Nam Định thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp triển khai Chương trình mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bước sang tuần thứ 8 của năm học 2022 - 2023, các nhà trường đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả Chương trình mới.

Các nhà trường có nhiều giải pháp linh hoạt để triển khai Chương trình SGK mới.
Các nhà trường có nhiều giải pháp linh hoạt để triển khai Chương trình SGK mới.

Giáo viên từng bước được chuẩn hóa

Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (TP Nam Định) có 415 học sinh. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hiền thông tin: Trước khi triển khai nhiệm vụ năm học, nhà trường đã họp tổ chuyên môn và công khai danh mục SGK mới được UBND tỉnh lựa chọn. Sau khi chọn bộ sách Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống, giáo viên, nhất là khối 1, 2, 3 đều tham gia các lớp do sở/phòng GD&ĐT tổ chức để từng bước chuẩn hóa đội ngũ. Ngoài ra, khâu tập huấn nội bộ cũng được chú trọng để giáo viên trực tiếp giảng dạy cũng như tất cả thầy cô khối khác có thể nắm được các mạch kiến thức và sẵn sàng giảng dạy.

“Trường được xây dựng mới hoàn toàn về cơ sở vật chất, chúng tôi luôn ý thức phải thực sự cố gắng. Toàn trường có 13 lớp, riêng khối 1 tuyển sinh được 6 lớp với 185 em. Sĩ số mỗi lớp khoảng 35 học sinh, đúng với Điều lệ trường tiểu học là điểm thuận lợi của nhà trường cũng như giáo viên tổ chức giảng dạy. Chương trình mới có nhiều kiến thức thực tế đòi hỏi các em phát huy tính chủ động, sáng tạo, nếu sĩ số lớp quá đông sẽ khó triển khai được các mạch nội dung này một cách hiệu quả. Ngoài ra, các lớp đều được lắp bảng từ 4 cánh, bảng tương tác thay máy chiếu để học sinh dễ dàng sử dụng” – cô Thu Hiền cho hay.

Bên cạnh đó, nữ Hiệu trưởng cũng cho biết, trong Chương trình GDPT 2018 có một số môn mới như Hoạt động trải nghiệm, Công nghệ, Giáo dục địa phương. Riêng môn Hoạt động trải nghiệm, các em đã làm quen từ lớp 1, 2. Khi xây dựng kế hoạch giáo dục, ban giám hiệu đã chỉ đạo tổ trưởng chuyên môn thống nhất xem nội dung nào triển khai chung khi sinh hoạt dưới cờ, nội dung nào dạy theo số tiết. Môn Giáo dục địa phương cũng phân bổ số tiết hợp lý, lồng ghép vào môn Tự nhiên Xã hội. Tuy nhiên, nhà trường rất cần sự chia sẻ, đồng hành từ phía phụ huynh học sinh. Trong đó có vấn đề kinh phí để tổ chức các hoạt động cho học sinh như đi tìm hiểu địa phương trên địa bàn thì cần phương tiện, nhân lực tham gia cùng nhà trường…

“Hiện trường có 19 cán bộ, giáo viên, nhân viên được biên chế, thiếu giáo viên Tin học. Trường chỉ có 1 biên chế giáo viên Tiếng Anh nên khá vất vả. Trường được trang bị phương tiện dạy học hiện đại ở phòng Tin học với 36 máy tính/ phòng. Phòng Tiếng Anh chưa đủ máy nên nhà trường tạm thời lấy máy tính ở các phòng trống để kết nối.

Sau 7 tuần triển khai, nhà trường nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía giáo viên và phụ huynh. Hy vọng trong thời gian tới, các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm hơn nữa để nhà trường hoàn thiện hơn về điều kiện dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục”, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (TP Nam Định).

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (TP Nam Định).

Chú trọng đội ngũ dạy môn tích hợp

Năm học này, Trường THCS Hải Xuân (huyện Hải Hậu) có 692 học sinh ở 17 lớp. Cô Phạm Thị Thảo, giáo viên môn Khoa học Tự nhiên (Lý-Hóa-Sinh) với chuyên môn chính là Sinh học được tập huấn thiết kế giáo án, phương pháp đánh giá mới với học sinh. Nội dung kiến thức của chương trình mới được thiết kế theo hình vòng tròn đồng tâm từ lớp 6 đến lớp 9. Để được dạy thêm cả môn Lý-Hóa, theo cô Thảo phải tập huấn thêm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa dạy vừa tìm hiểu kiến thức cho học sinh.

Thầy Phạm Văn Trang – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khối 6, 7 có 185 em. Để dạy môn tích hợp, trường đã triển khai tới từng tổ nhóm chuyên môn. Quá trình tập huấn được trường thực hiện để 1 cô có thể dạy được 3 phân môn của môn tích hợp như Khoa học Tự nhiên, 1 cô dạy 2 phân môn ở môn Lịch sử-Địa lý. Hiện tại, trường vẫn duy trì 3 người dạy 1 môn Khoa học Tự nhiên.

Trường THPT Quang Trung (huyện Nam Trực) năm nay có 907 học sinh với 19 lớp, cán bộ giáo viên là 45 người, bao gồm cả giáo viên thỉnh giảng. Cô Nguyễn Thị Mai Hương – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm mới đáng chú ý. Nhà trường có điểm thuận lợi là tham gia tập huấn đầy đủ để nắm bắt tinh thần chung cho đội ngũ giáo viên. Theo cô Hương, chương trình mới đề cao tính tự chủ trong học tập, phát huy năng lực phẩm chất của học sinh. Tuy nhiên, điểm khó khăn của trường là vẫn có một số em có lực học trung bình yếu.

Để triển khai tốt chương trình mới, giáo viên của trường đã tích cực trau dồi chuyên môn, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho việc giảng dạy. Mỗi lớp đều có máy chiếu hỗ trợ giáo viên dạy học. “Thực tế tại đơn vị cho thấy, có một số chương và phần nội dung còn khó với học sinh. Xuất phát từ thực tiễn, nhà trường đã xây dựng 2 tổ hợp Khoa học Tự nhiên và 5 tổ hợp Khoa học Xã hội.

Đa số các em thi đầu vào lớp 10 đạt dưới 30 điểm nên chọn tổ hợp Khoa học Xã hội. Ở nhóm môn lựa chọn như Âm nhạc, Mỹ thuật hiện vẫn chưa có giáo viên cấp THPT. Nhà trường cũng chưa có nguồn để trang thiết bị và cơ sở vật chất chưa đồng bộ. Thiết bị phục vụ thí nghiệm cũng thiếu nên rất cần được đầu tư, hoàn thiện trong thời gian tới nhằm phục vụ tốt nhất cho thầy và trò”, cô Mai Hương nói.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT Hải Hậu (Nam Định), đơn vị đã chỉ đạo các nhà trường trực thuộc đảm bảo SGK cho học sinh. Trong đó, thông báo công khai danh mục sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3, 6, 7 theo Chương trình GDPT 2018 do nhà trường lựa chọn để sử dụng trong năm học 2022 - 2023 tới toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Hỗ trợ học sinh, phụ huynh liên hệ, giới thiệu các đơn vị cung ứng sách được nhà xuất bản ủy quyền để phụ huynh kịp thời mua sách cho năm học mới nhằm tránh mua phải sách in lậu, sách giả, đảm bảo chất lượng học tập và quyền lợi của học sinh. Đồng thời, vận động các nhà tài trợ, nhà hảo tâm, nhà xuất bản tặng SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tặng sách, tài liệu tham khảo cho thư viện các trường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ