Nam Á 'thét giá' thị thực du học Anh

GD&TĐ - Thời gian gần đây, số lượng sinh viên quốc tế ở Nam Á xin thị thực du học Anh ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng tồn đọng xử lý thị thực.

Các cơ quan xử lý thị thực Vương quốc Anh tại Nam Á rơi vào tình trạng quá tải do số lượng hồ sơ tăng.
Các cơ quan xử lý thị thực Vương quốc Anh tại Nam Á rơi vào tình trạng quá tải do số lượng hồ sơ tăng.

Trong thời gian gần đây, số lượng sinh viên quốc tế ở Nam Á xin thị thực (visa) du học Anh ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng tồn đọng xử lý thị thực. Nắm bắt xu hướng này, các nhóm lừa đảo đã tiếp cận và hứa hẹn giúp sinh viên đặt lịch làm thủ tục nhanh chóng với giá “cắt cổ”.

Cuộc điều tra gần đây của trang Observer, Anh, chỉ ra các trung tâm môi giới ở một số nước Nam Á đã mời chào làm thị thực du học Anh với giá “cắt cổ”. Cụ thể, thủ tục xin thị thực ở các nước Nam Á có giá dao động từ 30 – 85 bảng, hoặc miễn phí. Tuy nhiên, các nhóm lừa đảo đã tiếp cận, hứa hẹn giúp làm thị thực nhanh chóng, trả kết quả sớm với giá lên tới 800 bảng.

Vì mong muốn sở hữu thị thực nhanh chóng, không mất thời gian chờ đợi, nhiều người đã chi hàng trăm bảng cho các bên trung gian. Các trung tâm môi giới cũng quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội Facebook hay ứng dụng trò chuyện Telegram.

Một sinh viên giấu tên cho biết từ tháng 9, ngày nào anh cũng vào kiểm tra thông tin đặt chỗ làm thủ tục cấp thị thực trực tuyến nhưng không bao giờ có chỗ trống. Trong khi đó, các trung tâm môi giới cam kết chỉ mất 1 - 3 ngày để hoàn thành thủ tục với mức giá là 735 bảng.

“Nếu muốn làm thủ tục, tôi phải trả tiền cho ai đó. Xung quanh tôi, mọi người cũng không thể đặt lịch làm việc theo cách thông thường. Nếu quy trình làm thủ tục diễn ra như thường lệ, không ai cần chi nhiều tiền đến vậy”, người này cho biết.

Còn một sinh viên khác sống tại Gujranwala, phía Đông Bắc Pakistan đã lỡ chuyến bay đến Anh và hoãn ngày làm thủ tục nhập học vì gặp phải lừa đảo. Do làm thủ tục theo hình thức truyền thống mất quá nhiều thời gian, người này đã chi 560 bảng cho một trung tâm môi giới ở Islamabad, Pakistan.

Sau 6 giờ lái xe đến Islamabad, sinh viên này phát hiện trung tâm môi giới đó không tồn tại. Cô phải trả 120 bảng cho một đại lý khác và đợi thị thực trong 8 ngày.

Ông Rakesh Ranjan, điều phối viên chương trình lao động nhập cư của Viện Nhân quyền và Kinh doanh Vương quốc Anh tại Nam Á, cho biết môi giới cuộc hẹn là hoạt động kinh doanh lớn tại khu vực này. Các đại lý bán lịch làm thủ tục thị thực cho những người có nhu cầu đến Mỹ, Canada, Anh hay Liên minh châu Âu (EU).

Nhiều người không biết họ đang phải trả một khoản tiền không cần thiết cho việc làm thủ tục. Số khác buộc phải trông cậy vào các đại lý do họ không thể truy cập Internet. Khoản tiền làm thị thực này làm tăng khoản nợ du học của sinh viên.

Là công ty trung gian được ủy quyền bởi các chính phủ, chuyên cung cấp dịch vụ xử lý thị thực cho nhiều quốc gia, trong đó có Vương quốc Anh, VFS Global cho biết họ đang cố gắng trấn áp các trung tâm môi giới tính phí cao hoặc có dấu hệu lừa đảo. Các biện pháp bao gồm giám sát, hạn chế việc hủy hoặc hoãn lịch làm thủ tục từ khách hàng giả mạo...

Các chuyên gia giáo dục đang kêu gọi VFS Global và Chính phủ Anh đơn giản hóa quy trình xử lý thị thực như chỉ định hẹn gặp trực tiếp người nộp đơn hoặc thông báo cho họ thời gian làm việc cụ thể.

Vấn đề được cho là nghiêm trọng nhất tại Pakistan, nơi các trung tâm môi giới lạm dụng hệ thống làm thủ tục quá tải để lừa đảo. Những người nộp đơn xin thị thực từ Pakistan cho biết họ không thể đặt lịch làm thủ tục trực tiếp với cơ quan chính thống.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.