Năm 2020, tăng lương tối thiểu vùng: Có đáp ứng mức sống tối thiểu?

GD&TĐ - Lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ cao hơn năm 2019 từ 150.000 - 240.000 đồng. Việc này nhằm đáp ứng 100% mức sống tối thiểu cho người lao động (NLĐ). Đây là kết quả mới đạt được tại phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020.

Tăng lương tối thiểu NLĐ đủ sống, doanh nghiệp cũng sẽ cạnh tranh tốt hơn. Ảnh: ILO
Tăng lương tối thiểu NLĐ đủ sống, doanh nghiệp cũng sẽ cạnh tranh tốt hơn. Ảnh: ILO

Tăng 5,5% mức lương tối thiểu vùng

Theo đó, các bên đã bỏ phiếu thống nhất sẽ tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 thêm 5,5%, tùy theo từng vùng. Cụ thể, vùng 1 lên 4,42 triệu đồng/tháng, tăng 240.000 đồng/tháng; vùng 2 lên 3,92 triệu đồng/tháng, tăng 210.000 đồng/tháng; vùng 3 lên 3,43 triệu đồng/tháng, tăng 180.000 đồng/tháng và vùng 4 lên 3,07 triệu đồng/tháng, tăng 150.000 đồng/tháng.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp cho biết, phương án ban đầu trước khi thảo luận Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra là 6,7%. Còn đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng như những người sử dụng lao động thì có đề xuất khoảng 4%. Tức là 2 đề xuất này đã thu hẹp rất nhiều so với phiên họp đầu tiên, nhưng vẫn có khoảng cách chênh lệch về phương án giữa 2 bên. Sau một thời gian thương lượng, phương án chốt cuối cùng điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5%.

Trước đó, tại phiên họp đầu tiên hồi tháng 6, sau khi lắng nghe bộ phận kỹ thuật trình bày các quan điểm còn khác nhau về mức sống tối thiểu, đại diện VCCI đề xuất mức tăng dưới 2%, trong khi đó, phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng 8,1%. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bên là trên 6%.

Tiếng nói người lao động

Yếu tố tác động trực tiếp đến mức tăng lương tối thiểu là việc xác định tỷ lệ nhu cầu lương thực và phi lương thực phục vụ đời sống tối thiểu của NLĐ. Nhiều kỳ họp thương lượng tiền lương tối thiểu các năm đều xảy ra tranh cãi gay gắt giữa đại diện NLĐ và chủ doanh nghiệp, do cách xác định tỷ lệ lương thực và phi lương thực khác nhau.

Về mức lương tối thiểu vùng, theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức tăng lương tối thiểu năm 2019 mới chỉ đáp ứng được trên 90% mức sống tối thiểu của NLĐ. Trong khi đó, Nghị quyết 27/NQ-TW nêu rõ: Đến năm 2020, mức lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình của họ. 

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tính tỷ lệ mức lương thực, thực phẩm phương án 1: Khoảng 47%, tương đương với Philippines, thì mức lương tối thiểu năm 2020 sẽ có thể tăng từ 160.000 - 330.000 đồng, tức khoảng 7,06%. Ở phương án 2, tỷ lệ lương thực Thực phẩm giảm còn 46,5%, cao hơn Campuchia, thì mức tăng lương tối thiểu sẽ tăng từ 180.000 - 380.000 đồng, tương đương tăng 8,18%. Nếu thực hiện theo 2 phương án này, thì mức lương tối thiểu mới có thể đáp ứng được đời sống tối thiểu của NLĐ.

Cũng theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, năm nay, GDP tăng khoảng 7%, năng suất lao động cũng tăng xấp xỉ 6% là chỉ số tốt. Triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới nhờ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, sẽ có lợi về giảm thuế cho doanh nghiệp (DN), nhiều nhãn hàng quốc tế đã cam kết trả lương đủ sống và yêu cầu DN trả lương đủ sống cho NLĐ. Vì vậy, nếu tăng lương tối thiểu đủ sống sẽ tạo điều kiện cho DN cạnh tranh đơn hàng tốt hơn.

Đáp ứng mức sống tối thiểu

Mức tăng 5,5% được cho là sẽ đáp ứng 100% mức sống tối thiểu cho NLĐ và sẽ được Hội đồng Tiền lương quốc gia trình lên Chính phủ để quyết định. VCCI cho rằng, cần giãn lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đến năm 2020 nhằm hỗ trợ DN cải thiện năng suất, chất lượng lao động, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, xử lý rủi ro suy giảm tăng trưởng có tính chu kỳ.

Ông Doãn Mậu Diệp cho biết, quan điểm của Chính phủ là tiến tới cải thiện đời sống của NLĐ và bảo đảm năng lực DN không bị bào mòn. Chính phủ tôn trọng các đề xuất, đàm phán giữa đại diện NLĐ và DN. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia tính toán, tăng lương tối thiểu khoảng 5% so với năm 2019, sẽ đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ vào năm 2020. Một số hiệp hội như Hiệp hội DN Hàn Quốc cũng đang “xuôi” theo đề xuất tăng từ 5 - 6%, trong khi các DN dệt may lại kiến nghị không tăng lương.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ DN đã trả cao hơn mức lương tối thiểu năm 2019 đạt khá cao. Lương tối thiểu chỉ áp dụng với những NLĐ yếu thế và có mức lương thấp, ngang với lương tối thiểu. Vì vậy, tăng lương tối thiểu sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nhóm DN đã trả lương cao hơn lương tối thiểu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ