Nam Định lưu ý về thu chi tài chính, an toàn thực phẩm tại các nhà trường

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Nam Định đã đưa ra một số lưu ý với các trường học về công tác thu chi tài chính, an toàn vệ sinh thực phẩm năm học 2022-2023.

Trụ sở cơ quan Sở GD&ĐT Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ.
Trụ sở cơ quan Sở GD&ĐT Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ.

Chấn chỉnh việc thu chi

Thời gian vừa qua, để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT Nam Định đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời điểm đầu năm học vẫn còn một số vấn đề phát sinh, gây bức xúc trong dư luận như việc mất an toàn thực phẩm; việc thu chi tài chính chưa đúng quy định; việc phân chia lại các lớp học

Để tăng cường các biện pháp quản lý, chấn chỉnh những tồn tại diễn ra tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT đề nghị UBND các huyện/thành phố phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh, yêu cầu các cơ sở giáo dục và những đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung quan trọng.

Đặc biệt, công tác quản lý thu chi tài chính năm học 2022-2023 cần thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh của các cấp quản lý; nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện nghiêm Thông tư số 55/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Trong đó, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh do Ban quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ các hoạt động trực tiếp của Ban. Lãnh đạo các đơn vị thống nhất với Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh trường để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí của Ban. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nếu để chi sai kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Sở GD&ĐT Nam Định nghiêm cấm các cơ sở giáo dục tự thành lập các quỹ trái thẩm quyền (quỹ hỗ trợ, quỹ tài năng…) để huy động kinh phí từ học sinh, phụ huynh; không được tự ý sử dụng tài sản của Nhà nước để kinh doanh dịch vụ, mở căng tin, bán hàng hoặc cho giáo viên thuê, mượn làm nơi dạy thêm, học thêm…

Việc chủ trì vận động tài trợ phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2018 của Bộ GD&ĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Việc tiếp nhận tài trợ do tổ chức, cá nhân chủ động trao tặng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức lợi dụng danh nghĩa huy động, trao tặng… để áp đặt học sinh, phụ huynh đóng góp kinh phí ngoài các khoản quy định.

Chú trọng công tác an toàn thực phẩm

Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Nam Định cũng lưu ý về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục có nuôi ăn bán trú, nội trú. Các đơn vị cung cấp thực phẩm cho các cơ sở giáo dục chấp hành nghiêm túc quy định về an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm quy định hoặc để xảy ra sự cố mất an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Ưu tiên sử dụng nguồn thực phẩm được chứng nhận an toàn của địa phương.

Cơ sở giáo dục, các cơ quan chức năng của địa phương kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm; soi chiếu thực tế nhãn mác, thời hạn sử dụng sản phẩm (sữa, nước giải khát, dầu ăn, nước mắm…) với giấy phép kinh doanh, hợp đồng cung cấp thực phẩm; kiểm soát các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển, quy trình giao nhận, kiểm thực, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, việc phân chia lại các lớp vào thời điểm đầu năm học, các trường phải thực hiện nghiêm túc Công văn số 2449 ngày 27/5/2016 của Bộ GD&ĐT về việc khắc phục tình trạng chạy trường, chạy lớp. Hạn chế tối đa việc chuyển học sinh giữa các lớp sau khi đã phân lớp.

Trường hợp có chuyển học sinh giữa các lớp trong khối với mục đích nâng cao chất lượng chuyên môn thì nhà trường phải có chủ trương, kế hoạch, mục đích rõ ràng và thống nhất trong Hội đồng trường, báo cáo cấp quản lý trực tiếp, xây dựng tiêu chí cụ thể, công khai cho học sinh và cha mẹ học sinh biết từ đầu cấp học. Không để nảy sinh tâm lý, tư tưởng chạy trường, chạy lớp, chạy giáo viên gây bức xúc trong dư luận...

Sở GD&ĐT Nam Định cũng đề nghị UBND các huyện/thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; mua sắm thiết bị dạy học, nhất là thiết bị phục vụ triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...