, công in tính đến nay đã tăng trên 20%, cùng với đó là giá điện, nước tăng, chi phí vận chuyển tăng cao, từ năm 2011 tiền lương cơ bản đã tăng 3 lần. 

Tuy nhiên theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại Công văn ngày 16/3/2019 về việc tạm dừng điều chỉnh giá SGK phục vụ năm học 2019 – 2020, NXB Giáo dục đã tạm dừng việc tăng giá bán SGK. Ông Nguyễn Văn Tùng khẳng định: Công tác in, phát hành sách đang nằm trong kế hoạch phục vụ năm học mới của NXB Giáo dục đến tháng 4/2019.

NXB Giáo dục đang điều chỉnh công tác in ấn theo chỉ đạo của Bộ, giữ nguyên giá SGK như các năm học trước và chưa xuất kho cho các đối tác phát hành. Đồng thời, thông tin thêm rằng, “số lượng SGK đã in giá bìa theo phương án điều chỉnh tăng giá sẽ được in giá cũ để dán lên, đảm bảo SGK được bán theo giá bìa và giữ nguyên như các năm”.

Điều hành giá theo thị trường

Liên quan đến việc giá SGK không tăng trong những năm gần đây, chỉ đạo tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã bày tỏ quan điểm: Giá SGK vẫn “đứng im” trong 8 năm qua trong khi các yếu tố tác động đến giá SGK đều liên tục tăng: Tiền lương tối thiểu vùng tăng 3 lần, lương cơ sở tăng 1,8 lần. Giấy in tăng 20%, điện tăng 41%.

Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: Phải xem xét nếu không tăng giá thì doanh nghiệp in SGK thua lỗ bao nhiêu. Nếu tăng so với giá hiện nay thì bình quân chỉ tăng 17%, mỗi cuốn hơn 1.000 đồng từ lớp 1 đến lớp 12. Theo báo cáo thống kê, chỉ có tác động 0,07% vào chỉ số giá tiêu dùng CPI của năm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Chính phủ xem xét về việc quản lý điều hành (SGK) theo giá cả thị trường theo quy luật chung.

Trước đó, ngày 6/3, tại Công văn số 793/BGDĐT-KHTC, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu NXB Giáo dục tạm thời chưa điều chỉnh tăng giá bán SGK phục vụ năm học 2019 - 2020 để bảo đảm ổn định, tránh tác động đến việc tập trung nguồn lực để thực hiện Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới.

Bộ cũng yêu cầu: NXB Giáo dục tiến hành rà soát chi phí giá thành, phương án điều chỉnh giá và kế hoạch truyền thông theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ và văn bản của Bộ Tài chính; Đồng thời, khẩn trương rà soát cơ cấu chí phí và giá thành, rà soát tinh giảm biên chế, đặc biệt các bộ phận hành chính; hoàn thiện các quy trình, quy chế, định mức; Rà soát xây dựng lại phương án chi trả lương; thực hiện đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhiều đối tác cung cấp vật tư, giấy in; cắt giảm tối đa các chi phí trung gian và chi phí phát hành... hoàn thiện kế hoạch sản xuất kinh doanh trình Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ