“Thợ cả” trong đổi mới GD
GS.TS Phạm Quang Trung - Học viện QLGD đã chỉ ra vai trò của đội ngũ: Trong hoạt động hướng dẫn phát triển chuyên môn nghiệp vụ GVCC, GVCC là tác nhân thúc đẩy để phát triển những năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho GV, nói cách khác họ tạo ra môi trường để GV thử thách và trải nghiệm dưới sự giúp đỡ của mình chứ không bao biện, làm thay.
Họ là người hỗ trợ khi cần thiết, như những gợi ý, lời khuyên khi giải quyết vấn đề, họ sẵn sàng chia sẻ những khó khăn và là chỗ dựa tinh thần cho người được giúp đỡ. GVCC là những huấn luyện viên cừ khôi, có thể cầm tay chỉ việc, chỉ ra những bước đi phải theo để giải quyết những tình huống thực tế.
Cùng quan điểm, GS.TS Đinh Quang Báo (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng: GVCC phải là chuyên gia môn học có kiến thức rộng, nền tảng để có thể thường xuyên thích ứng, cập nhật tri thức khoa học công nghệ hiện đại và chia sẻ những tri thức này cho đồng nghiệp.
“GVCC phải là chuyên gia về khoa học GD nói chung và lý luận dạy học môn học nói riêng, được biểu hiện ở khả năng phát triển chương trình, phân tích chương trình môn học; chuyển hóa tri thức khoa học môn học thành tri thức môn học nhà trường, và tổ chức dạy học môn học có hiệu quả theo định hướng phát triển năng lực; phân tích đánh giá sách giáo khoa, tài liệu tham khảo môn học để lựa chọn, tư vấn cho GV và HS sử dụng phù hợp đặc điểm cá nhân, điều kiện môi trường GD nhà trường, địa phương, tổ chức dạy học tích hợp, dạy học phân hóa…” - GS.TS Đinh Quang Báo nói.
Nâng chất cho GVCC
GS.TS Đinh Xuân Khoa - Trường ĐH Vinh khẳng định: Những yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, cũng như đổi mới chương trình và SGK GDPT, đáp ứng sự thay đổi vai trò của người GV phổ thông trong bối cảnh mới… thì cần thiết phải lựa chọn được đội ngũ GVCC tham gia bồi dưỡng GV phổ thông.
Như vậy, mục tiêu bồi dưỡng GVCC phải đổi mới theo hướng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực theo chuẩn GV trường TH, THCS, THPT.
Tuy nhiên, chuẩn này cần có sự bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với sự đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và hội nhập quốc tế, và nên tích hợp thành một bộ chuẩn GV mới gọi là chuẩn GV phổ thông.
Nội dung bồi dưỡng đội ngũ GV phổ thông cốt cán cũng phải được đổi mới, một mặt để đáp ứng sự thay đổi vai trò của người GV trong bối cảnh hiện nay, mặt khác phải đáp ứng các yêu cầu của chuẩn GV phổ thông mới.
Cũng theo GS.TS Đinh Xuân Khoa, nội dung bồi dưỡng đội ngũ GV phổ thông cốt cán phải bao gồm những vấn đề: Chương trình GDPT; lí luận, nghiệp vụ sư phạm mới; tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, địa phương; chủ trương, chính sách và quy định của ngành GD. Năng lực thiết kế kế hoạch dạy học; Năng lực tìm hiểu nắm vững đối tượng GD, năng lực cảm hóa, thuyết phục, GD học sinh; năng lực tạo sự đồng thuận trong HS, cha mẹ các em…; Năng lực thiết kế và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Năng lực quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá ở trường phổ thông, đặc biệt là quản lý các phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá mới, như đánh giá không dùng điểm số, đánh giá theo năng lực, tự đánh giá…
Năng lực sử dụng linh hoạt, sáng tạo công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học; Năng lực hợp tác, gắn kết với làng nghề truyền thống ở địa phương nhằm tổ chức có hiệu quả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho HS; Năng lực chuyển tải phương pháp, hình thức tổ chức GD mới cho cha mẹ HS; Năng lực nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng và hội nhập quốc tế trong GD phổ thông...
Để xây dựng nên đội ngũ GVCC, cần triển khai 5 biện pháp cơ bản - Đó là khẳng định của GS.TS Đinh Quang Báo. Trước hết cần lựa chọn GV có nhiều thành tích trong hoạt động nghề nghiệp, được đánh giá xuất sắc theo chuẩn nghề nghiệp và đáp ứng hoặc có thể bồi dưỡng để đáp ứng các yêu cầu đối với GVCC.
Cần xây dựng khung tổ chức đội ngũ GVCC về số lượng, cơ cấu theo môn học, hoạt động GD sao cho mỗi nhà trường, địa phương có một tổ chức hoạt động phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ GV, tư vấn cho cán bộ quản lý các cấp về những vấn đề thuộc lĩnh vực GD-ĐT, nòng cốt trong hoạt động phát triển chương trình nhà trường đáp ứng cơ chế phân cấp quản lý, thực hiện chương trình GD.
Tổ chức các khóa bồi dưỡng cho đội ngũ GVCC về kiến thức môn học, lĩnh vực khoa học liên quan về nghiệp vụ sư phạm; bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học GD; phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; bồi dưỡng kĩ năng hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp.
Đặc biệt, cần xây dựng quy chế hoạt động của GVCC với những quy định phát huy được sáng tạo của cá nhân và đội ngũ GVCC. Trong đó phải có những chính sách ở cấp Trung ương, địa phương, nhà trường đảm bảo các điều kiện cho đội ngũ GVCC hoạt động thực hiện được các chức năng cơ bản… Cùng với đó, không thể không có cơ chế liên kết các cơ sở GD ĐH, đặc biệt cơ sở đào tạo giáo viên, các viện nghiên cứu, chủ yếu là nghiên cứu GD quản lý GD.
Tổ chức đánh giá kết quả hoạt động của GVCC để vừa có chính sách khích lệ về vật chất, tinh thần, vừa có biện pháp bồi dưỡng, nâng cao năng lực của họ…