Nam Định nâng chất lượng dạy môn Tiếng Việt và Tự nhiên Xã hội

GD&TĐ - Các trường đã đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt để nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt và Tự nhiên Xã hội theo định hướng giáo dục STEM.

Sản phẩm STEM của học sinh tiết Tự nhiên và Xã hội lớp 3 Trường Tiểu học Hải Hà, huyện Hải Hậu (Nam Định).
Sản phẩm STEM của học sinh tiết Tự nhiên và Xã hội lớp 3 Trường Tiểu học Hải Hà, huyện Hải Hậu (Nam Định).

Phát huy vai trò của giáo dục STEM

Thực hiện kế hoạch năm học cũng như các văn bản chỉ đạo từ Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu (Nam Định), mới đây, Cụm miền 1 đã tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, dạy học môn Tự nhiên và Xã hội theo định hướng giáo dục STEM” tại Trường Tiểu học Hải Thanh.

Bà Nguyễn Thị Mây - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu nhấn mạnh, mục đích của hội thảo nhằm tạo cơ hội cho cán bộ quản lý, giáo viên chia sẻ các giải pháp nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Giáo viên và học sinh không dạy học theo văn mẫu. Đối với môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2, lớp 3, giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng giáo dục STEM, tích hợp giữa lý thuyết với thực hành sáng tạo, áp dụng kiến thức kỹ năng liên môn trong tiết dạy.

Cô Nguyễn Thị Kim Thoa - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Thanh chia sẻ ý kiến tại hội thảo.
Cô Nguyễn Thị Kim Thoa - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Thanh chia sẻ ý kiến tại hội thảo.

Cô Nguyễn Thị Kim Thoa - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Thanh đã nêu 8 biện pháp cụ thể, thực tiễn về dạy học môn Tiếng Việt theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất. Đặc biệt là giải pháp giáo viên dạy Tập làm văn phát huy sự sáng tạo của học sinh tránh chép văn mẫu.

Trong đó, tổ chức các hoạt động cho học sinh được trải nghiệm, quan sát, sử dụng tất cả các giác quan để cảm nhận, luyện nói, được chia sẻ nhiều và các bạn cùng thầy cô nhận xét góp ý trong khi luyện nói. Khi viết, bài làm của học sinh được nhận xét góp ý chỉnh sửa kĩ càng của bạn và thầy cô, coi trọng sáng tạo và sự riêng biệt của học sinh. Để đổi mới phương pháp dạy học phải đổi mới từ tư duy người thầy.

Các đại biểu cùng nhau thảo luận ý kiến sau các tiết dạy minh họa để rút kinh nghiệm.

Các đại biểu cùng nhau thảo luận ý kiến sau các tiết dạy minh họa để rút kinh nghiệm.

Còn theo cô Trần Thị Cải - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Nam trao đổi: STEM là mô hình giáo dục hiện đại, tích hợp nhiều môn học và kỹ năng cần thiết giúp học sinh phát triển theo hướng khoa học. Giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên định hướng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong thực tiễn.

Chương trình GDPT 2018 có đầy đủ các môn học thuộc lĩnh vực STEM, đó là môn: Toán, Tự nhiên và xã hội, Khoa học, Tin học và Công nghệ, các môn Nghệ thuật. Cô Cải đã đưa ra những cách áp dụng giáo dục STEM trong các môn học, cụ thể là dạy học môn Tự nhiên và Xã hội theo định hướng giáo dục STEM.

Những góp ý quan trọng

Tiết dạy minh họa môn Tự nhiên và Xã hội của cô giáo Lưu Thị Oanh - giáo viên Trường Tiểu học Hải Phúc.

Tiết dạy minh họa môn Tự nhiên và Xã hội của cô giáo Lưu Thị Oanh - giáo viên Trường Tiểu học Hải Phúc.

Các tiết dạy minh họa cho chuyên đề đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới sáng tạo trong dạy học giúp học sinh phát huy được các năng lực phẩm chất, vui tươi hào hứng học tập.

Các cô Lưu Thị Oanh và Nguyễn Thị Sao Xuyến trực tiếp dạy tiết minh họa môn Tự nhiên và Xã hội đều có chung cảm nhận: "Dạy học môn Tự nhiên và xã hội theo định hướng giáo dục STEM học sinh rất hứng thú. Các em được tham gia nhiều hoạt động, được vận dụng các kiến thức vừa học vào trải nghiệm làm ra sản phẩm như quyển sổ tay, món quà tặng cô... Học sinh rất vui, phấn khởi, cảm nhận được ý nghĩa và giá trị sản phẩm do chính mình làm ra. Tiết dạy học được lồng ghép giáo dục STEM không những sinh động, hấp dẫn mà qua đó, các năng lực và phẩm chất của học sinh đã được phát huy một cách tích cực".

Còn với cô Hoàng Thị Loan dạy tiết minh họa môn Tiếng Việt bài: Luyện viết đoạn văn kể về việc chăm sóc cây. Tiết dạy được tổ chức ngoài không gian lớp học, học sinh được trải nghiệm quan sát thực tế, được tự tay chăm sóc cây, từ đó các em có nhiều cảm xúc sáng tạo khi viết văn. Học sinh được chia sẻ trải nghiệm với việc đã làm và cảm xúc chân thật, rồi sau đó tự viết lại thành đoạn văn. Với việc đổi mới phương pháp như thế thì cô không cần dạy văn mẫu, trò không cần chép văn mẫu. Học trò phát huy năng lực ngôn ngữ, văn học của bản thân một cách sáng tạo.

Tiết dạy Tiếng Việt ngoài không gian lớp học của cô giáo Hoàng Thị Loan - giáo viên Trường Tiểu học Hải Thanh.

Tiết dạy Tiếng Việt ngoài không gian lớp học của cô giáo Hoàng Thị Loan - giáo viên Trường Tiểu học Hải Thanh.

Sau 4 tiết dạy minh họạ, cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục chia sẻ, thảo luận những vấn đề đổi mới phương pháp dạy học học. Các thầy cô cũng mạnh dạn nêu ra những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện đổi mới phương pháp đối với những học sinh nhận thức chậm, học sinh vùng khó khăn. Các đại biểu dự Hội thảo cũng chia sẻ các biện pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn đó và đều bày tỏ quyết tâm đổi mới phương pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Mây - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu đánh giá cao tinh thần học hỏi, tích cực nghiên cứu của các cán bộ quản lý, giáo viên Cụm miền 1 và khẳng định, việc đưa giáo dục STEM vào trong các môn học là rất cần thiết. Giáo dục STEM cho học sinh tiểu học xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0. Vì vậy, mỗi giáo viên cần phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tích cực trao đổi trong sinh hoạt chuyên môn tìm ra các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.

Các thầy cô nên tích cực ứng dụng phương pháp giáo dục STEM trong dạy học, nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, hướng tới việc học sinh hoàn toàn chủ động, sáng tạo khi viết văn, không phụ thuộc vào văn mẫu. Các nhà giáo cần tích cực bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng kế hoạch dạy học đảm bảo nhẹ nhàng, hấp dẫn, phong phú, linh hoạt, gắn với thực tiễn, tăng cường trải nghiệm và hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ